5 lý do khiến giá dầu có thể sớm chạm mốc 100 USD/thùng

Dầu thô đang giao dịch ở mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu tăng mạnh trong trong bối cảnh nguồn cung của nhiên liệu này đang có dấu hiệu khan hiếm.

Giá dầu chỉ cách mốc 90 USD/ thùng - mức giá mà mặt hàng này được giao dịch lần cuối là vào năm 2014 – do được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do những lo ngại về biến thể Omicron đang giảm dần.

Hợp đồng dầu thô Brent North Sea chuẩn được giao dịch ở mức khoảng 88 USD/thùng vào hôm thứ Tư, tăng hơn 25% kể từ mức thấp gần đây nhất là vào tháng 12/2021 sau khi biến thể Omicron xuất hiện. Hợp đồng tương lai West Texas Intermediate (WTI), tiêu chuẩn Hoa Kỳ, dao động trên 86 USD/thùng.

60455939_401.jpg
Hàng không phục hồi góp phần đẩy giá dầu đi lên.

Các nhà phân tích, bao gồm cả các nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ, dự báo rằng giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay, điều này làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát vốn đã đạt mức cao ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Đức.

"Các nhà kinh doanh năng lượng đang chuẩn bị cho giá dầu đạt 100 USD / thùng vì nhu cầu dầu thô dường như đang trên đà trở lại mức trước đại dịch và do nguồn cung có thể sẽ rất khan hiếm trong phần còn lại của năm", Edward Moya, nhà phân tích tại nhóm giao dịch OANDA cho biết.

Dưới đây là năm lý do mà các chuyên gia tin rằng giá dầu có thể đạt mốc 100 USD/thùng.

Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh

Thị trường dầu thô đang chứng kiến ​​một nhu cầu tiêu thụ tăng cao mặc cho các trường hợp lây nhiễm COVID tăng vọt trên toàn cầu trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron không đáng lo ngại.

Việc di chuyển bằng đường hàng không, mặc dù vẫn còn dưới mức trước đại dịch, nhưng fđã cho thấy có dấu hiệu phục hồi tốt và điều này đã đẩy nhu cầu về nhiên liệu máy bay ở châu Âu tăng cao. Giá dầu diesel cũng đang tăng do nhu cầu về dầu sưởi ấm trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên, giá vận chuyển và nhiên liệu công nghiệp tăng cao.

Nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch dự kiến ​​sẽ tăng trong kỳ nghỉ hè ở Bắc bán cầu khi mọi người bắt đầu cho các chuyển nghỉ ngơi.

Hạn chế về nguồn cung

Một số sự cố ngoài kế hoạch ở Libya, Kazakhstan và Ecuador đã làm tăng thêm những hạn chế về nguồn cung hiện tại và tình hình nhìn chung sẽ khó có khả năng phục hồi sớm.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, một liên minh được gọi là OPEC +, đã phải vật lộn để khôi phục mức cắt giảm sản lượng kỷ lục mà họ đã thực hiện khi mà nhu cầu sụt giảm trong làn sóng coronavirus đầu tiên vào năm 2020.

1000x-1-16419739548931298980918.jpg
Giá dầu được dự báo sớm chạm mốc 100 USD/thùng.

Trong khi liên minh này tăng hạn ngạch sản xuất lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng thì mức tăng sản lượng thực tế đang giảm dần do các nhà sản xuất dầu từ Nga, nhà sản xuất lớn thứ hai OPEC + và Nigeria phải vật lộn với việc thiếu vốn đầu tư và một số các vấn đề liên quan đến việc khai thác.

Chỉ có một số quốc gia nằm trong OPEC như Ả Rập Xê Út, UAE và Iraq là có đủ năng lực để thúc đẩy sản xuất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khả năng cũng chỉ có thể là tạo ra được lượng dầu dự trữ ở mức thấp. Và điều này là không đủ để các nhà đầu tin rằng lượng dầu dự trữ này có thể duy trì được thị trường trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, đặc biệt là khi tồn kho toàn cầu đã tiếp tục giảm.

Căng thẳng Nga-Ukraine

Căng thẳng gia tăng giữa Nga với Mỹ và các đồng minh phương Tây gây ra rủi ro lớn cho thị trường dầu mỏ. Washington đã cảnh báo Moscow trước khả năng nước này có thể xâm lược Ukraine khi mà quân đội Nga đang tập trung ở biên giới với Ukraine.

"Một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine rất có thể sẽ làm tăng giá khí đốt tự nhiên một cách đáng kể, và dầu sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi quá trình chuyển đổi từ khí sang dầu trong sản xuất điện", Claudio Galimberti, phó Chủ tịch cấp cao của bộ phận phân tích tại Rystad Energy cho biết.

Tuy nhiên, ông cho rằng tác động trực tiếp của việc này đến các cơ sở sản xuất dầu ở Siberia là rất khó xảy ra.

Trung Đông và những rắc rối địa chính trị 

Thị trường dầu mỏ đặc biệt nhạy cảm với căng thẳng địa chính trị. Vì vậy, nếu tình hình chính trị và an ninh ở các nước sản xuất dầu lớn như Kazakhstan và Libya xấu đi thì giá dầu có thể nhanh chóng đi lên.

Nguồn cung cũng dễ bị tổn thương do căng thẳng leo thang giữa Ả Rập Xê-út và Iran ở Trung Đông sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen vào UAE.

Moya cho biết: “Căng thẳng địa chính trị là dấu hiệu lớn nhất đối với giá dầu thô và có thể sẽ là chất xúc tác chính để giữ cho giá tiếp tục tăng cao hơn khi nhu cầu phục hồi”.

Các nhà đầu tư ở Phố Wall sẽ quyết định cuối cùng

Javier Blas, một nhà báo phụ trách chuyên mục của giá dầu của Bloomberg viết rằng, một khi dầu chạm mức 90 USD / thùng thì nó sẽ khiến các nhà giao dịch trên Phố Wall phấn khích và họ chính là những người cuối cùng đưa giá dầu lên trên 100 USD/thùng.

"Các yếu tố cơ bản về cung và cầu thúc đẩy giá dầu. Những thứ như kế hoạch sản xuất của OPEC + và cách mà Mỹ lèo lái vấn đề là quan trọng nhất", Blas viết trong một chuyên mục.

Blas chỉ ra sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà giao dịch dầu mỏ, những người đã xây dựng một danh mục quyền chọn mua – đó là một hợp đồng cho phép các nhà giao dịch có quyền mua dầu ở một mức giá và ngày cụ thể - khi nhu cầu và giá dầu giảm trong đại dịch. Nhiều lựa chọn trong số đó dành cho giá dầu trên 100 USD/thùng.

“Nhiều quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư lớn khác đang kiên nhẫn chờ đợi một phần thưởng lớn hơn nhiều dành cho mình - giá dầu tăng nhiều hơn nữa để họ có thể thực hiện đầy đủ các quyền chọn mua và được hưởng quyền mua dầu thô thấp hơn giá thị trường’, ông cho biết thêm.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương