5 tồn tại khiến thị trường bất động sản… bất ổn

Đây là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, diễn ra hôm nay 5/6, tại TP.HCM. Ông chỉ ra 5 tồn tại khiến thị trường bất động sản… bất ổn.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thị trường bất động sản đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế và góp phần đảm bảo "an sinh xã hội về nhà ở", đã làm thay đổi bộ mặt nhiều khu vực đô thị và nông thôn và đã đóng góp trên dưới 10% nguồn thu ngân sách nhà nước.

Kiến nghị Nhà nước bổ sung Luật Nhà ở quy định cơ chế chính sách "ưu đãi một phần" để phát triển "nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội".

Song song đó, đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và chương trình di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch để tái thiết, tái phát triển đô thị bền vững.

Đến nay, đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành với 7 doanh nhân Việt có tài sản vốn hóa trên 1 tỷ USD và khẳng định vị thế của các doanh nghiệp Việt giữ vai trò "thống lĩnh" thị trường bất động sản, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở đa dạng của khách hàng.

Đồng thời, lĩnh vực bất động sản cũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Lũy kế đến tháng 11/2021 đạt khoảng 61,6 tỷ USD đứng thứ 3 và chiếm 15,2% tổng nguồn vốn FDI.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững biểu hiện rất rõ nét qua 5 vấn đề tồn tại.

Thứ nhất, tình trạng "lệch pha cung-cầu" dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Thứ hai, tình trạng "lệch pha phân khúc thị trường" về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở. Qua năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.

Thứ ba, tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân và đã xuất hiện tình trạng "phân lô bán nền" tràn lan, "sốt ảo" giá đất tại nhiều địa phương.

Thứ 4, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, công bằng, lành mạnh.

Thứ 5, hiện vẫn có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp.

"Vấn đề nổi lên là cần phải kiểm soát và xử lý hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn để cả hai thị trường này phát triển lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau, do hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

Kiến nghị Nhà nước đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp thông qua phương thức "đấu giá quyền sử dụng đất" hoặc "đấu thầu dự án có sử dụng đất". kiến nghị Nhà nước quy định cơ chế người sử dụng đất có quyền được hưởng phần giá trị tăng thêm từ đất do người sử dụng đất đầu tư mang lại. Kiến nghị Nhà nước đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tổng Hợp