6 nhà máy điện năng lượng tái tạo thống nhất giá tạm thời với EVN

Sáng 15/5, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đã có 6 nhà máy thống nhất với Tập đoàn Điện lực EVN về mức giá mua điện tạm thời bằng 50% giá điện khung của Quyết định số 21/QĐ-BCT.

6 nhà máy này gồm: nhà máy điện gió Nam Bình 1, điện gió Viên An, điện gió Hưng Hải Gia Lai, điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, điện mặt trời Phù Mỹ 3 và điện gió Hanbaram.

Hiện quyết định này của Bộ Công Thương quy định mức trần của khung giá đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi có giá 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền có giá 1.587,12 đồng /kWh; nhà máy điện gió trên biển có giá 1.815,95 đồng/kWh.

Tổng công suất của 6 nhà máy nói trên chưa vận hành thương mại (COD) là 357,5 MW, chiếm tỷ lệ 7,6%.

6 nhà máy điện năng lượng tái tạo thống nhất giá tạm thời với EVN - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê, cả nước hiện có 85 dự án, nhà máy/phần nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, trong đó có 77 nhà máy/phần nhà máy điện gió, tổng công suất 4.185,4 MW, 8 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời tổng công suất 506,66 MW.

Tính đến thời điểm ngày 10/5/2023, đã có 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8 MW, chiếm tỷ lệ 37%) đã nộp hồ sơ.

Cụ thể, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài ra, có 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án (tổng mức đầu tư dự án, hồ sơ tài chính, các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tiến độ dự án, đất đai, thỏa thuận đấu nối, quy hoạch); 5 dự án mới gửi hồ sơ, hiện đang được EVN rà soát.

Cùng với đó, 16 nhà đầu tư đã đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán, cụ thể: Có 10 nhà máy điện với tổng công suất chưa COD là 468,75 MW, chiếm tỷ lệ 10% đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết thực hiện; có 2 nhà máy điện tổng công suất chưa COD là 104,2 MW, chiếm tỷ lệ 2,2% đề nghị mức giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết và thực hiện

Cùng với đó, 4 nhà máy điện với tổng công suất chưa COD là 410,5 MW, chiếm tỷ lệ 8,7% đề nghị giá tạm tính theo 02 phương án: (i) Giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và đề nghị thực hiện hồi tố sau khi có giá điện chính thức; (ii) Giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm.

Mới đây, trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc T&T Group nêu thực tế, các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào dự án năng lượng tái tạo nhưng vẫn chưa được huy động công suất.

"Hiện tổng công suất lắp đặt của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp là 2.090 MW. Hơn 1 năm qua, do không đáp ứng được các quy định về cơ chế khuyến khích (giá FIT) nên vẫn phải nằm im, đắp chiếu, gây lãng phí rất lớn, trong khi EVN phải nhập khẩu điện với giá cao hơn giá trần (6,95 cent/kWh). Để tránh lãng phí, chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương, EVN xem xét áp dụng cơ chế giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu từ Lào, vào khoảng 6,2 Cent/kWh. Khi nào có cơ chế giá chính thức, doanh nghiệp sẽ áp dụng hồi tố, tính toán lại", bà Bình nói.

Không chỉ T&T Group mà nhiều doanh nghiệp khác cũng cho hay hiện áp lực trả nợ ngân hàng là vô cùng lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, mới đây, 23 nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong lúc chờ đàm phán, thỏa thuận giá bán điện theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Các nhà đầu tư mong muốn trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong các phương án: EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công thương (khung giá) cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố. 

Thứ hai, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của khung giá trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng. Thứ ba, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của khung giá, thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư, theo VTC News.

Trong khi đó, phía EVN cho rằng, điều kiện tiên quyết để các dự án chuyển tiếp được huy động điện là phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật quy định trong Thông tư 15 của Bộ Công Thương. Trong các hồ sơ đã tiếp nhận thì hầu hết là chưa hoàn thiện, thiếu các thủ tục khác nhau, trong đó khó khăn, vướng mắc nhiều nhất liên quan đến đất đai để thực hiện dự án.

(Tổng hợp)

AN LY