7 bước đơn giản để làm món hồng treo gió tuyệt ngon

Từ đầu mùa hồng, các chị em đã truyền tai nhau những cách làm món hồng treo gió ngọt dẻo, lại đơn giản để nhâm nhi mỗi khi tiết trời se lạnh.

Hồng treo gió là loại hồng khô có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hồng sau khi được treo trước gió khi khô lại sẽ trở thành món mứt dẻo vô cùng hấp dẫn. Hồng treo gió có độ ngọt gấp 1.5 quả hồng tươi thông thường và có mùi hương đậm đà hấp dẫn nên được rất nhiều người yêu thích.

Hồng treo gió có nguồn gốc từ Nhật Bản (Ảnh: minh họa)
Hồng treo gió có nguồn gốc từ Nhật Bản (Ảnh: minh họa)

Được biết, để thu được 1 kg hồng treo gió cần khoảng 7 - 10 kg hồng tươi, vì vậy giá thành của món này khá cao. Nổi tiếng nhất là hồng treo gió Dojo Hachiya (Nhật Bản) được ví von là ngọt như mật ong, và bán với mức giá 200.000 đồng/3 quả, thậm chí có khi lên tới 1,1 triệu/15 quả. Hồng treo gió Hàn Quốc có giá dao động khoảng 500.000 đồng/1kg. Ở Việt Nam, hồng treo gió Đà Lạt được bán với giá khoảng 400 – 460.000 đồng/1kg.

Đang chính vụ hồng, chỉ cần một chút tỉ mỉ, cần mẫn, bạn có thể tự làm món hồng treo gió vừa ngon, vừa tiết kiệm chi phí cho cả gia đình.

Bước 1: Cách chọn loại hồng để làm hồng treo gió

Các loại hồng phổ biến ở Việt Nam như hồng trứng, hồng giòn... loại nào cũng có thể phơi để làm hồng treo gió.

Với loại hồng giòn: bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải để hồng nhanh đạt đến độ dẻo và đồng đều hơn.

Nếu chọn hồng trứng hoặc hồng tròn: bạn nên dùng những quả chưa bị chín mềm, cầm nặng tay, cuống cứng cáp để hồng không rơi trong quá trình treo.

Với loại hồng giòn nên chọn những quả có kích thước vừa phải (Ảnh: minh họa)
Với loại hồng giòn nên chọn những quả có kích thước vừa phải (Ảnh: minh họa)

 Bước 2: Làm sạch và gọt vỏ:

Hồng mua về rửa sạch, dùng bàn chải mềm chải sạch tai hồng, chải cẩn thận để hồng đừng bị long tai ngấm nước vào trong.

Gọt vỏ dọc từ trên xuống hoặc từ dưới lên để khi hồng khô sẽ cho vân đẹp. Lưu ý, không gọt sâu quá ở phần gần cuống tránh sau bị lên men ở khu vực gần cuống hồng sẽ hỏng và bị chua. Để lại phần cuống để buộc dây.

Lưu ý, không gọt sâu quá ở phần gần cuống hồng (Ảnh: minh họa)
Lưu ý, không gọt sâu quá ở phần gần cuống hồng (Ảnh: minh họa)

Bước 3: Ngâm hồng trong rượu

Dùng dây chắc chắn để buộc vào cuống quả hồng đã gọt. Sau đó chuẩn bị sẵn một nồi nước sôi nhỏ có pha lẫn 2 đến 3 chén nhỏ rượu vodka hoặc rượu đế để khử trùng bề mặt trái hồng tránh bị vi khuẩn, cũng như nấm mốc, đốm đen tấn công trong quá trình phơi. Nên nhúng trong dung dịch đó từ 2 - 3 phút.

Hồng sau khi ngâm trong rượu, vớt ra để ráo (Ảnh: minh họa)
Hồng sau khi ngâm trong rượu, vớt ra để ráo (Ảnh: minh họa)

Bước 4: Lựa chọn vị trí treo và phơi hồng

Treo hồng ở nơi thoáng mát, cao ráo, ít côn trùng. Khi treo, hồng không được chạm vào nhau. Thời gian phơi từ 3 đến 5 tuần tùy thuộc vào nhiệt độ của nắng. Tối nên mang hồng vào trong nhà nếu phơi nơi không có mái che, dính sương hồng dễ sinh nấm mốc.

Nếu thấy dự báo thời tiết mưa ẩm kéo dài, hãy tạm dừng việc phơi, cho hồng vào túi hút chân không (hoặc lọ, hộp kín không có không khí) bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh (như bạn bảo quản hồng thành phẩm), chờ ngày khô ráo tiếp tục mang ra phơi.

Lựa chọn vị trí khô ráo, thoáng mát để treo hồng (Ảnh: minh họa)
Lựa chọn vị trí khô ráo, thoáng mát để treo hồng (Ảnh: minh họa)

Bước 5: Xoa bóp cho quả hồng được dẻo và ngọt

Khi hồng đã tương đối khô (sau khoảng 7 - 10 ngày), quả hơi quắt lại thì đeo găng tay và dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng. Việc xoa bóp sẽ phá vỡ cấu trúc lớp bột cứng bên trong, mật tiết ra và phân bổ đều, khiến quả hồng ngọt hơn. Chú ý tập trung xoa bóp ở những cạnh cứng cho mềm đều (hai bên đường dao lúc bạn gọt mà khi khô sẽ gồ lên và dễ cứng hơn chỗ khác). Xoa bóp từ 1-2 ngày một lần. Vẫn tiếp tục treo hồng tại nơi khô ráo, thoáng mát.

Xoa bóp cho hồng thêm dẻo và ngọt (Ảnh: minh họa)
Xoa bóp cho hồng thêm dẻo và ngọt (Ảnh: minh họa)

Sau khoảng 5 - 7 tuần, khi hồng khô cứng lại không thể xoa bóp thêm nữa là đã đạt.

Sau khi hồng đạt tới độ khô vừa ý, hồng sẽ đổi sang màu nâu sậm, bề mặt xuất hiện phấn trắng (Ảnh: minh họa)
Sau khi hồng đạt tới độ khô vừa ý, hồng sẽ đổi sang màu nâu sậm, bề mặt xuất hiện phấn trắng (Ảnh: minh họa)

Bước 6: Bảo quản hồng treo gió

Sau khi hồng đạt tới độ khô vừa ý, hồng sẽ đổi sang màu nâu sậm, trong thời tiết lạnh, bề mặt hồng xuất hiện phấn trắng thì đó là lớp đường tự nhiên của hồng tiết ra.

Bạn cho hồng vào các túi và hút chân không, hoặc cho vào lọ kín, sau đó để tủ lạnh ăn dần. Khi để trong tủ hồng sẽ vẫn tiếp tục tiết mật tiết đường ra ngoài một cách tự nhiên chứ không hề bị ức chế quá trình.

Chỉ một vài quả hồng treo gió ngọt dẻo cùng tách trà nóng cũng khiến những ngày thu se lạnh chợt ấm hơn.

Diệu Thuần (Tổng hợp)

Những điểm hẹn đẹp nhất cho mùa Thu

Những điểm hẹn đẹp nhất cho mùa Thu

Dưới đây là những điểm hẹn lãng mạn nhất cho mùa thu tuyệt vời này