Ông Mrutyunjay Mohapatra, Tổng giám đốc Cục Khí tượng Ấn Độ, cho biết trong cuộc họp báo ở New Delhi rằng các đợt nắng nóng dự kiến sẽ kéo dài từ 10 đến 20 ngày ở các khu vực khác nhau trong thời gian 3 tháng, kết thúc vào ngày 30/6, so với mức bình thường là 4 đến 8 ngày. Nhiệt độ tối đa trên mức bình thường có thể xảy ra ở hầu hết các vùng trên cả nước.
Dự đoán được đưa ra vào thời điểm đất nước đông dân nhất thế giới đang chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 – giai đoạn mà nhiệt độ thường xuyên vượt qua 45C (113F). Nhiều người lo ngại nắng nóng có thể khiến nhiều người say nắng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Biến đổi khí hậu đang khiến Ấn Độ dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, đất nước 1,4 tỷ dân này phải đối mặt với lũ lụt, lốc xoáy, hạn hán và sóng nhiệt ngày càng gia tăng.
Nắng nóng sẽ không chỉ làm giảm lượng nước uống mà còn làm mất đi độ ẩm trong đất, mối đe dọa tiềm tàng đối với một số loại cây trồng mùa hè như đậu và hạt có dầu. Thành phố Bengaluru, nơi có ngành dịch vụ công nghệ thông tin trị giá 194 tỷ USD, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước.
Tuy nhiên, tác động đối với cây lúa mì gieo vào mùa đông có thể sẽ bị hạn chế do cây đã trưởng thành và việc thu hoạch đã bắt đầu ở nhiều bang. Sản lượng bội thu, như chính phủ dự đoán, có thể khiến chính quyền nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đã áp dụng từ năm 2022.
Triển vọng thời tiết sẽ gây thêm áp lực cho các công ty năng lượng. Nhu cầu điện cao điểm, ước tính sẽ tăng lên mức kỷ lục 250 gigawatt vào mùa hè này, có thể tăng hơn nữa nếu đợt nắng nóng kéo dài. Bộ điện lực đã yêu cầu các nhà máy tiếp tục nhập khẩu than để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Dữ liệu của Bộ Điện lực Ấn Độ cho thấy trữ lượng than, chiếm khoảng 3/4 sản lượng điện, tại các nhà máy điện đã tăng 38% trong năm qua và có thể kéo dài trung bình 18 ngày, nhưng tồn kho vẫn dưới mức quy định.
(Nguồn: Reuters)