Nhiều năm qua, giá nhà tại Việt Nam vẫn miệt mài tăng. Áp lực dân số đang khiến nhu cầu về nhà ở tăng mạnh, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng kịp dẫn đến giá tăng.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam đánh giá, xu hướng đầu tư vào bất động sản vùng ven đã xuất hiện từ vài năm nay khi được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp và tính thanh khoản tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, với mô hình khu đô thị, lượng hàng chào bán trên thị trường sơ cấp càng nhiều thì sự cạnh tranh tại thị trường thứ cấp sẽ càng gắt gao.
“Trên thực tế, trong cùng một dự án khu đô thị, có thể ở các phân khu khác nhau sẽ có điều kiện bàn giao khác nhau cùng với định vị sản phẩm khác nhau, nên người mua thứ cấp sẽ có rất nhiều sự lựa chọn, vì vậy, khả năng sinh lợi của các dự án này có thể không bằng so với các dự án đơn lẻ”, bà Thanh nói, đồng thời chia sẻ thêm, về sản phẩm, căn hộ một phòng ngủ có thể được một số nhà đầu tư ưa chuộng vì chi phí đầu tư không nhiều, nhưng tính thanh khoản của sản phẩm này cần được xem xét kỹ lưỡng, tùy thuộc vào đặc điểm dân cư khu vực đó. Hiện nay, các dòng sản phẩm căn hộ trên thị trường chủ yếu được thiết kế hai phòng ngủ bởi là loại sản phẩm được nhiều người quan tâm nhất.
Tại Hà Nội, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt khoảng 5.420 USD, tương đương 123 triệu đồng và nếu tuân theo nguyên tắc mỗi cặp vợ chồng hay cá nhân không nên dành quá 1/3 thu nhập cho việc mua nhà thì một cặp vợ chồng tại Hà Nội sẽ cần đến hơn 37 năm để có thể sở hữu căn hộ có giá 3 tỷ đồng.
Quy mô thị trường giai đoạn 2022-2025 lớn hơn 4 lần so với giai đoạn 2010-2015 nên nguồn cung hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo đó, dòng tiền sẽ theo 2 xu hướng: Thứ nhất, các nhà đầu tư lạc quan sẽ ưu tiên lựa chọn các bất động sản tại các địa phương có tiềm năng tăng trưởng tốt với các dự án nhà ở có vị trí đắc địa và giá vốn còn hợp lý. Ngoài ra, các dự án nghỉ dưỡng có pháp lý sở hữu lâu dài cũng sẽ là lựa chọn của nhóm nhà đầu tư này khi được hỗ trợ bởi các chính sách ưu đãi từ các chủ đầu tư.
Các nhà đầu tư an toàn sẽ hướng đến các sản phẩm vùng ven hoặc nội đô các thành phố lớn có tính chắc chắn về thanh khoản như Hà Nội, TP.HCM…Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của những sản phẩm này sẽ chỉ ở mức trung bình bởi đã có tăng trưởng mạnh trước đó.
Từ năm 2020 tới nay, nhiều khu vực đã xảy ra “sốt đất” điên cuồng, thậm chí mỗi ngày một giá khác nhau. Cùng đó, các thông tin quy hoạch hạ tầng, cộng thêm quan điểm “đầu tư đất chỉ có lãi” khiến bất động sản càng trở nên “sốt”.
Tuy nhiên, những ngày gần đây nhiều tỉnh thành siết phân lô, bán nền, ngân hàng có động thái siết tín dụng bất động sản, lạm phát, đặc biệt là hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị khởi tố đã tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư.
Trước cơn sốt đất, nhiều tỉnh thành ra văn bản mạnh tay kiểm tra, thanh tra, chặn đứng cơn sốt đất. "Phân lô, bán nền" được coi là nguyên nhân góp phần tạo nên sốt đất cũng dần bị siết lại. Mới đây nhất, Hà Nội đã ra văn bản về việc tạm dừng phân lô tách thửa với đất nông nghiệp. Một số tỉnh thành khác, việc phân lô tách thửa cũng được siết chặt.
Liên quan đến mức thuế chuyển nhượng đất đai, cơ quan chức năng cũng ra văn bản yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chống khai gian thuế. Đáng chú ý nhất là một số ngân hàng có động thái tạm dừng cho vay tín dụng bất động sản. Trong danh mục cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước "khóa cứng" tỷ lệ 8%, tức tỷ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng. Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng quá sẽ bị tuýt còi.
Trong quý I/2022, những quy định về luật kinh doanh BĐS bắt đầu có hiệu lực, kỳ vọng sẽ làm lành mạnh và minh bạch hóa các hoạt động mua bán BĐS, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích lũy, quy hoạch, định vị lại môi giới ngành nghề… góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chính quy và chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Khu vực miền Bắc tiếp tục được hưởng lợi từ các dự án trọng điểm, với nhiều địa phương có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021 - 2025 như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
Trong năm 2022 sẽ chứng kiến việc đẩy mạnh đầu tư các cao tốc: Tuyên Quang - Hà Giang, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Vân Đồn - Móng Cái… và tại phía Nam là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Tổng Hợp