Bác sĩ về hưu tham gia chống dịch Covid-19: "Không ngại khổ chỉ sợ mọi người không biết cách phòng bệnh"

Các y sĩ, bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu cũng tích cực tham gia công tác tuyên truyền công tác chống dịch đến người dân.

Đến từng nhà tuyên truyền phương pháp chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên, 64 tuổi đã nghỉ hưu 10 năm nay, đến từng nhà ở phường Liên Mạc Phát phát tờ tuyên truyền phòng dịch Covid-19. Bà chia sẻ: "Từ khi có dịch, ngày nào tôi cũng đi phát tờ rơi như vậy".

Người dân ở đây đã quá quen thuộc với nụ cười của bà Khuyên vào mỗi sáng, nhờ có bà mọi người có thêm một cách tiếp cận về dịch bệnh. Khi đến mỗi nhà, bà đều hướng dẫn tỉ mỉ cách đeo khẩu trang, cách rửa tay đúng, khuyên mọi người hạn chế tụ tập, che miệng khi ho, hắt hơi...

Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên.

Bà cho biết vì bản thân có kiến thức, có sức khỏe, có thời gian nên chẳng có lý do gì để "đứng ngoài cuộc chiến này". 

Bà Khuyên từng là trạm trưởng y tế xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Trong công tác phòng chống dịch, bà đã cùng 280 y bác sĩ về hưu khác tham gia tuyên truyền, hướng dẫn mọi người. 

Vì từng là bác sĩ, nên hơn ai khác bà hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Bà nói: "Giúp được việc gì, tôi sẵn sàng giúp. Trước hết tôi tuyên truyền, về sau có thể sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân. Tôi cũng sẵn sàng đi xa nếu như có lệnh điều động".

Ngay cả khi có nơi cần cách ly, mọi người đến xem, bà cũng nhắc nhở đừng tụ tập đông người. Bà từng cùng tổ dân phố đến gia đình chuẩn bị có đám cưới vận động tạm thời không tổ chức, chỉ nên đăng ký kết hôn. 

"Tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ sợ mọi người không biết cách phòng bệnh rồi để lây nhiễm ra cộng đồng", bà chia sẻ.

Từng tham gia chống dịch SARS, giờ tiếp tục công việc quen thuộc

Ông Đặng Minh Vụ là bác sĩ đã về hưu được 5 năm, nguyên là cán bộ y tế phường Đông Ngạc. Bản thân ông là người cao huyết áp nên hiểu được rằng những người như vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn người bình thường. Ông cho biết bản thân kinh nghiệm tham gia chống dịch, hơn hết ông xác định mình là công dân nên phải có trách nhiệm tham gia công tác chống dịch với cả nước. 

Ông chia sẻ, vào thời điểm dịch SARS xuất hiện ở Việt Nam, phường Đông Ngạc không có ca nhiễm bệnh, chỉ có người tiếp xúc F1, F2, F3. Bác sĩ Vụ cũng đến từng nhà làm công tác đo thân nhiệt, đo huyết áp, tuyên truyền, vận động xem các gia đình ai có biểu hiện để xử lý kịp thời. 

Bác sĩ Đặng Minh Vụ.
Bác sĩ Đặng Minh Vụ.

Ông phân tích: "Cách phòng chống dịch SARS và Covid-19 về cơ bản giống nhau, song Covid-19 có tính chất mạnh hơn dịch SARS. Mình được học về y khoa nhiều hơn, lại có kinh nghiệm chống dịch SARS trước rồi thì giờ mình phải lao vào".

Không chỉ tuyên truyền ở nơi ở mà ông còn tuyên truyền ở quê nhà, nhắc mọi người không được tụ tập đông người, sử dụng khẩu trang dúng cách. Theo ông, với cán bộ y tế nghỉ hưu thì công tác tuyên truyền quan trọng và phù hợp. Các bác sĩ về hưu sẽ trực tiếp tham gia chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Ông cũng xác định sẽ có thể phải cách ly 14 ngày, 20 ngày, thậm chí hơn nữa... nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng được điều động tham gia.

"Không chỉ ban ngày mà làm ngoài giờ, ban đêm... tôi cũng sẵn sàng. Mong sao phường Đông Ngạc cũng như quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hay cả đất nước sớm khống chế được đại dịch", bác sĩ về hưu chia sẻ.

Bảo vệ chính mình là bảo vệ cho cộng đồng

Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại năm nay đã 68 tuổi, cũng đang tham gia vào công tác chống dịch Covid-19. Bà hiện đang là chủ nhiệm câu lạc bộ thể dục, thể thao dưỡng sinh. 

Bà tuyên truyền mọi người đeo khẩu trang trong các buổi tập, đứng cách xa nhau và không nói chuyện. "Lúc đầu đeo khẩu trang y tế khó chịu, tôi nghĩ cách để mọi người chuyển sang đeo khẩu trang vải thì thấy dễ chịu hơn hẳn", bà nói. Hơn một tuần này dịch bùng phát, câu lạc bộ nghỉ, thành viên tự tập tại nhà.

Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại.
Y sĩ Nguyễn Thị Bích Lại.

Bà bắt đầu thức dậy sớm, tập các bài tập đơn giản, duy trì ăn uống điều độ, tăng cường sức khỏe. 

Phó Chủ tịch UBND phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm đã gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ về hưu đã sẵn sàng tham gia chống dịch. Ông cho biết UBND sẽ cùng với Trung tâm y tế quận tiến hành mời các bác sĩ, y sĩ, y tá đã nghỉ hưu để tập huấn, phổ biến kỹ năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt chú ý đến việc tập huấn tuyên truyền phòng dịch.

Thanh Mai

Ignace Semmelweis, bác sĩ đầu tiên khuyên nên rửa tay và cuộc đời bi thảm

Ignace Semmelweis, bác sĩ đầu tiên khuyên nên rửa tay và cuộc đời bi thảm

Các bạn biết ai là người đầu tiên khuyên nên rửa tay thường xuyên không? Đó chính là người Google Doodle hôm nay 20/3 tôn vinh, bác sỹ Ignace Semmelweis.