Bài học từ chàng trai có thu nhập 9 chữ số năm 27 tuổi: Tiết kiệm cho bản thân là "sai lầm"

Những thói quen tài chính này là điều anh cố gắng duy trì sau những sai lầm của quá khứ.

 Đi qua một chặng đường kiếm tiền, bạn có nhận được những bài học từ những sai lầm của quá khứ? Đây có phải là những kiến thức mà bạn ước giá như bản thân biết sớm hơn thì hành trình làm giàu sẽ giảm gian nan và đi đúng lộ trình hơn.

Mới đây, chủ nhân kênh YouTube chuyên chia sẻ kiến thức về tài chính và đầu tư là Namanhsuit (tên thật Nam Anh) đã chia sẻ những thói quen giúp anh có được thu nhập 9 chữ số vào năm 27 tuổi. Đây là những kinh nghiệm đúc rút từ trải nghiệm thực tế của chàng trai.

Những thói quen tài chính, cũng là các bài học mà Nam Anh nhận ra bản thân cần duy trì trong hành trình làm giàu.

Nam Anh 
Nam Anh 

Xây dựng tư duy: Học, học nữa, học mãi

Nam Anh từng tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh, sau đó anh bắt đầu sự nghiệp với vị trí nhân viên truyền thông. Tưởng chừng công việc đang thuận lợi thì đến khoảng tháng 1/2021, dịch Covid-19 bùng phát tại đất nước anh đang sinh sống là Séc khiến Nam Anh nhanh chóng phải về Việt Nam.

Trong lúc chờ đợi ứng tuyển vào các doanh nghiệp thì Nam Anh lại kiếm thêm thu nhập bằng cách mở lớp học trực tuyến về bài thi GMAT. Khi dịch Covid-19 bắt đầu “hạ nhiệt", Nam Anh may mắn trúng tuyển vào một lĩnh vực mới, đó là Business Analyst cho một công ty công nghệ. Để rồi đó, anh phải tự mày mò thêm các kỹ năng mới như phân tích dữ liệu, thiết kế và design web… mà công việc Business Analyst yêu cầu.

Nhìn lại sự nghiệp của mình, Nam Anh thấy bản thân không đi thẳng mà có nhiều ngã rẽ “không ngờ tới". Anh từng nghĩ mình tốn nhiều thời gian để học hết cái này đến cái khác, sau này sẽ dễ rơi vào cảnh “một nghề thì sống, đúng nghề thì hỏng". 

Nhưng tình cờ là trong suốt 2-3 năm đầu lăn lộn với đủ con đường sự nghiệp và các môi trường khác nhau đã khiến Nam Anh luôn bắt buộc mình phải tự học để thích nghi, từ đó hình thành thói quen học mỗi ngày và kỹ năng tự học. Để giờ đây, anh có thu nhập từ 3 công việc đó là chuyên viên Business Analyst làm vào buổi sáng, giáo viên vào buổi tối và sáng tạo nội dung làm vào cuối tuần.

“Giờ với thói quen tự học và tư duy giải quyết vấn đề mà mình đã có được ở thời điểm hiện tại, mỗi khi gặp vấn đề thì mình sẽ luôn tự nhủ rằng thôi không sao. Và đây sẽ luôn có cách giải quyết. Mình thử bắt đầu với Google trước xem sao. Nếu Google không có đáp án thì hỏi anh em bạn bè, đồng nghiệp rồi sếp nữa”, Nam Anh nói.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

 Dùng “tiền đẻ ra tiền” thế nào?

Thời còn sinh viên, Nam Anh và một người bạn rủ nhau khởi nghiệp bán những đồng hồ “đắt khách” thời bấy giờ là Casio, Daniel Wellington. Lúc đó, do không có nhiều thức kinh doanh và truyền thông bài bản, nên họ chỉ tự chụp ảnh sản phẩm rồi đăng tải hình lên Instagram. Nhưng may mắn là công việc kinh doanh dần thuận lợi, mỗi tuần đều đặn có 7-8 đơn hàng. Viễn cảnh này thậm chí khiến họ mơ đến mở một boutique bán đồng hồ tại Việt Nam.

Thế nhưng sau 3-4 tháng, họ gặp vấn đề về khâu nhân sự. Bởi công việc kinh doanh ngày càng tốt, trong khi chỉ có 2 người quản lý, từ đó dẫn đến Nam Anh và bạn khó cân đối thời gian đi học và ôn thi. Lúc đó, họ nhận thấy nếu muốn công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, họ cần thêm 3 người gồm 1 chuyên viên chăm sóc khách hàng, 1 shipper và 1 người đảm nhiệm việc nhập hàng và quản lý kho.

Sau khi thử tìm kiếm, họ nhận thấy cần khoảng 7 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí nhân sự. Cộng với chi phí kinh doanh cố định hàng tháng, họ cần tổng cộng 11 triệu đồng/tháng mới có thể điều hành công việc.

“Chỉ bởi 11 triệu đồng như vậy thôi cũng chính là con số đã trở thành rào cản khiến bọn mình chùn chân vì sợ mất tiền và rủi ro. Trong đầu sẽ luôn có suy nghĩ là liệu 11 triệu đồng mỗi tháng có nhiều quá không? Hay thôi hai đứa bọn mình cứ tự làm kinh doanh như cũ Hoặc nỗi sợ nếu kinh doanh tháng nào làm không tốt, không đủ tiền trả lương cho các bạn thì sao? Rồi nhất lại là có suy nghĩ hay thôi cứ đợi kinh doanh thêm một thời gian nữa, ổn ổn rồi tuyển thêm cũng được”, Nam Anh nhớ lại.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sau đó, kỳ thi của Nam Anh và bạn đã đến. Vừa ôn thi mà còn lo bán hàng nên cả hai bị quá tải. Cuối cùng, họ lấy lý do “thôi còn trẻ thì cứ học đã" nên đã lẳng lặng tạm dừng dự án kinh doanh. Đây cũng là điều khiến Nam Anh nuối tiếc mãi về sau này.

“Điều buồn cười là thời đó bọn mình tiếc tiền để đầu tư, nhưng lại không hề tiếc tiền để tiêu sản cho những việc và đồ linh tinh như sắm sửa điện thoại hay mua quần áo mới, cho dù điều đấy là chưa cần thiết”, Nam Anh nói thêm.

Sau này, anh chàng nhận ra trong kinh doanh sẽ luôn có 2 điểm là “điểm bệ phóng” và “điểm quy mô". Và để một startup bắt đầu tại “điểm bệ phóng" sau đó lớn mạnh thành “điểm quy mô" thì chúng ta cần luôn sẵn sàng đầu tư tiền bạc đúng lúc, đúng chỗ và đúng mục đích.

Thực tế là khi dám đầu tư và tuyển thêm nhân sự, trong trường hợp kể cả kinh doanh không thành công thì chúng ta cũng đang dùng số tiền đó để mua lại thời gian cho bản thân, giải phóng thêm khoảng trống để nghỉ ngơi hay xây dựng các ý tưởng, định hướng mới cho doanh nghiệp.

Anh đưa ra lời khuyên, nếu bạn cũng đang chần chừ rằng liệu có nên nên dùng số tiền đầu tư vào bản thân hay doanh nghiệp nhỏ hay chưa, hãy tính mức thu nhập trên mỗi giờ làm việc của bạn. Nếu mỗi giờ làm việc của bạn có giá 400 - 600 ngàn đồng thì việc tuyển thêm nhân sự để dành thời gian phát triển cho bản thân và công việc kinh doanh sẽ rất xứng đáng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Xoá mù kiến thức tài chính

Hiện nay, nhiều người hy vọng đạt được cuộc sống thành công và giàu có bằng cách cố gắng học thật giỏi, sau đó ứng tuyển vào công việc lương cao. Tiếp đó, họ làm việc thật chăm chỉ để rồi được thăng chức, tăng thu nhập. Song song với đó, họ sống một cách tiết kiệm để nguồn tài chính dự trữ ngày càng dư dả để chờ đợi một ngày có thể mua đất, mua nhà.

Tuy nhiên, sau này họ nhận ra dù thực hành lối sống tiết kiệm nhưng thực tế là cố bao nhiêu thì thường tiêu hết bấy nhiêu. Điều này đến từ việc mức gia tăng của thu nhập chưa bắt kịp với mức gia tăng của chi phí sinh hoạt. Trong tiếng Anh, có một từ mô tả thực trạng này là “rat race” (Nghĩa đen là đường đua chuột, nghĩa bóng là một lối sống của xã hội hiện đại, khi con người liên tục đấu đá vì quyền lực và tiền).

Để thoát khỏi vòng lặp “rat race", Nam Anh nghĩ cần tìm hiểu kiến thức tài chính càng sớm càng tốt. Mà theo anh, hiện nay nhiều người trẻ chưa được học cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hay kinh doanh tay trái ra sao, làm thế nào để đầu tư và danh mục đầu tư ra sao để bảo vệ tài sản ở mức lạm phát… 

Và cách anh đang áp dụng là tìm hiểu sách, các video trên mạng xã hội và podcast về quản lý tài chính. Từ đó, anh sẽ học được những kiến thức về cách xây dựng tài sản và đa dạng nguồn thu nhập.

Nguyệt

Không hoang phí nhưng cuối tháng vẫn hết tiền, cô gái “quay xe” quản lý tài chính với 1 nguyên tắc

Không hoang phí nhưng cuối tháng vẫn hết tiền, cô gái “quay xe” quản lý tài chính với 1 nguyên tắc

Nhiều người chỉ ước rằng, khi còn trẻ họ ý thức được tầm quan trọng của quỹ tiết kiệm và học quản lý tài chính từ sớm.