Loại thịt này được làm dựa trên thực vật, cụ thể là đậu nành. Còn một loại thịt nhân tạo khác – làm từ mô động vật, chỉ 1-2 năm tới nữa thôi sẽ được bán rộng rãi ra thị trường.
Tất nhiên, những sản phẩm thí nghiệm đầu tiên đã từng xuất hiện và có giá “cắt cổ”. Nhưng các chuyên gia tin rằng, trong thời gian tới, khi nó được đưa ra bán rộng rãi thì giá sẽ hợp lý hơn rất nhiều. Dù giá cao, nhưng chắc chắn đó không phải là rào cản, nhất là với những người không muốn Trái Đất bị hủy hoại bởi khí thải nhà kính.
Thịt nhân tạo sớm có mặt trên quầy hàng
Liên hiệp xí nghiệp chế biến thực phẩm Ochakovo mới đây cho biết, các nhà khoa học Nga đã thành công trong việc tạo ra thịt nhân tạo trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tới năm 2023, số thịt này sẽ xuất hiện trên các sạp thịt ở Nga.
Thịt nhân tạo được làm từ mảnh mô cơ bắp nhỏ của giống bê "Aberdeen Angus" ở độ tuổi 2-3 ngày. Các tế bào được đặt trong môi trường tăng trưởng để hỗ trợ phát triển và phân chia. Môi trường nuôi cấy là loại gel đặc biệt bao gồm các axit amin, vitamin, muối, glucose, các yếu tố gắn kết và tăng trưởng.
Chỉ 1-2 năm nữa thôi, thịt bò nhân tạo sẽ được bán rộng rãi ra thị trường. |
Quá trình nghiên cứu tạo ra thịt nhân tạo được thực hiện trong 2 năm. Cho đến nay, giá thành thịt nhân tạo trên thế giới vẫn khá cao so với túi tiền của người mua lẻ và dao động trong khoảng xấp xỉ 90 USD/kg. Theo đánh giá của các chuyên gia Ochakovo, sau 5 năm nữa một kg thịt bò nhân tạo sẽ có giá bán lẻ vào khoảng 800 rúp (khoảng 290 nghìn đồng). Họ cũng khẳng định thịt nhân tạo an toàn đối với con người; hạn sử dụng cũng dài gấp đôi so với thịt truyền thống.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là một sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng phương pháp truyền thống (giết mổ để lấy thịt), mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong dĩa thí nghiệm.
Ở đây, không nên nhầm lẫn thịt trong ống nghiệm với thịt giả, vì thịt giả là một thực phẩm chay được sản xuất từ protein thực vật (thường là từ đậu nành hay gluten). Các thuật ngữ "thịt tổng hợp" và "thịt nhân tạo" cũng được dùng để ám chỉ cả hai loại thịt giả và thịt trong ống nghiệm.
Hiện nay, đã có một số dự án được triển khai nhằm phát triển công nghệ nuôi thịt ống nghiệm, mặc dù loại thịt này chưa được sản xuất đại trà nhằm phổ cập cho người tiêu dùng. Vào năm 2008, một số nhà khoa học tuyên bố rằng công nghệ sản xuất thịt trong ống nghiệm đã sẵn sàng cho việc sản xuất thương mại và hiện chỉ còn chờ các công ty bỏ vốn việc dự án sản xuất này.
Các loại thịt đầu tiên trồng thành công trong phòng thí nghiệm bao gồm thịt cá vàng và thịt cừu. Các nhà khoa học tại Đại học Maastricht đã lên kế hoạch sản xuất xúc xích vào tháng 3/2012 và bánh hamburger sử dụng thịt nhân tạo vào tháng 9/2012. Chi phí nuôi loại thịt nhân tạo hiện vẫn còn rất tốn kém, tuy nhiên theo các dự đoán chi phí có thể sẽ được giảm xuống còn bằng khoảng hai lần thịt thông thường.
Các sản phẩm thịt trong ống nghiệm thế hệ đầu tiên nhiều khả năng sẽ là thịt lát, và mục tiêu lâu dài là phát triển công nghệ nuôi thịt sao cho có thể tạo ra một bắp thịt hoàn chỉnh. Có khả năng, mô cơ của bất kỳ động vật nào, kể cả con người cũng có thể được nuôi cấy bằng công nghệ này.
Với việc giá sản phẩm thịt của kỹ thuật chăn nuôi thông thường không ngừng gia tăng và nhu cầu thịt càng lúc càng tăng (do dân số thế giới tăng nhanh - đó cũng là yếu tố làm tăng giá lương thực thế giới), công nghệ nuôi thịt trong ống nghiệm có thể là một trong một số công nghệ mới cần thiết để duy trì nguồn cung cấp thực phẩm vào năm 2050.
Thịt bò được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. |
Bạn có chấp nhận mua và ăn chúng?
Với mức tiêu thụ thịt toàn cầu sẽ tăng 70% trong ba thập kỷ tới và dân số thế giới dự kiến đạt 9,6 tỷ người vào năm 2050, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ là lựa chọn thay thế cho thịt gia súc cũng như bù đắp cho các chi phí môi trường.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính liên quan đến các hoạt động của con người, trong đó bò là vật nuôi tạo ra nhiều khí thải nhất. Chăn nuôi cũng chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp, do đòi hỏi cả việc chăn thả và trồng trọt để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, hoạt động nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nhưng khi các quy trình sản xuất hoàn thiện, quy mô sản xuất mở rộng và tận dụng hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, những lợi ích môi trường của thịt nhân tạo sẽ tăng lên đáng kể, theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 1/2019.
Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi về việc sản xuất thịt nhân tạo có thực sự làm giảm lượng khí thải nhà kính hay không. “Cho đến khi các phân tích vòng đời sản phẩm được tiến hành đối với hoạt động sản xuất cụ thể, chúng ta không thể định lượng được những tác động môi trường của việc sản xuất thịt nhân tạo”, Carolyn Mattick, thành viên của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ (AAAS), cho biết.
Quá trình tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm rất tốn kém. Các nhà khoa học vẫn phải nhân bản mô và tạo ra từng miếng từng miếng một. Để nuôi được thịt nhân tạo, phần lớn chi phí sẽ phải tiêu tốn cho nhân công. Và sau đó là chi phí huyết thanh và các vật liệu khác để phát triển thịt nhân tạo cũng không nhỏ. Đáng nói, huyết thanh là sự trớ trêu của thịt nhân tạo ngày nay vì huyết thanh phải được lấy từ những con bò bị giết mổ. Vì vậy, thịt nhân tạo suy cho cùng vẫn là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp chăn nuôi?
Dĩ nhiên, các nhà khoa học phải đối diện với nhiều thách thức để tạo ra và cung cấp rộng rãi thịt nhân tạo. Nhưng không phủ nhận, loại thịt này có thể làm giảm số ca mắc bệnh do vi khuẩn Salmonella, E.coli và bệnh bò điên. Bởi vì khi thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ giảm xuống đáng kể. Ngoài ra, thịt phát triển từ tế bào không cần sử dụng kháng sinh cũng như hormone tăng trưởng – những thứ mà các nhà chăn nuôi công nghiệp hiện nay đang bị phụ thuộc.
Thêm vào đó, các công ty có thể điều chỉnh một số yếu tố nhất định trong thịt để giúp nó tốt hơn đối với sức khỏe, chẳng hạn như hàm lượng muối tổng thể hoặc tỷ lệ chất béo bão hòa và không bão hòa. Họ cũng có thể thêm các loại vitamin, thay thế chất béo bão hòa bằng omega 3.
Vậy đó, những lợi ích từ loại thịt nhân tạo nhiều hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chấp nhận chi ra nhiều tiền hơn để mua về sản phẩm thịt nhân tạo hay không là câu hỏi mà tương lai mới có đáp án. Nhưng tin rằng, một khi giá thịt hợp lý, vừa túi tiền người tiêu dùng thì không vì môi trường bạn cũng sẽ vì chính sức khỏe của bản thân và gia đình.
Giá thịt heo bán lẻ tăng tại một số hệ thống cửa hàng tiện lợi
Sau ít ngày tăng tại các chợ đầu mối, giá thịt heo sỉ bắt đầu tăng tại một số hệ thống cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM.