Theo nguồn tin từ báo Chính Phủ, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.
Trước việc thực hiện cách ly toàn xã hội, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện báo cáo tình hình cung cầu, hệ thống phân phối, phương án tích trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang...
Các Sở Công Thương căn cứ điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly. Đồng thời tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Các đơn vị hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm như: chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Sau khi Chính phủ ban hành lệnh cách ly toàn xã hội, người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ. Ảnh: Thuận Tiện |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…). Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Trước đó, chiều 31/3, Sở Công thương TP.HCM đề nghị Sở Thông tin Truyền thông, UBND 24 quận huyện thông tin, tuyên truyền cho người dân các nội dung như sau:
Các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1/4/2020 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng người dân trên địa bàn TP.HCM.
Các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Đồng thời khuyến cáo người dân trên địa bàn không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế (đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa 2 người) và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.