Báo động những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội Tiktok

TikTok - nền tảng video ngắn thu hút hơn một tỷ người dùng, không chỉ là nơi sáng tạo nội dung mà còn là nơi phát tán những trào lưu độc hại.

Nhiều xu hướng mới ngày càng nở rộ trên nền tảng TikTok, chỉ cần mở ứng dụng này là thấy ngay những clip thịnh hành. Vượt ra khỏi khuôn khổ những động tác vũ đạo đơn giản và những trào lưu độc hại trên mạng xã hội này ngày càng gia tăng.

Dán băng dính hoặc gạc y tế lên miệng trước khi đi ngủ

Dán băng dính hoặc gạc y tế lên miệng trước khi đi ngủ là trào lưu được Cory Rodriguez dấy lên trên mạng xã hội tiktok thời gian gần đây, thu hút tới 24,2 triệu lượt xem.

Trong một bài đăng phổ biến, Rodriguez giải thích rằng việc dán băng dính kín miệng “sẽ có lợi cho sức khỏe đường hô hấp của bạn, giúp bạn ngủ ngon, đỡ khô miệng và ngáy”.

Một bộ phận khán giả đã làm theo mánh cải thiện sức khỏe này. Họ tiếp tục bình luận cũng như tạo mới bài đăng liên quan, khiến trào lưu ngày càng lan rộng hơn.

Trào lưu dán băng dính lên miệng khi ngủ được nhiều tiktoker khuyến khích và lan truyền. Ảnh: zingnews.vn
Trào lưu dán băng dính lên miệng khi ngủ được nhiều tiktoker khuyến khích và lan truyền. Ảnh: zingnews.vn

Tuy nhiên, theo thông tin trên New York Post, các chuyên gia y tế khẳng định nó nằm trong số những trào lưu “nguy hiểm nhất” trên mạng xã hội hiện nay.

Chia sẻ với với Fox News, tiến sĩ David Culpepper, bác sĩ đa khoa ở Lexington (bang Kentucky, Mỹ) cho biết: “Đây là một trong số những xu hướng nguy hiểm nhất mà tôi từng biết đến thời gian qua. Và tôi khá lo ngại rằng nó được ủng hộ như một trào lưu ‘vì sức khỏe’. Nói một cách đơn giản, cố tình làm tắc nghẽn đường hô hấp trong khi ngủ là một ý tưởng khủng khiếp”.

Dán miệng bằng băng dính sẽ khiến sức khỏe của bạn trở nên tồi tệ hơn và có thể góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ, đặc biệt nếu bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ”, chuyên gia giấc ngủ James Wilson nói với Newsweek.

Chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được rằng việc hít thở bằng mũi là phương pháp chữa trị đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan đến giấc ngủ mà được khuyến khích về mặt y tế.

Nguy hiểm từ trào lưu buộc túi đá lạnh vào quạt để làm mát trên TikTok

Hè 2022, khi nhiều đợt nắng nóng khủng khiếp càn quét tại các quốc gia, trên mạng xã hội TikTok đã lan truyền một số cách hạ nhiệt đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà đó là buộc những túi đá lạnh, chai nước đông lạnh vào quạt để hạ nhiệt.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng trào lưu gắn túi đá lạnh trước quạt gió để tạo không khí mát có thể gây nguy hiểm chết người. Ảnh: vtc.vn
Các chuyên gia khuyến cáo rằng trào lưu gắn túi đá lạnh trước quạt gió để tạo không khí mát có thể gây nguy hiểm chết người. Ảnh: vtc.vn

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng trào lưu gắn túi đá lạnh trước quạt gió để tạo không khí mát có thể gây nguy hiểm chết người.

Theo Electrical Safety First, tổ chức từ thiện an toàn người tiêu dùng của Vương quốc Anh, nỗ lực tạo ra máy làm lạnh không khí tạm thời có thể dẫn đến điện giật.

Việc buộc túi đá lạnh vào quạt đem lại rủi ro lớn bởi nó có thể gây mất ổn định và làm đổ quạt, khiến các cánh quạt va vào bộ phận bảo vệ và làm căng động cơ, cũng như có khả năng làm hỏng hoàn toàn vật dụng của bạn”, Giuseppe Capanna, kỹ sư an toàn sản phẩm của ESF, chia sẻ với The Sun.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nước chảy ra từ túi đá có thể tiếp xúc với động cơ, gây ra nguy cơ bị điện giật cho bất kỳ ai chạm vào quạt”, ông nhấn mạnh.

Để tránh tình trạng bị điện giật, các chuyên gia khuyến cáo thay vì treo vào quạt, hãy đặt xô đá lạnh trước quạt ở khoảng cách xa để đạt được hiệu quả làm mát tối đa mà vẫn đảm bảo an toàn.

Hàng loạt trào lưu "tấn công" sân bay, đe dọa an toàn hàng không

Đầu năm 2022, cư dân mạng cũng dậy sóng với trend kéo tấm chắn che cửa sổ khi máy bay đang cất cánh để ghi lại khung cảnh bên ngoài trong suốt hành trình bay do Tiktoker Lê Bống khởi xướng. Đoạn video do cô nàng đăng tải đã nhanh chóng "viral" trên mạng xã hội, thu hút vô số lượt tương tác và bắt chước từ những người dùng khác, khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo.

Trào lưu nguy hiểm kéo tấm chắn che cửa sổ khi máy bay đang cất cánh để ghi lại khung cảnh bên ngoài trong suốt hành trình bay. 
Trào lưu nguy hiểm kéo tấm chắn che cửa sổ khi máy bay đang cất cánh để ghi lại khung cảnh bên ngoài trong suốt hành trình bay. 

Ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết hành động này rất nguy hiểm, đe doạ an toàn của chuyến bay do điện thoại có thể cháy nổ. "Điện thoại thông minh (smartphone) không thuộc danh mục đồ vật cấm hoặc nguy hiểm theo phụ lục của Thông tư về an ninh hàng không. Trong chuyến bay, hành khách chỉ phải tắt hoặc chuyển sang chế độ máy bay. Tuy nhiên, việc quay phim trên chuyến bay, đặc biệt là quay liên tục nhiều tiếng, điện thoại nóng, kết hợp với tác động của ánh sáng mặt trời trong thời gian dài sẽ có nguy cơ cháy nổ".

Không lâu sau, trên TikTok lại xuất hiện video một cô gái nhảy múa trên đường băng sân bay khi máy bay đang di chuyển, gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và hàng trăm hành khách trên máy bay.

Một tiktoker nhảy múa ở sân đỗ trong khi máy bay đang di chuyển.
Một tiktoker nhảy múa ở sân đỗ trong khi máy bay đang di chuyển.

Ngày 23/7, một nữ TikToker khác gây chú ý khi ngồi trên băng chuyền tại đảo hành lý sân bay. Hành động không chỉ phản cảm, mà có thể gây hỏng hóc thiết bị, cản trở hoạt động của sân bay, thậm chí gây nguy hiểm cho bản thân.

Trước hàng loạt hành động “tấn công” sân bay của các tiktoker, Cục Hàng không đã chỉ đạo các bộ phận liên quan nghiên cứu tác động để đưa ra các quy định, chế tài cần thiết. Hiện các hãng hàng không được đề nghị nhắc nhở hành khách không thực hiện các hành động kiểu này vì sự an toàn tuyệt đối của chuyến bay.

Những trào lưu làm đẹp nguy hiểm

Nhiều trào lưu làm đẹp lan truyền trên TikTok như chà mặt bằng đá lạnh, chế mặt nạ, kem chống nắng hay tự lăn kim đều ẩn chứa những nguy hiểm khó lường.

Trên TikTok, nhiều người chia sẻ loạt công dụng khi rửa mặt với nước đá như thu nhỏ lỗ chân lông, giảm mụn trứng cá, giảm dầu và tan bọng mắt, hạn chế các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, vết chân chim.

Đây là xu hướng làm đẹp có vẻ an toàn và khả thi. Nhiều phụ nữ, bao gồm cả những người đẹp nổi tiếng như Bella Hadid, cũng rửa mặt bằng nước đá để thu nhỏ lỗ chân lông.

Tuy nhiên, theo bác sĩ da liễu Eileen Tan (Trung tâm chăm sóc da Eileen Tan, Mỹ) mọi người không nên quá tin tưởng vào những hiệu quả được đồn thổi. Chườm đá không thể khiến mụn trứng cá biến mất, và chắc chắn không giúp giảm nếp nhăn trên da mặt. Với những người có làn da quá nhạy cảm, chườm đá lên mặt có thể gây kích ứng, mẩn đỏ.

Vị bác sĩ này cho biết: "Tác dụng của các loại sản phẩm chăm sóc da DIY (thủ công) rất khó đánh giá, và hiệu quả của chúng có lẽ không nhất quán. Ví dụ, dầu dừa có công dụng dưỡng ẩm nhưng không phù hợp với tất cả loại da. Với da dầu, nó có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến mụn trứng cá”.

Bác sĩ Tan cũng chia sẻ, việc sử dụng trực tiếp lên da một số thực phẩm như rượu táo hay nước trái cây có tính axit như họ cam, quýt có thể gây kích ứng, hoặc tệ hơn là bỏng da.

Sử dụng thuốc trị phát ban để làm đẹp có thể làm khô và làm hỏng hàng rào bảo vệ da
Sử dụng thuốc trị phát ban để làm đẹp có thể làm khô và làm hỏng hàng rào bảo vệ da

Gần đây, một số tài khoản yêu thích làm đẹp đã khuyến khích người dùng đổ trực tiếp thuốc calamine (một loại thuốc trị phát ban) lên mặt và thoa như một dạng kem lót nhằm kiềm dầu, chữa sẹo mụn và giữ cho lớp makeup lâu trôi. Hashtag #calamineprimer (tạm dịch: Kem lót Calamine) nhanh chóng thu hút khoảng 3,5 triệu lượt xem trên nền tảng Tiktok.

Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu và chuyên gia trang điểm cảnh báo rằng những người chạy theo xu hướng này có thể có nguy cơ làm tổn thương tình trạng da lâu dài.

Sử dụng kem dưỡng da chứa thành phần calamine có nguy cơ làm khô da và hỏng hàng rào bảo vệ da”, Azadeh Shirazi, bác sĩ da liễu hành ở San Diego (bang California, Mỹ), nói với The Washington Post.

Tương tự như những vấn đề liên quan đến chăm sóc da khác, các rủi ro tiềm ẩn phụ thuộc vào loại da của bạn. Do đó, tốt nhất hãy nói chuyện với bác sĩ da liễu của mình trước”, cô cho biết.

Nhiều người dùng cũng nhận thấy, trên mạng xã hội này số lượng những video mang giá trị thông tin đang bị "lép vế" hơn so với những video "rác". Nguyên nhân là do các TikToker thường bất chấp mọi thứ, miễn sao có nội dung độc lạ và quan trọng là nhiều "view" (lượt xem). Về phía gười xem, nhiều người dễ dãi, có xu hướng bắt chước cao khiến các nội dung xấu, trend độc hại được phát tán, lan rộng hơn.

Do đó, để là người sử dụng TikTok thông minh, người dùng chỉ nên xem đây là nơi giải trí, những thông tin trên đó không hoàn toàn an toàn, chính xác mà cần tham khảo nhiều nguồn thông tin, cần kiểm tra lại trước khi học tập, "đu trend" theo. Người dùng cũng nên thay đổi thói quen sử dụng để tránh lạm dụng và "sa ngã" vào những nội dung không tốt.

Minh Khang (T/h)

Mẹo ăn kiêng độc hại từ TikTok và Instagram

Mẹo ăn kiêng độc hại từ TikTok và Instagram

Tin vào những nội dung ăn kiêng trên mạng có thể khiến người xem tăng nguy cơ mắc bệnh về thận, suy dinh dưỡng và rối loạn ăn uống.