Bất động sản được nhận định vẫn sẽ là kênh đầu tư thu hút dòng tiền thời điểm cuối năm, nhất là những dự án thuộc khu vực trung tâm Tp.HCM và sở hữu nhiều lợi thế về vị trí kết nối.
Thị trường bất động sản Tp.HCM trong 3 năm gần đây đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. Bên cạnh yếu tố thủ tục pháp lý đình trệ thì sự cạn kiệt quỹ đất sạch là nguyên nhân hàng đầu khiến số lượng dự án nhà ở sụt giảm và giá bất động sản liên tục leo thang. Theo giới chuyên môn, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn có giao dịch, nhiều người mua bán, giá chứng khoán lên xuống mạnh, phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro, có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào. Điều này vô hình chung khiến cho kênh chứng khoán kém hấp dẫn hơn.
Theo báo cáo thị trường quý III/2021, Bộ Xây dựng cho biết, đợt dịch Covid 19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.
Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt. Từ đầu tháng 10/2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vắc-xin cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid -19, tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn. Các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Bên cạnh đó, chứng khoán nặng về kỹ thuật nên không phải nhà đầu tư nào cũng hứng thú tham gia. Với kênh đầu tư vàng, sự chênh lệch của giá vàng trong nước so với giá thế giới khiến việc mua vàng thời điểm này sẽ khó sinh lời, thậm chí còn mang lại nhiều rủi ro. Vậy nên đây không phải là thời điểm thích hợp để chọn vàng là kênh đầu tư số lượng lớn. Việc hai kênh đầu tư được xem là an toàn nhất mùa dịch là vàng và chứng khoán đang chững lại vì biến động của thị trường thì phần lớn nhà đầu tư đang bắt đầu chuyển sang bất động sản. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản chiếm đến 75% tổng nhu cầu đầu tư.
Các tháng gần đây, giãn cách xã hội khiến dòng tiền vào bất động sản có phần chững lại và tập trung hơn vào chứng khoán, nhưng sau giãn cách bất động sản sẽ hút mạnh dòng tiền trở lại. Bất động sản luôn là kênh đầu tư được đánh giá an toàn, có thể tạo lợi nhuận trong dài hạn, bởi tâm lý nhà đầu tư hiện tại vẫn tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường này sau giãn cách.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang có nhiều “nút thắt” về pháp luật, điều này đang làm cản trở quá trình phục hồi của thị trường. Trong bối cảnh có nguy cơ lạm phát, nhiều nhà đầu tư cân đối và đặt lại mục tiêu cho danh mục đầu tư của mình. Kể từ đầu tháng 11 đến nay, sự gia tăng liên tục của 3 kênh đầu tư gồm vàng, chứng khoán, bất động sản đã phản ánh phần nào sức nóng của rủi ro lạm phát tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, dù chịu tác động của Covid-19 song thị trường BĐS vẫn cho thấy nhiều chỉ số khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2021, có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại. Vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực bất động sản đạt 1,74 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau nhóm chế biến, chế tạo… Phát hành trái phiếu bất động sản cũng rất sôi động với 148.000 tỉ đồng, chiếm 37% toàn bộ doanh nghiệp, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng. Giá cổ phiếu bất động sản niêm yết cũng liên tục tăng.
Ngoài ra, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, mà có xu hướng rót về bất động sản.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)