Bệnh bạch hầu nguy hiểm đến mức nào?

Khi mắc bệnh bạch cầu, người bệnh thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày.

Mới đây, ổ dịch thứ hai liên quan đến bệnh bạch hầu được phát hiện ở tỉnh Đắk Nông. Đáng chú ý, theo thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, một trong hai ca bệnh trong tỉnh vừa tử vong do biến chứng của bệnh bạch hầu. 

Trước đó, đầu tháng 6, tại xã Đắk Sôr, H.Krông Nô (Đắk Nông) có 4 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu và đã được điều trị khỏi bệnh.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm đến mức nào?

Vậy bệnh bạch hầu là gì? Có nguy hiểm không?

Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, là bệnh cấp tích có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu xuất hiện ở những đối tượng như: người không được tiêm vacxin bạch hầu, sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh, đi du lịch đến khu vực đang có dịch bệnh bệnh bạch hầu.

Nguyên nhân gây ra bệnh là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, dễ lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, có thể lây gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. 

Trong trường hợp người bệnh không có biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi bạn đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi, đường thở...

Biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu?

Bệnh đa phần khởi đầu là cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, đôi khi là có cả nhiễm trùng da. 

Khi bị nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ bị đỏ họng, nuốt đau, da xanh, cảm giác mệt mỏi, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi khám sẽ phát hiện giả mạc có màu trắng ngà hoặc xám dính quanh vùng tổ chức viêm. Ca bệnh xác định chẩn đoán nhờ phương pháp Phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng lấy từ mô bệnh.

Nếu bị nặng sẽ có biểu hiện nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc, toàn thân nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bênh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.

Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Phòng bệnh bạch hầu

Phòng bệnh không đặc hiệu: Cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

Phòng bệnh đặc hiệu: Tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng.

Bệnh bạch hầu có chữa được không?

Hiện nay đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Thanh Mai

Hoàn cảnh gia đình éo le của bệnh nhân 91

Hoàn cảnh gia đình éo le của bệnh nhân 91

Nhận được lời chúc "mau khỏe để có thể trở về quê hương", bệnh nhân 91 đã phản xạ rất nhanh, đáp lại quê hương của anh ở Scotland.