Các quan chức y tế toàn cầu đã cảnh báo về số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng ở châu Âu và các nơi khác, trong khi căn bệnh này trước đó chỉ phổ biến hơn ở Tây và Trung Phi.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ...
Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi họp khẩn để thảo luận về sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây, sau khi xuất hiện hơn 100 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm ở châu Âu, hãng tin Reuters cho hay.
"Có vẻ như rủi ro vẫn thấp ở thời điểm này", một quan chức cấp cao của Mỹ nhận định về bệnh đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm virus hiếm gặp. Virus đậu mùa có hai chủng chính là chủng Congo và chủng Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỉ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.
Virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958. Tên bệnh được đặt xuất phát từ thực tế là hai đợt bùng phát một căn bệnh như bệnh đậu mùa xảy ra trên những con khỉ trong phòng thí nghiệm được giữ để nghiên cứu.
Bệnh có biểu hiện tương tự như bệnh đậu mùa, và thường có triệu chứng nhẹ như sốt, đau cơ, sưng mặt và toàn thân. Các nốt mụn nước xuất hiện trên da trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu sốt, đi kèm các triệu chứng như đau nhức cơ, nhức đầu và cảm lạnh. Các triệu chứng bệnh xuất hiện từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi phế quản, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc.
Đậu mùa khỉ được chẩn đoán thông qua xét nghiệm PCR, dựa trên mẫu xét nghiệm lấy từ vết thương của bệnh nhân.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 23/5, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine của bệnh đậu mùa thông thường có thể hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ. Câu hỏi được đặt ra lúc này là đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch hay không? Tổ chức Y tế thế giới dự đoán sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định do việc giám sát mở rộng ở các nước không có dịch bệnh.
Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Chính phủ Anh, Mỹ đã đặt hàng dự trữ bổ sung hàng nghìn lô vắc xin đậu mùa.
Bộ Y tế: Đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong, dự báo dịch có thể gia tăng
Cả nước đã có 5.545 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây...