Việc cơ thể các VĐV nữ bị đem ra bàn tán và phán xét đang khiến chính họ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh: để đẹp hay là thành công?
Miệt thị ngoại hình đã trở thành "văn hóa”?
Năm 1937, tạp chí Look đã đăng tải một ấn phẩm có kèm ảnh của nữ vận động viên Olympic Helen Stephens với chú thích : "Bạn nghĩ đây là đàn ông hay phụ nữ?”, và thậm chí còn đặt câu hỏi: “Khi nào một người phụ nữ sẽ thực sự là phụ nữ?”.
Bức ảnh của nữ VĐV Helen Stephens với các câu hỏi về giới tính. Ảnh: Internet Archive |
Tổ chức theo dõi Nhân quyền cũng cho biết, vào những năm 1940, các nhà chức trách đã có những bài kiểm tra giới tính đặc biệt đối với các nữ VĐV có ngoại hình vạm vỡ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh những năm 1960, hai chị em vận động viên Liên Xô Irina và Tamara Press đã lập ít nhất 22 kỷ lục thế giới trong bộ môn điền kinh. Tuy nhiên, họ liên tục bị truyền thông soi mói và so sánh với các VĐV nam.
Hai chị em Irina và Tamara Press. Ảnh: Getty Images |
Với mục đích xây dựng các cuộc cạnh tranh công bằng, Liên đoàn Điền kinh Quốc tế và Ủy ban Olympic quốc tế đã yêu cầu xét nghiệm nhiễm sắc thể của tất cả các VĐV nữ vì lo ngại các đội tuyển Đông Âu đưa các VĐV nam vào đội nữ. Sự việc này đã gây ra rất nhiều tranh cãi và bị bãi bỏ vào cuối những năm 90, song các nhà chức tranh vẫn bảo lưu quyền kiểm tra do nghi ngờ các nữ VĐV sử dụng doping (loại thuốc tăng cường hiệu suất thể thao bị cấm).
Những năm 2010, các nhà chức trách thể thao tiếp tục có các bài kiểm tra về mức độ testosterone. Vận động viên chạy nước rút người Nam Phi Caster Semenya - người phải hứng chịu một cơn bão truyền thông vì thân hình cơ bắp đã bị yêu cầu kiểm tra vì cô chạy quá nhanh. Đã từng giành chiến thắng ở cự ly 800m tại giải vô địch điền kinh thế giới Berlin (Đức) năm 2009, song Caster lại bị cấm thi đấu trong các cuộc đua 400m đến 1km vì không giảm testosterone. Liên đoàn Điền kinh quốc tế cho rằng cô là “nam giới về mặt sinh học”, và cô đã buộc phải đưa sự việc của mình lên Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế vào năm 2019. Tuy nhiên, cô đã thua kiện và không có cơ hội tranh tài ở Thế vận hội Tokyo 2020.
VĐV nữ Caster Semenya bị cấm thi đấu vì nghi ngờ giới tính. Ảnh: Saeed Khan/ AFP/ Getty Images |
Trên thực tế, nồng độ testosterone của nam giới có thể biến đổi rất nhiều, nhưng chỉ các vận động viên nữ mới phải chịu các bài kiểm tra như vậy. Lindsay Parks Pierperm, phó giáo sư về thể thao tại Đại học Lynchburg (Mỹ) cho biết các môn thể thao ở Mỹ theo truyền thống là nơi để nam giới trau dồi và chứng tỏ bản thân, và dù các vận động viên nam có thành tích cao hay thể hiện như thế nào, họ cũng chưa bao giờ bị nghi ngờ điều gì. Lindsay chia sẻ: “Mọi người luôn đặt câu hỏi tại sao khi trông thấy một người phụ nữ giỏi thể thao”.
Trong SEA Games 31, VĐV bóng chuyền Nguyễn Thị Bích Tuyền cũng bị các CĐV Thái Lan đặt nghi vấn giới tính. Ở trận đấu giữa ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam và Thái Lan, Nguyễn Thị Bích Tuyền ghi tới 11 điểm chỉ trong 1 hiệp đấu, khiến cho đội tuyển Thái Lan gặp vô vàn khó khăn. Các CĐV nước bạn nghi ngờ Bích Tuyền cũng giống với trường hợp của VĐV Manganang của Indonesia, người sau khi giải nghệ đã bị phát hiện ra giới tính nam của mình. Mặc dù Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã đưa đầy đủ giấy tờ khẳng định giới tính của Bích Tuyền, tuy nhiên điều này cũng đã ảnh hưởng tới cô gái. Sau đó, phóng viên của Liên đoàn bóng chuyền châu Á cũng đã phải xin lỗi vì đã dùng từ "man like" trong bài viết để mô tả Bích Tuyền.
Bích Tuyền trong màu áo đội Việt Nam |
Nỗi sợ trở nên quá cơ bắp
Một nghiên cứu của kênh truyền hình thể thao Mỹ ESPN cho biết 68% VĐV nữ cảm thấy mệt mỏi do áp lực phải xinh đẹp, 30% bày tỏ nỗi sợ “quá cơ bắp”.
Tạp chí Sức khỏe Đại học Mỹ cũng tiết lộ 54,4% nữ VĐV trong các trường đại học không hài lòng với cân nặng của họ, trong đó 90% cho rằng họ đang thừa cân và muốn giảm trung bình hơn 6kg.
Vận động viên bóng chuyền người Mỹ Elena Shklyar từng chia sẻ về quá khứ bị bắt nạt bởi thân hình vạm vỡ hơn các bạn đồng trang lứa. Elena đã từng chạy về nhà và khóc với mẹ vì lo ngại rằng mình đang trở nên xấu xí: “Nguyên nhân là bởi vì tôi cao lớn hơn các bạn khác. Năm 10 tuổi, các cậu trai đều nhỏ bé hơn tôi.” Cô cho biết, sau này khi đã lớn hơn một chút, cô lại gặp áp lực khi các huấn luyện viên luôn nhắc nhở về các vết rạn da trên đùi. Tôi đã liên tục sống trong sợ hãi về việc “Trông tôi như thế nào?”.
Elena Shkylar thực hiện bài squat với tạ. Ảnh: Lauren Snyder |
Lea Mitchell, VĐV thể dục dụng cụ cũng luôn có những áp lực về ngoại hình bản thân. Cô chia sẻ: “Chúng tôi liên tục bị đánh giá, chính xác theo cả nghĩa đen. Rõ ràng là không thể, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng để đạt đến điểm 10 cho sự hoàn hảo”.
Năm ngoái, theo nghiên cứu của Hiệp hội Thể thao Đại học quốc gia, khoảng 41% vận động viên nữ cảm thấy kiệt sức vào mùa thu năm 2020 - một con số gần gấp đôi so với 22,5% vận động viên nam.
Không chỉ truyền thống, khán giả và người xem thể thao mà chính những huấn luyện viên cũng đã có hành vi ngược đãi cơ thể của các vận động viên. Năm 2020, môi trường huấn luyện của Đại học Wesleyan (Mỹ) đã bị hơn ba mươi nữ vận động viên lên tiếng phản ánh là quá khắc nghiệt. Cụ thể, để đối phó với tệ nạn miệt thị ngoại hình, giữa các vận động viên và huấn luyện viên John Crooke đã có những cuộc trò chuyên với chủ đề về việc giữ dáng. Trong đó, John đã gây áp lực và yêu cầu các học trò của mình giảm cân dẫn đến chu kỳ ăn uống rối loạn, suy dinh dưỡng, mệt mỏi và hậu quả là họ đã bị chấn thương trong suốt 8 năm.
Hiệp hội về sức khỏe của các vận động viên The female and male triad coalition cũng đã nhắc đến sự việc trên, đồng thời cho biết trên thực tế vấn nạn này rất phổ biến, đặc biệt đối với các môn điền kinh. Các hành vi này thường là: phán xét về cân nặng của các vận động viên trước mặt đồng đội, khuyến khích tập thể dục và yêu cầu giảm cân để gầy hơn,.. Hiệp hội đã lên án và nhấn mạnh sức khỏe của tất cả các vận động viên phải là ưu tiên hàng đầu.
Hậu quả nặng nề
Áp lực về kích thước và hình dáng cơ thể thường được báo cáo nhiều hơn ở các vận động viên nữ. Theo báo cáo, họ đặc biệt dễ bị rối loạn ăn uống: 60% có biểu hiện ăn uống rối loạn cận lâm sàng, 50% xếp hạng ưu tú bị mức rối loạn lâm sàng, và hơn ¼ VĐV nữ đại học có các triệu chứng.
Rối loạn ăn uống cùng với các vấn đề tâm lý do áp lực thành tích có thể dẫn đến thiếu hụt năng lượng và các biến chứng sinh lý trầm trọng hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, mãn tính có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt nghiêm trọng, xương yếu. Trên thực tế, báo cáo cho biết các vận động viên bị suy nhược có BMD (mật độ xương) thấp và khả năng xảy ra nguy cơ gãy xương cao hơn so với những người khác.
Bác sĩ David Hoffman, người có hơn 35 năm kinh nghiệm và đã xuất bản hơn 65 ấn phẩm về vấn đề sinh sản cho biết các vận động viên nữ có nhiều khả năng bị rối loạn rụng trứng và kinh nguyệt, gây cản trở quá trình thụ thai. Ông nhấn mạnh nguyên nhân: “Vì họ bỏ đói bản thân, đặc biệt là các nữ vận động viên điền kinh”. Bản thân David cũng đã từng trực tiếp chữa trị cho nữ vận động viên bơi lội Olympic Dara Torres - người nhiều lần phá vỡ kỷ lục bơi lội thế giới.
Ngoài ra, nhiều người khác như VĐV chạy đường dài Sarah Joyce, VĐV quần vợt Gigi Fernandez,... cũng từng thừa nhận và chia sẻ những khó khăn trong việc mang thai.
Thủ tướng gửi thư khen đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 31
Ngay sau khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 31, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư chúc mừng đội tuyển.