Vào tối 9/3, một tài khoản có tên H.T. đã đăng lên một hội nhóm địa phương có nhiều người tham gia một bài viết với lời kêu gọi "xin giúp đỡ cho con em trong lúc này". Theo đó, T. tự xưng là người quê ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), có con trai mắc bệnh viêm não mô cầu, nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hai tháng nay. Tuy nhiên do bệnh tình trở nặng, bé không qua khỏi.
Tài khoản tên T. cho biết gia đình hiện giờ khó khăn, không xoay sở tiền được, nên mong cộng đồng giúp đỡ chi phí để đưa con về nhà lo hậu sự. Sau đó, người này đính kèm số điện thoại, số tài khoản ngân hàng mang tên "Hoàng Quốc Trung", cùng hình ảnh một cháu bé ngậm ống thở trên giường bệnh.
Đáng chú ý, người dùng tài khoản trên còn đăng cả giấy tờ được cho là của Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp, chứng nhận bé H.Q.T. bị ung thư, viêm não, "sau vài lần cấp cứu không hiệu quả, nhiệt độ, huyết áp bằng không, chẩn đoán bệnh nhi tử vong". Bài viết sau khi đăng tải đã nhận được một số lượt chia sẻ của các thành viên trong nhóm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Khanh cho biết, sau khi phát hiện bài viết trên, bệnh viện đã tiến hành rà soát và xác định không có bệnh nhi nào tên H.Q.T. điều trị tại đây. Do đó, giấy chứng nhận điều trị mà người dùng trên đăng tải cũng là giấy giả mạo. Thậm chí, đối tượng còn giả chữ ký và tên của bác sĩ một bác sĩ ở bệnh viện khác vào giấy để lừa gạt người dân.
"Trước giờ chúng tôi bị lợi dụng tung tin giả kêu gọi tiền từ thiện rất nhiều. Nhưng đây là lần đầu tiên kẻ xấu làm giả cả giấy chứng nhận điều trị có đóng mộc của bệnh viện" - bác sĩ Khanh nói.
Trước đó vào ngày 7/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng phát lên cảnh báo tình trạng lừa đảo "chuyển tiền cho con đang cấp cứu" qua điện thoại. Đã có 2 phụ huynh liên hệ tìm con vì kẻ mạo danh cho biết trẻ bị thương nặng.
Thậm chí một trẻ còn có người thân là bác sĩ làm trong chính bệnh viện. May mắn là các phụ huynh kịp thời xác minh thông tin lừa đảo nên đã không chuyển tiền.
Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, không có chuyện nơi đây yêu cầu bệnh nhân hoặc gia đình phải đóng tiền trước rồi mới cấp cứu. Bệnh viện luôn đặt tính mạng người bệnh lên trên hết. Trong trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện sẽ xem xét miễn hoặc giảm viện phí từ nguồn trợ giúp xã hội hoặc các quỹ từ thiện, theo Dân trí.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, người dân có thể gọi đến đường dây nóng (qua số điện thoại 0909.124.004) để xác minh thông tin bệnh nhân có đang cấp cứu, nhập viện ở đây hay không, cũng như để được hướng dẫn cách giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân đúng đắn, tránh trở thành nạn nhân cho kẻ xấu.
Trước đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có hai phụ huynh ở TP.HCM bị lừa chuyển 250 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo xưng là "giáo viên". Chỉ trong sáng 6/3 đã có ít nhất 5 phụ huynh tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con cùng kịch bản bị "chấn thương sọ não".
Cụ thể, trong sáng 6/3, phòng công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp xúc 5 phụ huynh có con độ tuổi từ 2009 - 2012 học cấp 2 ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM. Trong 5 phụ huynh đã có 2 người chuyển tiền vào tài khoản của "giáo viên", tổng số ghi nhận 250 triệu đồng, theo Dân Việt.
Chị Quỳnh (nhân viên trực của phòng công tác xã hội) cho biết trường hợp đầu tiên là ông N.Đ.N. (ngụ phường 7, quận Tân Bình) hớt hải đến bệnh viện tìm con cấp cứu "chấn thương sọ não".
"Phụ huynh này kể được thầy báo con té ở trường chấn thương sọ não chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Yêu cầu gia đình chuyển tiền nhanh để bác sĩ mổ gấp", chị Quỳnh kể lại.
Tuy nhiên khi tìm trên hệ thống không có thông tin bé nhập viện. Khi nghe chị Quỳnh cảnh báo trước đó có một số phụ huynh bị lừa chuyển tiền với hình thức tương tự, ông N. thú nhận: "Đã chuyển khoản 200 triệu đồng".
Những ngày sau đó, không ít phụ huynh nhận được các cuộc gọi tương tự.
Ngay sau khi nhiều phụ huynh bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn với thủ đoạn nêu trên, Sở GDĐT TP.HCM đã có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo thông tin thông suốt giữa nhà trường và phụ huynh; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin cơ sở giáo dục; tuyên truyền hướng dẫn cha mẹ học sinh thận trọng trước các thông tin sai sự thật.
(Tổng hợp)