Bị áp thuế nhập khẩu 80,5% lên lúa mạch, Australia kiện Trung Quốc lên WTO

Australia đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) điều tra các mức thuế mà Trung Quốc đã áp đặt đối với lúa mạch của quốc gia này.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại  Australia Simon Birmingham tuyên bố mức thuế 80,5% mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia là "thiếu cơ sở" và "không được củng cố bằng các sự thật và bằng chứng".

Ông cho biết, Australia đã "nhiều lần" bày tỏ quan ngại này với Trung Quốc song những nỗ lực để đạt được một giải pháp đều không có kết quả. Do đó, mặc dù thừa nhận quy trình giải quyết tranh chấp của WTO có thể mất nhiều năm, song quan chức này nhấn mạnh việc khiếu nại lên WTO là cách phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp này.

Úc và Trung Quốc căng thẳng thuế lúa mạch

Hồi tháng 5, Trung Quốc thông báo áp thuế nhập khẩu tổng cộng 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ giá 6,9%, áp dụng từ ngày 19/5 và có hiệu lực trong vòng 5 năm. Australia đã bày tỏ "thất vọng", đồng thời tuyên bố Canberra sẽ "kiên quyết bác bỏ lập luận cho rằng nông dân trồng lúa mạch của Australiađược trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào". 

Úc đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc áp đặt mức thuế cao đối với lúa mạch. Ảnh: AP.
Úc đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc áp đặt mức thuế cao đối với lúa mạch. Ảnh: AP.

Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Australia. Lúa mạch xuất khẩu được sử dụng cho sản xuất bia và làm thức ăn chăn nuôi.

Đây là lần đầu tiên Australia đưa tranh chấp với Trung Quốc lên WTO. Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng trong năm nay. Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức gián đoạn, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.

Khoảng 70% sản lượng lúa mì của Trung Quốc được nhập khẩu từ Úc. Ảnh: AP.
Khoảng 70% sản lượng lúa mì của Trung Quốc được nhập khẩu từ Úc. Ảnh: AP.

Trước tình huống này, chính phủ Australia đang chịu áp lực ngày càng lớn từ những người nông dân trồng lúa mạch. Theo đó, chính phủ phải giải quyết bài toán đảm bảo nguồn cung cho thị trường lúa mạch trong 5 năm tới trong khi thuế quan của Bắc Kinh được thực thi. Australia dự kiến trong năm nay sản lượng lúa mạch đạt 12 triệu tấn, nhưng sau đợt hạn hán đã làm thiệt hại đáng kể.

Tranh cãi về than

Không chỉ bị đánh thuế cao về ngành hàng xuất khẩu lúa mạch , than cũng đang bị ảnh hưởng. Theo hãng tin Bloomberg, hơn 50 tàu chở than của Australia đã bị mắc cạn ngoài khơi Trung Quốc sau khi các cảng được thông báo vào tháng 10 rằng không được dỡ những lô hàng này.

Tờ Global Times đưa tin, ngày 12/12, trong nỗ lực kiềm chế than tăng giá, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã chính thức hóa các biện pháp hạn chế nhập khẩu, cho phép các nhà máy điện được phép tự do nhập khẩu than từ các nước, ngoại trừ từ Australia.

Ngành khai thác mỏ than của Úc bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc đánh thuế cao. Ảnh: Financial Times.
Ngành khai thác mỏ than của Úc bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc đánh thuế cao. Ảnh: Financial Times.

Theo đó, chính phủAustralia cho rằng sẽ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và đề nghị Trung Quốc làm rõ vấn đề này trên các phương tiện truyền thông. Hôm thứ ba (15/12), Thủ tướng Australia Scott Morrison lên tiếng: "Bất kỳ sự chuyển hướng nào của Trung Quốc về việc tách rời nhập khẩu than chất lượng cao của Australia đều sẽ là một “tổn thất” đối với môi trường và mối quan hệ thương mại".

Song song với thiệt hại về sản lượng than, ước tính xuất khẩu nông sản của Australia cũng thiệt hại 3,5 tỷ AUD (2,45 tỷ USD) trong năm nay do căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan. 

XUYẾN KIM

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương