Bia tiếp tục giảm giá nhưng vẫn ế hàng

Sau Nghị định 100 đi vào hiệu lực tiếp đến dịch cúm virus corona bùng phát đã khiến thị trường bia ngày càng ảm đạm về doanh thu.

Từ trước tết đến nay, giá bia liên tục giảm giá nhưng sức mua lại không mấy khả quan, nhiều đại lý và cửa hàng bia trong tình trạng không có khách đến mua.

Ghi nhận từ Zing, một nhân viên tiếp thị bia tại siêu thị ở Hà Nội than thở: “Mấy ngày Tết đã ế, nay lại còn ế hơn".

Thị trường bia ngày càng ảm đảm do tác động của Nghị định 1100 và dịch bệnh corona. Ảnh: Quỳnh Thương.
Thị trường bia ngày càng ảm đảm do tác động của Nghị định 1100 và dịch bệnh corona. Ảnh: Quỳnh Thương.

Trên thị trường hiện nay, giá bia tại một số cửa hàng bán lẻ giảm mạnh. Cụ thể, bia Heineken có giá dao động từ 400.000 - 410.000 đồng/thùng, bia Tiger dao động quanh mức 330.000-340.000 đồng/thùng, bia Hà Nội có giá 235.000-245.000 đồng/thùng. Mức giá này thấp hơn trước Tết Nguyên Đán khoảng 5.000 -10.000 đồng nhưng vẫn cao hơn trong siêu thị.

Khảo sát tại siêu thị Big C Thăng Long, một trong những nơi đang niêm yết mức giá bia bán lẻ hợp lý nhất tại Thủ đô, với mức giá thấp hơn từ vài nghìn đồng đến hơn 10.000 đồng/thùng.

Theo đó, một thùng bia Heineken gồm 24 lon có giá gốc 391.500, nay giảm chỉ còn 384.000 đồng/thùng. Bia 333 có giá 241.000 đồng/thùng, bia Tiger niêm yết giá 329.900 đồng mỗi thùng, bia Saigon Special niêm yết giá 312.000 đồng/thùng.

Dịp Tết trôi qua mà các mặt hàng bia vẫn còn nhiều, để thu hút khách hàng đến mua, Big C Thăng Long bố trí các mặt hàng bia cùng lúc tại 2-3 khu vực khác nhau, tại nhiều lối đi cho khách dễ thấy. Tuy nhiên, sức mua bia tại siêu thị vẫn khá trầm lắng, thậm chí nhiều khách hàng không để ý đến mặt hàng này.

Về nguyên nhân khiến giá bia sụt giảm, chị N. Hồng chủ một cửa hàng kinh doanh bia và nước giải khát trên đường Quan Nhân, Thanh Xuân chia sẻ: "Trước Tết, vì ảnh hưởng của Nghị định 100 nên lượng tiêu thụ bia thấp, giá bia giảm mạnh. Thêm vào đợt dịch virus corona mới đây nữa nên người dân ngại tụ tập, khách đã ít nay lại còn ít hơn".

Theo nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh và quy định mới về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ là đòn giáng mạnh vào thị trường bia. Ảnh: Quỳnh Thương.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh và quy định mới về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ là đòn giáng mạnh vào thị trường bia. Ảnh: Quỳnh Thương.

“Hàng tôi nhập về từ trước Tết đến bây giờ ra Tết vẫn chưa bán hết, bây giờ lại có thêm dịch nữa nên không biết bao giờ mới tiêu thụ hết số bia tồn này”, chị Hồng buồn bã nói.

Cũng theo chị Hồng, lượng bia tiêu thụ cho các nhà hàng là chủ yếu. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực lại cộng thêm dịch corona nên sức mua giảm mạnh, chỉ bán được 20% cho thị trường này nên hầu hết nhà phân phối cũng như đại lý phải tìm cách hạ giá để bán cho khách lẻ…

Thông thường vào sau dịp tết, nhiều sinh viên, cơ quan, công ty tổ chức mừng năm mới, khai xuân nên lượng bia tiêu thụ sẽ rất lớn. Tuy nhiên, đến năm nay lượng bia bán ra tại các đại lý chỉ chỉ chiếm khoảng 40-50% so với năm ngoái.

Quy định mới về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông được ban hành khiến lượng bia tiêu thụ chậm lại kèm thêm vấn đề dịch bệnh căng thẳng khiến người dân hạn chế tụ tập vui chơi dẫn đến sức tiêu thụ giảm hơn nữa.

"Sau Tết âm lịch năm nay, các quán nhậu đìu hiu còn hơn cả khi có Nghị định 100. Một phần thời tiết mưa lạnh, phần nhiều là do người dân không tụ tập trong mùa dịch", anh Phạm Hùng chủ đại lý bia ở Đống Đa, Hà Nội lý giải.

TRÚC BÌNH (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương