Trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, những pho tượng Phật Bà Quan Âm thường được dân gian vô cùng sùng bái. Họ đến chùa thắp hương lễ Phật và luôn thường trực câu niệm “Nam Vô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Và, dường như ngự trị trong những pho tượng đó, mỗi người Việt lại tìm thấy cho mình hình tượng một người mẹ với tấm lòng bao dung, chốn nương náu về mặt tinh thần.
Ngự trên thượng điện của mỗi ngôi chùa, tượng Phật Bà Quan Âm của người Việt chiếm một số lượng lớn với các hình thức tạo tác khác nhau, và tên gọi cũng khác nhau. Có thể kể ra như: Tượng Quan Âm Tống Tử, quan âm Thị Kính, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (Nghìn mắt Nghìn tay), Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Cam Lồ.
Với mỗi tên gọi như vậy, cách thức tạo hình các pho tượng cũng có đôi chút khác nhau. Ví dụ như Quan Âm Tọa Sơn, Thị Kính và Tống Tử có chung hình thức tạc Đức Phật Bà giản dị trong tà áo nâu sồng, tọa lạc trên một mỏm núi, nhưng với tượng Tống Tử thì bà bế trên tay một đứa con trai kháu khỉnh, tượng Thị Kính thì có thêm con vẹt ngậm chuỗi hạt đậu trên mỏm núi, còn tượng Tọa Sơn thì hầu như không có các chi tiết đi kèm kể trên. Quan Âm Chuẩn Đề, Nghìn mắt Nghìn tay, hay Quan Âm Nam Hải cũng vậy.
Quan Âm Nghìn mắt Nghìn tay tại chùa Bối Khê. Ảnh: Trần Trung Hiếu. |
Với hình tượng rất quen thuộc Phật Bà ngự trên đài sen, nhưng tượng Nam Hải có con rồng đội đài sen, tượng Chuẩn Đề là đôi tay chắp trước ngực kết ấn Chuẩn Đề, còn tượng Nghìn mắt Nghìn tay lại có vô số những đôi tay vươn sang hai bên như thị hiện ra sức mạnh cứu độ chúng sinh của Đức Phật. Sở dĩ có sự khác nhau như vậy giữa những pho tượng bởi lẽ, mỗi câu chuyện, mỗi truyền thuyết về bà là khác nhau, đều gắn liền với tâm thức về mẹ của người Việt.
Nổi tiếng nhất trong các truyền thuyết về Phật Bà Quan Âm ở Việt Nam có lẽ là truyền thuyết Quan Âm Thị Kính. Truyền thuyết này không chỉ được truyền miệng trong dân gian, mà còn được dựng thành các vở chèo để ca ngợi những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trong câu chuyện này, người ta nhận thấy có hai hình ảnh người phụ nữ đối lập nhau, đó là Thị Màu và Thị Kính. Thị Màu đại diện cho những khát khao đời thường, còn Thị Kính lại đại diện cho sự nhẫn nhịn.
Sự khát khao đời thường của Thị Màu là sự tranh đấu để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của xã hội phong kiến, còn Thị Kính lại nhận về mình mọi sự oan khuất, mọi sự đắng cay để giữ tấm lòng trung chính. Rốt cuộc, tấm gương nhẫn nhịn đó đã khiến nàng vượt qua kiếp nạn để được thăng đài, hóa thành Phật Bà Quan Âm.
Bên cạnh truyền thuyết về Quan Âm Thị Kính kể trên thì truyền thuyết về nàng Diệu Thiện cũng được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Câu chuyện về bà có khác chút ít với chuyện nàng Kính Tâm về bối cảnh. Diệu Thiện vốn là công chúa, con vua, dòng dõi hoàng gia, nhưng sùng tín đạo Phật. Nàng không chịu lấy chồng, nhất mực đi tu, do thế mà phải chịu qua nhiều kiếp nạn oan ức khác nhau từ sự đố kị của hai chị là Diệu Thanh và Diệu Âm. Bị vua cha bắt đi đầy ải ở vùng sơn cước với bao tủi nhục, nhưng trong hoàn cảnh đấy nàng vẫn quyết chí tu hành. Đến khi nhà vua bị mắc bệnh lạ, bỏ qua mọi hằn thù trong cư xử trước đây, với tấm lòng Bồ Tát, nàng đã hiến đôi mắt và đôi tay của mình để chữa lành bệnh cho cha. Chính đức hy sinh này đã làm cho đức Phật cảm động mà ban cho nàng hàng ngàn đôi mắt, hàng ngàn cánh tay. Truyền thuyết này đã trở thành một biểu tượng cao đẹp về đức hy sinh về đạo hiếu đễ và cũng là truyền thuyết cho các pho tượng nổi tiếng về Quan Âm Nghìn mắt Nghìn tay của người Việt.
Quan Âm Tống Tử chùa Mía. Ảnh: Nguyễn Hùng. |
Với hai truyền thuyết được thường xuyên nhắc đến trong dân gian Việt Nam khi nói về hình tượng Phật Bà Quan Âm, ta có thể thấy rằng mỗi câu chuyện lại biểu tượng cho một giai tầng khác nhau trong xã hội phong kiến xưa. Nếu Thị Kính đại diện cho tầng lớp bình dân, những người phụ nữ bình dị đời thường thì Diệu Thiện lại đại diện cho hoàng tộc, hoàng gia. Dẫu vậy, hai con người này đều là những người phụ nữ ngoan cường với đức tính hy sinh, lòng nhẫn nhịn và dốc lòng tin theo Phật pháp.
Chính vì thế mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần và tấm lòng Bồ Tát, tấm lòng bao dung của họ luôn tỏa sáng rực rỡ. Đặc biệt trong các pho tượng được thoát thai từ các truyền thuyết về Phật Bà, bên cạnh các đức tính cao đẹp kể trên, người Việt còn đồng hóa tư tưởng Bồ Tát vào hình tượng mẹ nhân gian. Chỉ có những người mẹ của thế gian mới có thể bao dung, vượt lên mọi sự khổ đau, mọi sự thị phi để ban cho dân gian những điều tốt đẹp nhất, hóa giải đi mọi sự đau khổ của đời thường.
Từ truyền thuyết cho đến những pho tượng Phật Bà Quan Âm trong các ngôi chùa Việt, có lẽ không quá xa xôi cho những sự hình dung về mặt hình tượng. Điêu khắc Phật giáo vốn dĩ không phải chỉ là sự minh họa cho giáo lý, Phật pháp mà nó còn có những ngôn ngữ biểu tượng riêng biệt. Ví dụ như hình tượng Quan Âm Thị Kính, bên cạnh việc được tạo hình theo truyền thuyết rất nổi tiếng kể trên, thì người ta nhìn thấy ở đó một biểu tượng mẹ rất rõ ràng. Hai tay bà nâng bế đứa con một cách trìu mến, cưng nựng. Có những pho tượng đứa trẻ còn được các nghệ nhân dân gian tạc hết sức biểu cảm như ôm lấy chân “mẹ mình” – là Phật Bà Quan Âm như pho tượng Quan Âm ở chùa Mía, Sơn Tây, Hà Nội.
Cũng ở ngôi chùa này, một pho tượng khác, hình tượng Quan Âm Tống Tử đã được tạc lồng ghép với hình tượng Quan Âm Tọa Sơn, và thậm chí người ta còn thấy cả bóng dáng của công chúa Diệu Thiện khi trang phục pho tượng được đặc tả trau chuốt, như trang phục của tầng lớp quý tộc sang quý, mà vẫn giản dị. Đây cũng là pho tượng đẹp nhất trong số những tượng Quan Âm Tống Tử có niên đại thế kỷ XVII.
Quan Âm Nghìn mắt Nghìn tay chùa Thầy. Ảnh: Trang Thanh Hiền. |
Một chi tiết không thể bỏ qua trong các điêu khắc tượng Quan Âm Thị Kính ở chùa Việt là hình tượng con vẹt đậu trên mỏm núi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng này là hình ảnh tượng trưng cho nhân vật Thiện Sĩ rút ra từ truyền thuyết kể trên đã ăn năn hối lỗi, cải tà quy chính theo Phật mà ngậm chuỗi hạt tu thân. Không những thế, nó còn là đại diện mọi tầng lớp từ con người cho đến các cõi nhân sinh trước tư tưởng Bồ Tát, tư tưởng của Phật pháp đều được hóa giải để quy thuận.
Bên cạnh đó, chi tiết hình tượng núi thay thế cho đài sen và dáng ngồi thư thái của Quan Âm, một chân buông, một chân chống như thể gửi gắm vào đó ước vọng của người Việt về Cực Lạc giữa đời thường. Các điêu khắc tượng Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Thị Kính hay Quan Âm Tống Tử trong các ngôi chùa Việt đều được tạc như vậy không phải không có lý do.
Cũng có người cho rằng, biểu tượng núi và cách ngồi của các tác phẩm này chịu ảnh hưởng từ điêu khắc tượng Quan Âm Thủy Nguyệt trong Phật giáo Trung Quốc, nhưng rõ ràng, nếu nhìn thật kỹ, thật sâu vào từng chi tiết tạo tác thì sự hình dung về người mẹ Việt rõ rệt hơn nhiều. Người mẹ Việt dẫu con cái có bìu díu, các pho tượng Quan Âm đôi khi thể hiện ra cả sự nhẫn nhịn trong chân dung, nhưng rõ ràng ở đó vẫn toát lên một sự sang quý đẹp đẽ.
Vào chùa bái Phật, thắp một nén nhang, niệm một câu “Nam Vô Quan Thế Âm Bồ Tát” người Việt như tìm thấy sự thanh tịnh mặc nhiên trong cõi lòng. Chiêm ngưỡng những pho tượng Phật Bà Quan Âm dù được thị hiện ra dưới hình thức nào đi nữa, dù hai bên thân mình có cả ngàn tay, hay trên mũ được chồng xếp lên những tầng đầu, hay trong mỗi bàn tay lại chạm khắc một con mắt, hay dưới đài sen có rồng, có quỷ đội, nhưng cảm giác về sự gần gũi thân thuộc luôn chiếm lĩnh.
Đó là cảm thức về những người mẹ Việt, về màu áo nâu sồng ẩn chút nét son tươi trên yếm, trên khăn. Thế nên dù là tượng Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tọa Sơn hay Quan Âm Nghìn mắt Nghìn tay, như gieo vào lòng người Việt nét bao dung che chở, nét thương quý, dịu dàng như tấm lòng người mẹ Việt, ban ân tạo phúc cho đời đời con cháu.
Hãy giữ trên môi những nụ cười
Nụ cười chân thiện như sợi dây kết nối tình người, làm ấm lại tâm hồn bơ vơ lạc lõng, nỗi thất vọng não nề hay bực dọc khổ đau.