Ru con bằng lời ca Kinh Bắc

Phương Bắc với lời ca thấm trong giọng hát chứa chan tình cảm và lặng lẽ đọng lại trên môi người phụ nữ một đời tần tảo.

Tôi đã nghĩ rất nhiều về những điều mình sẽ làm khi trở thành mẹ trẻ con. Một trong những điều ấy là ru con bằng những lời ca Quan họ đã theo tôi suốt thời thơ ấu, những lời ca đã nuôi tôi lớn khôn, dạy tôi cái tình thấm thía trong mỗi lời ca, cái thâm trầm của hồn quê Kinh Bắc.

Ký ức ngọt ngào nhất tuổi thơ tôi là những buổi chiều bên cửa sổ của căn nhà tập thể bé teo, bà nội nhẩn nha hát những bài Quan họ, ngâm những đoạn thơ lục bát hay lẩy Kiều. Giọng bà ngọt lịm và êm ái. Cô bé nhỏ xíu, hom hem nằm ngay bên cạnh bà, mải miết nghe, mải miết ghi nhớ cái mùi trầu ngai ngái phảng phất trong không khí. Có lẽ vì thế, dù được sinh ra ở trời Nam, lòng lại thuộc về phương Bắc. Phương Bắc với mái tóc vấn vải nhung của bà nội, phương Bắc với lời ca, phương Bắc thấm trong giọng hát chứa chan tình cảm và lặng lẽ đọng lại trên vành môi người phụ nữ một đời tần tảo.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,

anh ơi, em vẫn đợi bèo dạt mây í i ì... trôi,

chim sa, tang tính tình... í i ì..., cá lội

Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ sao chẳng thấy anh...".

(Trích Bèo dạt mây trôi)

Và chẳng biết tự bao giờ, những điệu hát ấy trở nên lạc lõng giữa phố thị, tôi trở về làng quê nhỏ ở chợ Lời và nhận ra rằng những điệu nhạc dance xập xình đã lan đến tận cùng ngõ hẻm. Làng quê bây chừ ngó khang trang hơn xưa nhưng vẻ nhếch nhác của hơn hai mươi năm trước còn nguyên đó. Cái hồn quê mênh mang năm nào dường như tận tuyệt cùng với những người đã về với vĩnh hằng (như bà tôi). Làng quê bây chừ nhiều xe hơi về tận ngõ, nhiều đám lên đồng xênh xang tấp nập người lên lễ. Chẳng biết tìm đâu con cò bay lả, điệu hát trống quân và câu dân ca ngọt lịm năm nào.

Tôi về thăm quê sau bao năm thấy hồn Bắc còn nguyên trong lòng mà nơi chốn gợi lên phần hồn ấy dường đâu mất. Những căn nhà cũ kỹ đượm mùi rêu mốc, những con đường gạch quanh co hun hút dẫn tôi đi sâu vào sự hoang phế. Nhà bà tôi ở những ngày tháng cuối đời mình đã bị dỡ mất. Chỉ còn lại mảnh vườn hoang cỏ mọc um tùm.

Tôi lẩm nhẩm trong đầu mình mấy câu Kiều ngày xưa bà hay ngâm nga cho cô cháu nhỏ, thấy thương những điệu dân ca, thấy thương những hồn xưa cũ.

Tôi cố đi thật chậm, cố nhớ lại những ký ức thuở bé, lần tìm lại khoảng sân ngày nhỏ chơi đùa, mái đình làng, đôi bờ ao tôi đã từng cùng các em bắt ốc. Nhưng mọi thứ đã được bê tông hóa, đã mất hẳn dấu tích cùng với những tháng năm tôi không về quê nội. Trong không gian thấm đẫm nỗi tiếc nhớ đó, bỗng nhiên đâu đó vẳng lại điệu hát rè rè chừng như phát ra từ một chiếc loa cũ:

"Người ơi! Người ở đừng về

Người về em vẫn (í i ì i có mấy) trông theo

Trông (ư ư) nước bây chừ mà như nước chảy

Mà này cũng có a trông bèo, trông bèo (là) bèo trôi”.

(Trích Người ơi người ở đừng về)

Điệu hát quen thuộc khiến tôi lay động sâu sắc. Và tôi ngừng kiếm tìm. Bởi lẽ, hồn quê Kinh Bắc trong lòng tôi không hiện diện ở thực tại này, và thật ra, nó cũng không cần hiện diện ở đây, chỉ cần trong lòng tôi, hồn quê ấy mãi sống động như thứ xúc cảm mà tôi vừa chạm phải khi nghe được câu hát quen. Chỉ cần như thế, đủ để tôi truyền lại cho con mình, cho cháu và cả những thế hệ sau nữa, đến chừng nào tôi còn sống.

Bây giờ, khi hát cho con trai nghe những điệu dân ca để ru con ngủ, tôi chỉ mong con lớn lên an yên và chớ quên hồn quê mình trong từng lời thủ thỉ. Như tôi!

Người ơi! Người ở đừng về

Người về em vẫn (í i ì i có mấy) trông theo

Trông (ư ư) nước bây chừ mà như nước chảy

Mà này cũng có a trông bèo, trông bèo (là) bèo trôi”.

Đoàn Thanh

Nhớ bậc thềm xưa

Nhớ bậc thềm xưa

Có những lúc bỗng nhớ quay quắt bậc thềm nhà xưa, thèm nghe tiếng chim lách chách dưới mái hiên để những ý nghĩ lang thang đâu đó.