Đồng USD đã giảm liên tục kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ vào tháng 3 năm ngoái. Nó giảm khoảng 10-12% so với các đồng ngoại tệ được giao dịch nhiều ở Hoa Kỳ. Theo một số chỉ số đo lường, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Trước đó, vào tháng 6/2020, Bloomberg đã dự báo rằng, đồng USD sẽ sụt giảm 35% giá trị vào cuối năm 2021. Nếu điều này xảy ra, nó tạo sẽ tạo một dấu chấm than quan trọng trong năm đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Joe Biden.
Bloomberg đưa ra 3 lý do để lập luận rằng đồng USD sẽ giảm. Thứ nhất là thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ tăng mạnh. Thứ hai là sự lớn mạnh của đồng euro. Và cuối cùng là Cục Dự trữ Liên bang sẽ không tìm cách để "cứu" đồng USD.
Tiết kiệm trong nước
Theo dự đoán, thâm hụt tài khoản vãng lai (thước đo thương mại rộng nhất vì nó bao gồm cả đầu tư) đang tiếp tục xấu đi. Nó đã tăng 1,2%, lên 3,3% tổng sản phẩm quốc nội trong quý II/2020 và tăng thêm 0,1%, lên 3,4% trong quý III.
Sự thay đổi trong quý II là mức xói mòn lớn nhất được ghi nhận. Và ở thời điểm hiện tại, thâm hụt đang ở mức tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2008.
Bên cạnh đó, sự suy giảm tiết kiệm trong nước do đại dịch COVID-19 cũng làm thâm hụt ngân sách liên bang. Khi một quốc gia thiếu tiết kiệm và muốn đầu tư phát triển, quốc gia đó phải nhập thặng dư tiết kiệm từ nước ngoài để cân bằng vòng tròn, thâm hụt cán cân vãng lai để thu hút vốn nước ngoài.
Tỷ lệ tiết kiệm nội địa ròng đã giảm xuống dưới zero trong quý II và quý III. Cụ thể, tỷ giá trong nước ròng, từ mức dương 2,9% của quý I đã giảm 3,8%, xuống âm 0,9% trong quý II. Đây được xem là mức giảm hàng quý lớn nhất được ghi nhận.
Sự sụt giảm trong quý II phần lớn là do sự phát triển vượt bậc của Đạo luật Cares trị giá 2.200 tỷ USD, nhằm cung cấp cứu trợ tài chính trong thời gian khóa cửa liên quan đến COVID-19.
Tuy nhiên, đại dịch và các dư chấn của nó vẫn còn rất nhiều. Một gói cứu trợ tài chính 2.800 tỷ USD đang được thực hiện, trong đó 900 tỷ USD đã được ký thành luật vào tháng 12/2020 và 1.900 tỷ USD khác do tổng thống Biden đề xuất.
Các gói cứu trợ COVID-19 kết hợp tổng cộng là 5.000 tỷ USD, tương đương 24% GDP của năm 2020.
Mặc dù không phải là kích thích theo nghĩa thông thường, nhưng đợt bơm tài khóa này đã phá vỡ mọi kỷ lục hiện đại với một biên độ rộng. Do đó, tỷ lệ tiết kiệm trong nước sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức 0, khiến thâm hụt cán cân vãng lai càng gay gắt hơn.
Đồng euro
Không chỉ đồng euro, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY), kim loại quý và thậm chí tiền điện tử cũng tác động rất lớn đến đồng USD.
Kể từ tháng 6/2020, đồng CNY đã tăng khoảng 4% và sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Trung Quốc dẫn đầu sự phục hồi toàn cầu sau COVID-19. Trong khi đó, đồng euro ít biến động hơn trong cùng kỳ (sau khi tăng khoảng 7% từ tháng 2 đến tháng 5).
Bloomberg nhận định, liên minh đồng euro có một lỗ hổng nghiêm trọng. Đó là việc một đơn vị tiền tệ và ngân hàng trung ương nhưng không có chính sách tài khóa thống nhất.
Và bất ngờ đã xảy ra vào tháng 7 khi Thủ tướng Đức - Angela Merkel và Tổng thống Pháp - Emanuel Macron đạt được thỏa thuận về một gói hỗ trợ tài chính trị giá 750 tỷ euro (908 tỷ USD). Điều này đã bổ sung phần tài chính còn thiếu vào liên minh tiền tệ.
Mặt khác, giá vàng đã tăng trong tháng 6 và tháng 7. Còn đối với tiền điện tử, Bloomberg nhận định, Bitcoin rất khó lường. Nó đã tăng gấp 4 lần kể từ tháng 6, hoặc gấp rưỡi so với mức tăng đột biến vào cuối năm 2017. Vào thời điểm đó, Bitcoin được mô tả là một trong những bong bóng đầu cơ lớn nhất trong lịch sử.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed)
Khi thâm hụt tài khoản vãng lai đang chịu áp lực, ngân hàng trung ương thường đưa ra biện pháp giải cứu bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra đối với Fed. Bằng cách áp dụng chế độ nhắm mục tiêu "lạm phát trung bình" mới vào tháng 8, Fed đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, họ sẽ hành động muộn hơn để chống lại bất kỳ sự gia tăng tỷ lệ lạm phát nào.
Mặt khác, "Lý thuyết tiền tệ hiện đại" cũng không thể giải cứu đồng USD. Mặc dù, nợ và thâm hụt có thể không phải là hậu quả của môi trường lạm phát thấp nhưng tỷ lệ tiết kiệm nội địa rất quan trọng.
Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài để bù đắp cho sự thiếu hụt ngày càng tăng của nguồn tiết kiệm trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp nới lỏng định lượng có kết thúc mở của Fed đã tạo ra sự dư thừa thanh khoản lớn.
Đại dịch vẫn đang hoành hành và nền kinh tế trên bờ vực suy thoái kép khiến chính quyền Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra một gói cứu trợ tài chính lớn khác. Kết quả này sẽ gây ra hậu quả cho bất kỳ nền kinh tế nào.
Và tất cả những điều trên nói lên rằng, đồng USD sẽ ngày càng yếu hơn nữa.