Giá thịt lợn trong những ngày đầu năm mới đang có xu hướng giảm nhẹ tại các tỉnh phía Bắc như: Ở Hưng Yên giảm còn 94.000 đồng/kg, Hà Nam giảm còn 92.000 – 93.000 đồng/kg, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La phổ biến ở mức 93.000 đồng/kg.
Giá đang dần chững lại ở mức ổn định và điều chỉnh giảm dần, các đơn vị bán lẻ và phân phối thông báo sẽ tiếp tục bình ổn mặt hàng thịt lợn. Bộ Nông nghiệp cũng cho phép nhập khẩu thịt lợn từ 19 quốc gia có thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật. Như vậy các doanh nghiệp đang cùng với cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh việc cân đối nguồn cung của thịt lợn, tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá” ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó Cục Xuất khẩu cũng đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ kết hợp cùng các doanh nghiệp cũng như các Hiệp hội xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có uy tín ở nước sở tại cho các doanh nghiệp nhập khẩu ở Việt Nam. Ngoài ra các đơn vị này cần phối hợp với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) để kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và theo sát với diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Đồng thời Sở Công thương và Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm soát tình trạng vận chuyển, mua bán lợn sống trái phép, theo dõi các hoạt động thương mại của cư dân biên giới để phối hợp cùng các cơ quan quan chức năng như Hải quan, Biên phòng, Thú y... trên địa bàn chủ động ứng phó hành vi sai phạm.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giá thịt lợn tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc bình ổn giá, xuất phát từ việc nguồn cung còn quá thiếu hụt vì dịch tả châu Phi trong năm 2019. Cho dù có lợn không còn dịch vẫn không dám xuất trong khi nhập khẩu không đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cho người dân. Ông nhấn mạnh, nếu không khắc phục thì tình trạng giá lợn vẫn sẽ tăng kéo dài cho đến sau Tết, việc này gây ảnh hưởng lớn đến tài chính của người dân, đồng thời sẽ kéo theo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng mạnh.
“Một sự tăng giá dây chuyền sẽ không có lợi cho công tác bình ổn giá của nhà nước, gây biến động bất lợi đến chỉ số CPI năm 2019 và cả năm 2020”, ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, các cơ quan quản lý cần đưa ra các phân tích sát sao hơn với tình hình hiện tại để đưa ra giải pháp cho thời gian Tết và sau Tết. Bởi trước đó vào tháng 2/2019, dịch tả Châu Phi đã khiến nước ta tiêu hủy đến hàng triệu con lợn nhưng không hề có đề xuất cụ thể bù đắp lượng thịt lợn đã mất đi. Giá cả vì thế mà leo thang. Vì vậy cần có bài học sâu sắc hơn để giải quyết vấn đề này, tránh tình trạng các mặt hàng lên giá theo.
Việc bình ổn giá có thể không mang kết quả tức thì nhưng muốn thành công phải chủ động dự trữ, kiểm soát lượng hàng còn hoặc nhập từ nước ngoài, không nên chỉ dừng ở giấy tờ văn bản đơn thuần mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả.
Thịt gà tiếp tục tăng giá tại chợ
Giá thực phẩm hôm nay 4/1 ghi nhận, các loại thịt gà như ức, chân, đùi,... tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg tại chợ lẻ ở TP.HCM.