Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm thì cũng phải đi tù”

Ngày 8/11, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

“Người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm thì cũng phải đi tù”

Trả lời về vấn đề có nên phát triển hệ sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam hay không, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều nước trên thế giới mong muốn như vậy. Việt Nam chỉ là một trong số đó. Ông nhấn mạnh: "Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia".

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu phát triển nền tảng xã hội Việt Nam là có số lượng người dùng lớn và có doanh thu từ quảng cáo, giống như Facebook. Tuy nhiên hiện điều này cũng có điểm khó.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp để khắc phục tình trạng MXH tồn tại các nội dung độc, tiêu cực nhưng vẫn có nhiều người theo dõi. Ông Hùng cho rằng, đó là hành lang pháp lý trong việc xử lý tin giả, xấu độc. Theo đó tinh thần chung là phải xử lý nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả, tuy nhiên tin giả tin xấu trong mạng lưới nền tảng trong nước vẫn được quản lý và rà soát.

“Nếu chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi tin xấu đó và làm cho người đưa tin xấu được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyên mang tính toàn cầu.

Giải pháp thứ 2 được ông Hùng đề cập đến là thường xuyên làm việc với những công ty nền tảng như Facebook, Google để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam; tìm ra danh tính tài khoản trên mạng xã hội; có công cụ tự động xoá bỏ tin xấu, độc, đồng thời giáo dục nâng cao nhận thức sống, phân biệt được đúng - sai trên không gian mạng.

“Khi chúng ta nhận dạng được thì không xem tin xấu độc. Khi chúng ta không xem những nguồn này thì dần dần nó sẽ suy giảm đi”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, Luật An ninh mạng sắp tới yêu cầu rất nghiêm chuyện này, mỗi mạng xã hội phải cung cấp danh tính tài khoản. Khi đó những người đưa tin giả cũng phải chùn tay, rất thận trọng, vì biết rằng từ nay trở đi mình nói gì thì khi cần cơ quan chức năng vẫn sẽ biết mình là ai.

Tin sai không phải cứ gỡ là xong

Đứng trước tình hình có rất nhiều các trang web mạo danh, sử dụng tên tuổi của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Đại biểu kiến nghị phải có những biện pháp răn đe, xử phạt phù hợp ngăn chặn tình trạng đưa thông tin sai, không đúng sự thật.

Trả lời các Đại biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Trang web mạo danh thực tế đọc rất ổn, nhưng rõ ràng một ai đó nuôi trang này, cũng không rõ mục tiêu là gì. Nhưng nhỡ đâu lúc đất nước gặp nguy hiểm, trang đứng tên một lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà tuyên bố Việt Nam đầu hàng thì sao?”.

Chính vì vậy, không cần chờ đợi có thông tin sai, ngay lập tức phát hiện hành vi giả mạo cần phải xử phạt và yêu cầu gỡ bỏ. "Tới đây chúng tôi cũng sẽ xây dựng đầu mối tiếp nhận để xử lý, vì đúng là có tình trạng người dân bị giả mạo nhưng không biết kêu ai. Đồng thời chúng ta cũng tuyên truyền để người dân biết cách xử lý khi gặp vấn đề này", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận có tình trạng đăng bài sau đó gỡ và cho biết vừa qua, Bộ TTTT có phát triển công cụ để tất cả các báo đều được lưu chiểu đưa về trung tâm. Từ đó phân tích tình trạng sửa bài ở các báo, phát hiện có chuyện gỡ bài xuống hay không.

Không chỉ riêng bộ mà Hội Nhà báo cũng sử dụng. Từ khi có công cụ này, việc gỡ bài cũng giảm đáng kể. "Về việc xử lý, nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý, còn nếu không thì chỉ dừng ở chuyện đạo đức", ông Hùng nói.

Đặc biệt ông nhấn mạnh, các trang thông tin điện tử vi phạm phải lập tức dừng tên miền. Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, hoạt động quản lý thông tin, nhân sự, tên miền… các doanh nghiệp mới được phép đăng ký sử dụng tên miền.

Tính hết tháng 10/2019, Cục PTTT và TTĐT đã xử phạt 13 vụ với tổng số tiền hơn 248 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép; Cung cấp, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép.

Bên cạnh đó, Bộ thông tin và truyền thông cũng đã ra thông báo tạm thời không cấp phép mới cho các cơ quan báo chí. Cụ thể là chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt động thực hiện thêm loại hình báo chí, số liệu cơ quan báo chí thay đổi không nhiều.

 “Chúng ta đã dễ dãi trong câu chuyện đưa thông tin cá nhân”

Chia sẻ một câu chuyện cá nhân về việc khi đi mua hàng các nhân viên đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, qua việc này ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng bản thân mỗi người đều đang lơ là với chính thông tin của mình.

Theo ông cần có quy định pháp luật rất rõ thông tin cá nhân nào được sử dụng và sử dụng vào việc gì, cái gì cần phải xin phép khách hàng.

Bộ trưởng Hùng cho biết Luật Báo chí hiện quy định cấm khai thác quá sâu đời tư. Trong năm 2019, bộ TTTT xử lý 3 vụ thông tin chi tiết quá sâu đời tư. Giải pháp vừa bằng luật pháp, vừa tuyên truyền. 

"Chắc chắn phải có quy định. Các quốc gia đều có quy định về quản lý thông tin cá nhân. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rồi có thể phải ra một số nghị định", ông Hùng nói.

Bên cạnh đó trước tình hình hiện nay có chuyện báo chí câu view quá mức, cần xác định đâu là ngưỡng cho phép. "Đây là vấn đề đạo đức báo chí. Làm nghề báo là tự nhận cho mình sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, vì cộng đồng. Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nhà báo để có giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, để các nhà báo nhận thức được vai trò, sứ mạng của mình", ông Hùng nhấn mạnh.

Thanh Mai

Bộ Tư pháp thừa nhận đưa số liệu 14 năm trước vào báo cáo môi trường gửi Quốc hội

Bộ Tư pháp thừa nhận đưa số liệu 14 năm trước vào báo cáo môi trường gửi Quốc hội

Bộ Tư pháp giải thích do không các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên cán bộ soạn thảo đã tham khảo, tổng hợp một số nguồn trên mạng