Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá thị trường hơn'

Tại buổi đối thoại trong chương trình Landshow của VTV Money, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá thị trường hơn, giúp giải quyết bất cập sự chênh lệch quá lớn giữa khung giá đất và giá thị trường.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lấy ý kiến có loạt vấn đề lớn được người dân quan tâm cũng như được dự báo sẽ tác động lớn tới thị trường bất động sản đó là việc bỏ khung giá đất, xác định giá đất sát giá thị trường hay việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản…

Liên quan đến việc bỏ khung giá đất, chia sẻ tại buổi đối thoại trong chương trình Landshow của VTV Money vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, việc định giá đất là vấn đề hết sức khó khăn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá thị trường hơn' - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá thị trường hơn, giúp giải quyết bất cập sự chênh lệch quá lớn giữa khung giá đất và giá thị trường. Ảnh: VTV

Theo người đứng đầu Bộ TN&MT, hiện nay chúng ta đang sử dụng 2 loại giá đất: Khung giá do Chính phủ ban hành và bảng giá của địa phương. Tuy nhiên khung giá đất rất khó có thể xác định được giá sát với thị trường bởi khung giá xác định giá tối đa, tối thiểu theo vùng (vùng đồng bằng - miền núi; đô thị loại 1, 2, 3, 4…).

"Khung giá đất hiện nay khó có thể theo được sự biến đổi rất nhanh của giá đất thị trường. Do đó trong dự thảo luật sẽ bỏ khung giá đất, thay vào đó là xây dựng bảng giá đất xác định hàng năm", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá thị trường hơn, giúp giải quyết bất cập sự chênh lệch quá lớn giữa khung giá đất và giá thị trường.

"Mặc dù chúng ta đang áp dụng 4 phương pháp xác định giá đất tiên tiến mà các nước đang sử dụng nhưng trên thực tế thông tin đầu vào cho mỗi phương pháp không chính xác, phụ thuộc vào việc lựa chọn quy chiếu, ý kiến mang tính chất chủ quan của người định giá… dẫn đến giá đất khi định giá bị sai lệch", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Do đó, để giải quyết tồn tại nói trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thu thập được dữ liệu giá đất phải đảm bảo sự chính xác. Và để làm được điều này thì khi nhà nước giao đất có thể xem là thị trường sơ cấp phải tiến hành thông qua đấu giá, đầu thầu. Tiếp theo đến thị trường thứ cấp thì mọi giao dịch đất đai của doanh nghiệp phải công khai và chính xác.

Với người dân có thể giao dịch qua sàn, hoặc thông qua trao đổi qua hợp đồng và đăng ký tại văn phòng đăng ký đất đai. Từ văn phòng sẽ kết nối với hệ thống dữ liệu, qua đó sẽ có cơ sở dữ liệu về giá đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá thị trường hơn' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc bỏ khung giá đất không ảnh hưởng đến đa số người dân. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó sẽ áp dụng các chính sách khác như: Không lấy giá đất trong hợp đồng để tính thuế việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau này khi có bảng giá đất theo thị trường được ban hành hàng năm thì sẽ căn cứ vào bảng giá đất của năm trước để tính toán trách nhiệm về thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

"Khi đã hình thành về cơ sở dữ liệu về giá đất dày dặn sẽ giúp xây dựng bảng giá đất sát với thị trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về đề xuất tính thuế mua bán đất theo giá thị trường mà không căn cứ giá trên hợp đồng, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết việc kê khai trên hợp đồng là một trong những căn cứ để thu thuế cho nên người bán và người mua thường có tâm lý đưa giá đất về mức thấp nhất.

Do đó, trong dự thảo luật này lần này sẽ không căn cứ vào mức giá trong hợp đồng, thay vào đó là sẽ dựa vào bảng giá đất theo giá thị trường để tính thuế. Ngoài ra cũng sẽ chế định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng đất phải công bố đăng ký công khai, minh bạch và chính xác. Người nào khai giá đất không chính xác sẽ vi phạm pháp luật, theo TPO.

Trước lo ngại việc bỏ khung giá đất, thay vào đó là thiết lập bảng giá đất hàng năm có thể làm tăng giá nhà đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, giá đất sẽ tăng hơn so với thời kỳ áp dụng khung giá đất nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá đất liên quan đến các nhà đầu tư hiện nay.

Bên cạnh đó chúng ta có chính sách khu vực nhà ở xã hội, sinh viên, người lao động thì nhà nước không thu tiền nên việc bỏ khung giá đất và áp dụng theo bảng giá đất hàng năm không ảnh hưởng đến bảng giá đất theo thị trường.

"Như với nhà ở xã hội, nhà nước đã lo vấn đề quy hoạch, hạ tầng, giao đất không thu tiền, cho thuê đất không thu tiền nên việc bỏ khung giá đất không ảnh hưởng đến đa số người dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 - NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, theo vtv.vn.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai. Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh…

Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

(Tổng hợp)

AN LY