15 giờ chiều nay (5/2), Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp báo , gặp gỡ báo chí, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh nCoV. Cuộc họp do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì.
Theo Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 5/2, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Thế giới đã ghi nhận 24.553 người nhiễm nCoV, 492 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 490 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong và Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.
Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 10 ca nhiễm nCoV, trong số ca này đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca nhiễm bệnh bao gồm: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ (Việt kiều) đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) và 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì cuộc họp báo chiều nay (5/2). |
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, các tính toán khoa học cho thấy dịch tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới.
Một số tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tình với các biện pháp mà Việt Nam đang triển khai.
Về nguồn gốc dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh nCoV khởi nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc). Đến nay trường hợp nhiễm bệnh ngày càng tăng cao, con só tử vong cũng tăng hằng ngày. So với những ngày trước đó, số ca nhiễm bệnh trong ngày 5/2 đã giảm, số bệnh nhân khỏi cũng tăng lên.
Ông Long cho biết, virus corona lây truyền chủ yếu qua không khí (qua tiếp xúc các giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi), trực tiếp khi tiếp xúc người bệnh, kể cả khi bắt tay với người bệnh; lây truyền từ bề mặt đã bị nhiễm virus.
"Đặc trưng của virus khi ra môi trường không lơ lửng ở không khí nên khả năng lây qua không khí được đánh giá thấp. Chúng chủ yếu lây qua tiếp xúc các bề mặt bởi virus tồn tại ở đây rất lâu. Đây là con đường lây đáng quan ngại. Ngoài ra, có thể lây qua phân từ người nhiễm bệnh”, ông Long thông tin.
WHO cũng đã khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên, bởi theo thống kê từ các nghiên cứu, cứ 10 phút chúng ta có hành động vô thức là đưa tay lên mặt.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh, đeo khẩu trang chính là biện pháp hiệu quả nhất để phòng lây lan virus corona.
Ông Long chỉ rõ với bệnh viêm đường hô hấp do virus corona, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 1-14 ngày, 14 ngày cách ly là thời gian dài nhất để yên tâm hoàn toàn, còn tính trung bình chỉ 11 ngày đổ lại.
“Hiện nay không có thuốc điều trị dự phòng và đặc hiệu đối với bệnh 2019-nCoV, chúng ta dựa trên nguyên tắc cơ bản, đầu tiên điều trị triệu chứng, cân bằng dinh dưỡng, điện giải, theo dõi thật sát nhất là liên quan đến diễn biến độ bão hoà oxi trong máu, tức là liên quan đến hô hấp,” giáo sư Long cho hay.
Đối với việc điều trị bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Ngay đối với các bệnh viện này, cũng đã dự trữ 3.000 giường bệnh, các bệnh viện tại Hà Nội dự trữ 2.000 giường bệnh. Vì vậy chúng ta chưa cần xây bệnh viện dã chiến, mà sử dụng bệnh viện sẵn có.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, tất cả các trường hợp mắc bệnh này - thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A khi đã công bố dịch trên toàn quốc đều được điều trị miễn phí.
Đặc biệt, ông Long thông báo một tin vui, đó là người bị nhiễm virus corona sau khi chữa khỏi, thời gian miễn dịch có thể kéo dài tới 2 năm.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Long cũng khuyến cáo người dân: "Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể giấu được. Mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng".