Bộ Y tế điều chuyển gấp 15.000 liều vaccine COVID-19 cho 8 tỉnh miền Tây

Số vaccine COVID-19 Bộ Y tế điều chuyển cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ là số cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2.

Ngoài 8 tỉnh miền Tây còn có Lào Cai được điều chuyển gấp vaccine COVID-19. Bộ Y tế điều chuyển 20.000 liều vaccine trong tổng số 43.700 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương.

Cụ thể,  5.000 liều cấp cho tỉnh Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ.

 Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi tỉnh nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.

Bộ Y tế cảnh báo việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 sắp tới.

mang-thit.jpg
Cán bộ y tế Trung tâm y tế huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long lấy vaccine COVID-19 của AstraZenceca phục vụ tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) thực hiện điều chuyển vaccine từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đến Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc và miền Nam, để cung ứng cho các địa phương theo danh sách.

Các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức triển khai tiêm chủng theo quy định. Các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã và đang tiến hành tiêm chủng vaccine cả đợt 1 và đợt 2. 

Theo số liệu thống kê Bộ y tế Việt Nam đã tiêm cho gần 260.000 người, trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine COVID-19 gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất. Sau tiêm, các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm…

Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II,III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.

HẢI MY