Bộ Y tế nêu nguyên nhân gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc trong 18 tháng qua

Áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát... là một số nguyên nhân mà Bộ Y tế nêu.

Tham luận tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo của các địa phương giai đoạn năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Riêng năm 2021 con số này là hơn 5.200, và 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, Thứ trưởng Tuyên cho rằng do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Một nguyên nhân khác là do chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay. Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Đặc biệt, môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng,” ông Tuyên chỉ rõ.

Một số nguyên nhân khác được nêu ra là lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...

Trước tình trạng này Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sỹ... ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế.

Bộ Y tế cũng xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Thanh Mai

3 thành phố của Việt Nam nằm trong top 10 thành phố tốt nhất ở Đông Nam Á

3 thành phố của Việt Nam nằm trong top 10 thành phố tốt nhất ở Đông Nam Á

Trong danh sách, Đà Nẵng xếp vị trí thứ ba, Hà Nội thứ năm và TP.HCM thứ tám.