Tại hội thảo Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch Covid-19, ngày 24/11,Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 nếu buông lỏng cảnh giác.
"Dịch bệnh đã qua giai đoạn đỉnh cao nhưng tình hình dịch nhiều nước trên thế giới hiện vẫn căng thẳng, Việt Nam hoàn toàn không thể lơ là cảnh giác", ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam là đợt đỉnh cao, căng thẳng với nhiều ca nhiễm tăng liên tục, cho đến nay vẫn tiếp tục tăng. Đến nay hơn 911.000 người đã khỏi bệnh nhưng hiện cả nước vẫn còn hơn 5.200 bệnh nhân nặng.
"Các nhà khoa học ghi nhận vẫn có trường hợp tử vong dù đã tiêm vaccine, với các biến chủng như Delta, Lambda... nên không thể chủ quan", ông Khuê nói.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu (cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) nói rằng phải chấp nhận có người nhiễm trong cộng đồng, không thể có "zero Covid".
Đất nước duy nhất đặt mục tiêu "zero Covid" là Trung Quốc cũng đang phải cân nhắc lại vì kinh tế tổn hại quá lớn. Xu hướng chung hiện nay là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.
Theo ông Khuê, nhiệm vụ số một trong giai đoạn hiện nay là thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch. Tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy mạnh, thuốc kháng virus cũng đang được tăng cường. Cần phải sẵn sàng tâm thế ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát.
Ông Khuê nhấn mạnh các cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng "4 tại chỗ", nâng cao năng lực các tuyến, trang bị oxy, máy móc, triển khai điều trị các bệnh thông thường bên cạnh Covid-19. Y bác sĩ phải được tập huấn, thực hành để ứng phó đại dịch.
Thaiholdings muốn bán 35% cổ phần tại Thaihomes