Bóng của mùa đông

Cái giá cuộc chiến được khởi từ mùa xuân sẽ càng thể hiện rõ trên dấu vết khắc khổ của những con người buộc phải chịu đựng hệ quả cuộc chiến ấy.

Mùa đông, bây giờ nói chuyện mùa đông e rằng còn quá sớm. Ắt hẳn nhiều người sẽ chung một suy nghĩ như thế nhưng anh Bèn phải khẳng định rằng ta không đàm đạo chuyện cầm kỳ thi họa lúc này và lấy mùa đông làm đề tài. Ta vẫn đang giữa mùa thu, và khi mùa thu bắt đầu “đi dài năm tháng” với tốc độ của thời đại này, cái bóng của mùa đông dường như đã sầm sập trước cửa rồi.

Nếu ai đang ở châu Âu lúc này, họ hẳn sẽ hiểu cái bóng của mùa đông là gì? Khí lạnh đã về, không cần phải đợi tới mùa đông, nhưng chúng sẽ trở nên khắc nghiệt vô ngần khi mùa đông chiếm lấy sân khấu. Và cái giá của cuộc chiến được khởi đi từ mùa xuân sẽ càng thể hiện rõ rệt hơn trên dấu vết khắc khổ của những con người buộc phải chịu đựng hệ quả của cuộc chiến ấy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mùa đông đã chuẩn bị cất cánh tay lạnh lẽo lên gõ cánh cửa từng căn nhà rồi. Và nếu châu Âu còn thiếu khí đốt chỉ vì cuộc chiến không tìm được lối thoát, rất có thể sẽ là một thảm họa dân sinh thực sự hoặc một cuộc khủng hoảng vật giá sâu sắc đối với một châu Âu lục địa vốn dĩ đã già nua. Chắc chắn, cuộc chiến đó không tìm được lối thoát khi vẫn có ít nhất là vài phía liên quan không bao giờ muốn dừng lại một xung đột mà họ cho là cần thiết.

Thực tế, đã từ lâu rồi, nhiều quốc gia Âu châu đã quá ngán ngẩm với cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Bản thân người dân các nước EU cũng không quá quan tâm nhiều tới điểm nóng đó nữa. Cái gọi là “dư luận quốc tế” thực chất luôn chỉ là một nhóm nhỏ, nhiều khi là rất thiểu số, được trang điểm trên truyền thông bởi những cơ quan thông tấn luôn biết mình phục vụ quyền lợi của một bên nào đó.

Và ngay trong EU thôi, cũng không phải tất cả các chính phủ đều đồng lòng với công cuộc chống lại Nga như thể đó là kẻ thù không thể đội trời chung. Nhưng áp lực từ những chính phủ lớn hơn, hay nói thẳng ra là những cường quốc đang nắm quyền lực lớn nhất trong cuộc chơi thiết lập trật tự toàn cầu đã không cho phép những chính phủ nhỏ hơn lựa chọn một quan điểm riêng rẽ nào quá dị biệt.

Chỉ có chúng ta, những chú cừu, mà nếu nói nặng lời hơn là những chú bò có lỗ mũi quá to do các cọng thừng được xỏ vào đó bởi một số lực lượng dẫn dắt trong xã hội, mới cảm thấy hừng hực khí thế như kiểu cả thế giới ngoài kia cũng đang chung chiến hào với mình.

Chẳng phải đâu, muôn lần không phải. Anh Bèn xin lấy chính danh dự của mình ra để đảm bảo rằng phần đa số ở châu Âu không đứng chung chiến hào với các bạn đâu. Nhưng nói thế rồi anh Bèn giật mình. Biết đâu, chính các bạn sẽ lại chẳng bĩu môi mà buông một câu sát phạt “có danh dự ư mà đòi mang ra đánh cược”.

Cãi nhau kiểu này thì có đến lúc cuộc chiến Nga - Ukraine may sao bỗng tàn canh đi nữa thì cuộc cãi nhau của chúng ta vẫn chưa ngã ngũ. Thế giới chúng ta đang sống, xã hội loài người luôn tồn tại cuộc chọn phe. Ngồi giữa một đám bạn bè trong bàn nhậu thôi, lỡ có tranh luận to mồm một chút, chắc chắn cũng sẽ có suy nghĩ chọn phe tồn tại trong mỗi con người. Chúng ta mãi mãi chỉ là những hình nhân non yếu bất chấp việc có cố thể hiện mình đến mức độ nào.

Bóng của mùa đông

Và giữa đời loạn lạc, lựa chọn thuộc về một cộng đồng nào đó để cảm giác mình được an toàn trong nó vẫn là nhu cầu bất diệt. Chính cái nhu cầu an toàn này mới làm bộc lộ bản chất của con người. Đó chính là hôm nay ta có thể chọn phe này nhưng chỉ một thời gian sau, nếu ở đó không còn an toàn nữa, không còn lợi ích nữa, ta hoàn toàn có thể hiên ngang chọn phe đối lập mà không biết xấu hổ là gì.

Mới đây thôi, tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier đã sát cánh cùng tổng thống Isaac Herzog đã làm lễ 50 năm tưởng niệm nạn nhân của vụ khủng bố Olympic Munich 1972. Năm ấy, khủng bố Palestine đã đột nhập làng VĐV ở Munich, bắt cóc 9 con tin Israel và cuối cùng, không con tin nào sống sót. Tổng thống Đức đã cất lời xin lỗi gia quyến của các nạn nhân và dù cho sự việc đã diễn ra từ nửa thế kỷ trước, ông vẫn cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ về nó.

Những lời ông nói chắc chắn không có gì giả dối và hoàn toàn đúng đắn đối với một nguyên thủ quốc gia. Nhưng có ai tưởng tượng rằng một nguyên thủ quốc gia Đức sẽ nói về những người Do Thái những điều như thế nếu như thế chiến thứ hai không kết thúc theo kịch bản lịch sử là chiến thắng cho phe Đồng minh? Đó là điều anh Bèn nghĩ tới.

Nếu lịch sử được viết khác, Đức và Israel sẽ không thể là đồng minh và bản thân Israel cũng không thể hình thành như một quốc gia. Cái đế chế được xây dựng và dẫn dắt bởi Adolf Hitler không bao giờ chấp nhận ngang hàng với một nhà nước của những người Do Thái cả.

Và bản thân người Israel bây giờ, họ có quên được nỗi đau của những người Đức trong lịch sử đã gây ra cho họ hay không? Chắc chắn là không. Nhưng nay họ là đồng minh vì dễ hiểu, họ chia sẻ chung một mục đích, một nhu cầu mà đôi khi, chỉ là một kẻ thù.

Vừa lúc ấy, bà Liz Truss cũng nhận chức thủ tướng Anh, một cái ghế nóng giãy nảy từ 2015 tới nay với 4 lần thay chủ. Số 10 Downing dường như đang là mảnh đất dữ. Và Liz Truss cũng “dữ” không kém khi chưa lên nhậm chức đã buông một câu xanh rờn “không biết Pháp là bạn hay là thù”. Đó là lời lẽ sắt đá, rất đầm thép nhưng xem ra kém trí khôn của bà đầm thép Thatcher ngày nào cả trăm lần. Một người từng nắm ghế ngoại trưởng thì không thể buông lời như vậy.

À mà thôi, có khi bà Truss cũng không biết thật bởi chính bà từng thản nhiên phản pháo lại ngoại trưởng Lavrov của Nga rằng “Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các đòi hỏi vô lý của Nga” sau khi Lavrov hỏi “các vị có thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Rostov Voronezh hay không?”.

Vâng, Rostov Voronezh là cương thổ của Nga. Lavrov cố tình chơi lỡm Truss vố ấy và thậm chí còn gọi bà thân mật là “Lisa”, một cách gọi cũng không ngoại giao chút nào. Chuyện xảy ra đã từ năm ngoái nhưng nó cho thấy tính thù địch giữa chính phủ Anh với Nga đến mức độ nào. Và với thù địch như thế, chắc chắn Anh và Mỹ sẽ kiên quyết để Zelensky đánh Nga tới giọt máu Ukraine cuối cùng.

Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss.
Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss.

Trước khi Truss leo lên ghế bà chủ số 10 Downing, chiếc ghế không nhiều người tin là vừa vặn với nữ nhân 47 tuổi ấy, có một nữ nhân khác lại phải từ giã cõi đời này trên một chiếc ghế cũng không dành cho mình. Đó chính là Darya Dugina, một nhà báo, một học giả trẻ chưa bước vào tuổi 30.

Là con gái của Alexander Dugin, một trong những học giả hàng đầu của Nga, cô cũng là một nhà hoạt động chính trị khá sắc bén với học thuyết chủ nghĩa quốc gia mà cha mình theo đuổi. Alexdander Dugin được xem là một trong số ít những người tạo nên diện mạo mới cho chủ thuyết “Thế giới Nga” (Russkiy Mir) hiện đại.

Rời một Festival và trở về Moscow trên chiếc xe hơi của cha mình vì ông đi xe khác, Dugina từ giã cõi đời ngay trước mắt cha mình khi chiếc xe bị đặt bom dưới ghế lái nổ tung trên cao tốc. Cú đánh bom ấy được cho rằng nhắm vào Dugin nhưng Dugina lại lĩnh hậu quả thay cho cha mình.

Giết một nhà tư tưởng không đồng nghĩa với việc tiêu diệt được một tư tưởng. Hitler, Goebbels đã chết từ gần 80 năm trước nhưng những tư tưởng của họ, dù bị cấm đoán nặng nề ở nhiều nơi, vẫn cứ manh mún đó thôi. Thậm chí, có những nơi, chúng còn sống dậy mạnh mẽ và được cả chính những kẻ thù của chủ nghĩa quốc xã cũ chọn làm đồng minh, đơn cử như các đảng phái Pravyi Sektor, Tryzub… Vậy mà lạ thay, những chính trị gia “kiều diễm” lại vẫn đăng đàn diễn đến thuần thục vai diễn kêu gọi con dân của mình chống lại những “tư tưởng”, thứ vốn dĩ không thể bị tiêu diệt bao giờ.

Và trong lúc ấy, cái bóng của mùa đông ngày càng gần. Châu Âu thật ra tiêu thụ khí đốt nhiều nhất cho sản xuất công nghiệp chứ không phải sưởi ấm dân sinh thông thường. Nhưng một khi đời sống của đa số dân thường bị đe dọa bởi cái lạnh, chắc chắn hậu quả xã hội của nó lớn hơn hậu quả của đình trệ sản xuất rất nhiều.

Cái bóng ấy của mùa đông được tạo nên bởi ai? Người Nga, với quyền năng đóng mở van khí đốt hay người Ukraine, với khát vọng thoát ly Thế giới Nga? Hai lựa chọn trên chẳng bao giờ là đủ, khi vẫn còn những kẻ khác, đứng đó vẫy tay, tuyên thệ, và cuối cùng, chẳng hiểu là họ làm được gì. Thậm chí, khi họ chết đi, chưa chắc họ đã để lại nổi một thứ gì gọi là tư tưởng.

Anh Bèn

‘Cuộc chiến’ giành nguồn cung khí đốt mang đến rủi ro cho châu Á vào mùa đông

‘Cuộc chiến’ giành nguồn cung khí đốt mang đến rủi ro cho châu Á vào mùa đông

Câu hỏi về việc liệu thế giới có đủ khí đốt lớn khi Bắc bán cầu phải đối mặt với mùa đông đầu tiên kể từ khi xung đột giữa Nga-Ukraina gây ra biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu.