Các nhà máy Việt Nam khó khăn trong việc phục hồi sản xuất, Mỹ lo thiếu hụt nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm

Liệu rằng những đôi giày Air Jordans và quần tập yoga xuất hiện dưới cây thông Noel mỗi dịp lễ Giáng Sinh ở Mỹ và châu Âu lại có thể bị phụ thuộc vào những công nhân dây chuyền lắp ráp Việt Nam như chị Lê Thị Mỹ hay không.

Chị Lê Thị Mỹ là một trong số nhiều công nhân đã về quê từ các khu công nghiệp ở TP.HCM, hiện là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất của cả nước, sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.

Sau khi rời TP.HCM và về đến nhà ở tỉnh Tây Ninh dọc biên giới Campuchia, Mỹ cho biết: “Chúng tôi gần như chẳng còn lại gì ngoài nỗi sợ hãi”, "Chúng tôi đã thấy nhiều người chết vì COVID-19 trong khu phố của chúng tôi".

Các nhà máy như Nike Inc phải giảm công suất hoặc đóng cửa hàng tháng trời khiến các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rối ren càng thêm trầm trọng.

covid-19-tphcm-01.jpeg
Công nhân được kiểm tra sức khỏe trước khi làm việc buổi sáng tại một nhà máy may mặc mới mở lại ở TP.HCM, vào ngày 7/10. Ảnh: Bloomberg

Lúc này, các doanh nghiệp đang mong mỏi những công nhân như chị Mỹ quay trở lại làm việc, bởi đây sẽ là cao điểm sản xuất quần áo mùa đông và quà tặng Giáng sinh. Chính phủ đang cung ứng dịch vụ vận chuyển trở lại và các công ty đang tăng lương và phúc lợi, nhưng hiệu quả chưa đáp ứng mong đợi.

“Đây là hoàn cảnh không ai đoán trước được”, Camilo Lyon, một nhà phân tích của BTIG cho biết. Cô đã ước tính chỉ tính riêng sản lượng của Nike đã bị giảm đến 180 triệu đôi giày. “Không ai có thể đoán được tốc độ phát triển của quá trình sản xuất sẽ diễn ra nhanh hay chậm", Camilo Lyon nói.

Tuy quy mô còn nhỏ nhưng Việt Nam đóng một vai trò rất lớn trong nền kinh tế tiêu dùng toàn cầu, cung cấp mọi thứ từ đồ nội thất của Walmart, giày thể thao Adidas cho đến điện thoại thông minh của Samsung Electronics.

Theo Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ thì sau Trung Quốc, Việt Nam chính là nhà cung ứng quần áo và giày dép lớn thứ hai cho Hoa Kỳ. Tầm quan trọng của Việt Nam còn tăng cao hơn khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra.



Tại thời điểm này, có rất ít những thương hiệu như Nike, khi mà gần đây họ đã cắt giảm phần lớn doanh số dự kiến do thiếu hụt hàng hóa mà Việt Nam có thể làm được. Nhà máy ở các nước khác hiện đang quá tải các đơn đặt hàng, và phải mất đến hàng tháng để đào tạo công nhân và di chuyển máy móc.

Theo Lyon thì việc ngưng trệ sản xuất sẽ đặc biệt dễ dàng thấy rõ tại các nhà bán lẻ vào tháng 12 và kéo dài sang quý đầu năm sau. Vị này cũng dự đoán rằng sản lượng từ Việt Nam sẽ không bình ổn trở lại cho đến giữa năm 2022. Ảnh hưởng toàn diện của biến động này vẫn chưa được định giá vào cổ phiếu của các công ty may mặc và giày dép có thị phần lớn ở Việt Nam, Lyon cho biết.

“Những thách thức này không có nghĩa là mọi chuyện đã kết thúc”, Lyon nói.

Việc nhà máy ngừng hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty công nghệ như Apple, có thể khiến việc giao iPhone 13 bị gián đoạn do các nhà cung ứng linh kiện bị đóng cửa. Một đơn vị thuộc Samsung Electronics chuyên sản xuất đồ điện gia dụng tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu nếu có thể nhanh chóng được trở lại hoạt động bình thường.

Việt Nam đã kiểm soát thành công COVID-19 vào năm ngoái, nhưng biến thể delta đã tấn công mạnh mẽ vào mùa xuân, mang đến những thực tế khắc nghiệt của loại virus này mà hầu hết các nước trên thế giới đã trải qua một năm trước đó. Số ca mắc và tử vong tăng đột biến, trong đó có hơn 15.000 ca được ghi nhận ở TP.HCM trong mùa hè.

covid-19-tphcm-02.jpeg
Các hàng rào chắn một con phố tại nhà ở TP.HCM, vào tháng 8/2021. Hiện, đã được dỡ bỏ. Ảnh: Bloomberg

Điều đó đã khiến chính phủ phải áp đặt các lệnh giãn cách nghiêm ngặt, chẳng hạn như cấm mua sắm thực phẩm và thực hiện lệnh giới nghiêm. Các nhà máy được hướng dẫn thiết lập chỗ ở tại chỗ cho công nhân - về cơ bản buộc những nhân viên muốn làm việc phải sống tại cơ quan - hoặc đóng cửa tạm thời.

Điều này khiến nhiều công nhân vẫn không có tiền lương trong nhiều tháng, cạn kiệt tiền tích lũy và phụ thuộc vào các gói cứu trợ thực phẩm của chính phủ do quân đội chuyển đến.

Ông Vũ Tú Thanh, Trưởng đại diện Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho biết trải nghiệm này đã khiến nhiều lao động nhập cư bị tổn thương.

Thay vì cách ly trong những khu nhà trọ tạm bợ, hoặc ở lại địa phương mà không có lương thì nhiều công nhân đã lựa chọn trở về quê. Việc dỡ bỏ một số hạn chế ở TP.HCM và các tỉnh lân cận vào đầu tháng này chỉ tiếp thêm động lực cho những người còn lại rời đi.

Thêm một nỗi lo nữa là Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Chỉ khoảng 14% trong số 98 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Điều này khiến Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ đã vận động chính quyền Biden tài trợ nhiều vaccine hơn cho Việt Nam.

covid-19-tphcm-03.jpeg
Công nhân mua đồ ăn trước khi bắt đầu làm việc buổi sáng tại một nhà máy may ở TP.HCM, vào ngày 7/10. Ảnh: Bloomberg

Chị Trần Thị Hoa, 31 tuổi, là bà mẹ hai con, cho đến nay vẫn chưa có dự định quay trở lại công việc của mình ở TP.HCM, nơi cô có thể kiếm được khoảng 350 USD một tháng với nghề may quần áo.

“Tôi không thể đưa gia đình trở lại thành phố ngay lúc này, bởi vì nó vẫn còn quá nhiều rủi ro”, Hoa nói từ Vĩnh Long, một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cô hiện đang sống với con và chồng là một tài xế xe ôm hiện đang thất nghiệp.

“Là người phụ nữ của gia đình, tôi phải nghĩ cho gia đình mình trước tiên”, chị Hoa nói.

Với việc các hạn chế được nới lỏng vào đầu tháng thì sản lượng tại một số nhà máy đang tăng lên. Theo tờ Zing News, Pouyuen Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Pou Chen Đài Loan, nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, đã tiếp tục sản xuất vào ngày 6/10 với lượng công nhân không quá 30%. Hiện hơn 40.000 công nhân vẫn chưa trở lại, và công ty có thể sẽ không đạt được mục tiêu hoạt động hết công suất vào giữa tháng 11.

covid.jpg
Các nhà máy tại TP.HCM hiện đang trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình có thể đang được cải thiện. Các khu công nghiệp và khu chế xuất ở TP.HCM báo cáo rằng khoảng 57% công nhân đã trở lại tính đến ngày 6/10, tăng từ 24% trước khi nới lỏng các lệnh hạn chế, theo trung tâm truyền thông của thành phố.

Mặc dù đại dịch đang bắt đầu giảm bớt - số ca mắc mới hàng ngày trong tháng này đã giảm trung bình khoảng từ 10.800 xuống còn 5.000 ca trong tháng 9 – Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của mình. Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào cuối tháng 3/2022.

Hiện tại, ngay cả với lời đề nghị bao ăn tại nơi làm việc và tăng lương cũng không đủ để lôi kéo Hoa trở lại làm việc. “Tôi cảm thấy tiếc nếu ai đó ở Mỹ không thể mua cho chồng hoặc con cô ấy một bộ quần áo mới trong dịp lễ Giáng sinh”, Hoa nói. "Nhưng tôi cũng không thể rời bỏ gia đình mình", Hoa buồn bã nói.

(Nguồn: Bloomberg)

GIA HUY