Cách ly Bệnh viện Đà Nẵng trong 2 tuần, xét nghiệm 2.200 nhân viên y tế

Thời gian cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng là 14 ngày, bắt đầu từ 13h chiều 26/7 đến 13h chiều 9/8 và có thể gia hạn thêm.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ người bệnh, người nhà người bệnh của Bệnh viện Đà Nẵng, theo LĐO.

Cách ly 14 ngày Bệnh viện Đà Nẵng, xét nghiệm 2.200 nhân viên y tế. Ảnh: LĐO.
Cách ly 14 ngày Bệnh viện Đà Nẵng, xét nghiệm 2.200 nhân viên y tế. Ảnh: LĐO.

Cụ thể, thời gian cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng là 14 ngày, bắt đầu từ 13h chiều 26/7 đến 13h chiều 9/8 và có thể gia hạn thêm.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng nghiêm túc triển khai thực hiện việc cách ly tại cơ sở y tế theo quy định Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19”.

Song song với đó, Sở Y tế phải chủ trì, phối hợp với Sở Công thương đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly; phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố phân bổ hợp lý bệnh nhân có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện Đà Nẵng sang cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn.

Trưa 26/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết đang thực hiện xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Được biết, CDC Đà Nẵng đã được Bộ Y tế cho phép triển khai phương pháp xét nghiệm kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây của bệnh nhân 416 gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế đã hỗ trợ Đà Nẵng thêm phương pháp xét nghiệm mới.

CDC Đà Nẵng cho biết đây là bộ test thử mới do Việt Nam sản xuất, được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa.

Lực lượng công an hướng dẫn người dân không ra vào Bệnh viện Đà Nẵng trước giờ cách ly toàn bộ bệnh viện. Ảnh: NLĐO.
Lực lượng công an hướng dẫn người dân không ra vào Bệnh viện Đà Nẵng trước giờ cách ly toàn bộ bệnh viện. Ảnh: NLĐO.

Xét nghiệm kháng thể nói dễ hiểu là đánh giá người được xét nghiệm đã từng mắc bệnh hay chưa. Cách làm này giúp Đà Nẵng để có thể xác định được nguồn lây nhiễm sớm, từ đó có biện pháp kịp thời.

Sau khi xét nghiệm cho khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418.

Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân 416 và 418.

Tính đến sáng 26/7, Đà Nẵng ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 gồm bệnh nhân 416 và bệnh nhân 418. Bệnh viện Đà Nẵng là nơi cả 2 bệnh nhân này cùng lui tới trước khi phát bệnh, theo NLĐO.

Cụ thể, từ ngày 7 đến 17/7, bệnh nhân 416 (tên T.V.D, SN 1963, ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có chăm mẹ ốm tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn và Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 20/7, bệnh nhân bắt đầu sốt, sau đó đi khám ở Bệnh viện C Đà Nẵng và chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 25/7, Bộ Y tế công bố người này chính thức nhiễm COVID-19 sau 5 lần xét nghiệm dương tính với COVID-19. Hiện bệnh nhân 416 đang được điều trị tại khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng. 

Bệnh nhân 418 (tên N.V.V, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có đến chăm bố ốm tại Khoa hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đà Nẵng từ 5/7. Ngày 11/7, bệnh nhân sốt, mệt mỏi và đi khám tư. Ngày 18/7, bệnh nhân khám ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu sau đó tự đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng và được chuyển đến khoa Nội hô hấp. Ngày 23/7, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và hiện đang nằm điều trị ở khoa này.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương