Cần làm gì khi con sốt?

Sốt thường xảy ra trong một thời gian ngắn, vài ngày, và bảo vệ trẻ bằng cách thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch chống lại bệnh mà trẻ đang có.

Sốt ở trẻ em là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm người chăm sóc trẻ đưa trẻ đến khám, và là một nguyên nhân thường xuyên gây lo lắng cho ba mẹ trẻ. Nhiều ba mẹ rất bị ám ảnh bởi sốt của con. Chuyện nhận được một tờ sớ ghi nhận thời gian sốt, sốt bao nhiêu độ, có khi mỗi giờ, từ ba mẹ trẻ, không là một chuyện hiếm gặp.

Sốt ở trẻ là thường gây lo lắng cho nhiều cha mẹ trẻ
Sốt ở trẻ là thường gây lo lắng cho nhiều cha mẹ trẻ

Nhiều thân nhân cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi trẻ chỉ mới sốt nhẹ, với mong muốn kiểm soát được sốt, hoặc đánh thức trẻ khi trẻ đang ngủ chỉ để hạ sốt. Rất nhiều ba mẹ mong muốn kiểm soát sốt tốt nhằm kiểm soát được bệnh (hết sốt = hết bệnh), và rất lo lắng khi thấy trẻ không hạ sốt khi đã uống thuốc hạ sốt (Vậy là bệnh nặng lắm phải không bác sĩ?). Một số đông ba mẹ còn có lo lắng, là sốt cao có thể làm tổn thương não của trẻ, và nguy cơ sốt cao co giật. Không hiếm gặp nữa là những trường hợp ba mẹ ông bà xúm nhau lau mát nhằm hạ sốt tích cực cho con trẻ.

Tóm lại là, sốt ở trẻ em gây ra rất nhiều lo lắng, phiền toái, và mất rất nhiều thời gian, công sức của nhiều gia đình. Bài viết này nhằm cung cấp một số thông tin chuyên môn khách quan để các bạn tham khảo, hy vọng giúp các bạn có một cái nhìn khác về sốt, và hy vọng có thể thay đổi cách tiếp cận sốt ở trẻ để ba mẹ, ông bà và cả các y bác sĩ đều được “dễ thở” hơn. Những thông tin này được lấy từ Hướng dẫn về sốt của Hội Đồng Nhi Khoa Mỹ, Bệnh viện Hoàng Gia Nhi - Melbourne, Úc, và Hội Y Khoa Nam Phi.

TRƯỚC KHI QUÁ LO LẮNG VỀ SỐT, CHÚNG TA HÃY TÌM HIỂU XEM SỐT LÀ GÌ?

Nghiên cứu cho thấy, sốt (định nghĩa là nhiệt độ cơ thể > 38 độ C) là một ĐÁP ỨNG SINH LÝ BÌNH THƯỜNG của cơ thể đối với bệnh, nhằm hỗ trợ chống lại bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh. Đa số sốt thường xảy ra trong một thời gian ngắn, vài ngày, và bảo vệ trẻ bằng cách thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch chống lại bệnh mà trẻ đang có. Một số nghiên cứu còn cho thấy, sốt còn giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn ở những đợt nhiễm siêu vi (so với những trẻ được hạ sốt tích cực). Vậy thì, sốt không phải là bệnh, mà sốt là một phản ứng TỐT của cơ thể đối với bệnh.

Cần làm gì khi con sốt?

MỨC ĐỘ SỐT, TẦN SỐ SỐT, SỰ ĐÁP ỨNG VỚI THUỐC HẠ SỐT CÓ NGHĨA GÌ?

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, mức độ sốt cao hay vừa, sốt nhanh hay chậm, thường xuyên hay không trong ngày, cũng như tính đáp ứng với thuốc hạ sốt không dự đoán được tốt mức độ nặng và diễn tiến của bệnh. Có nghĩa là, việc bạn hạ sốt tốt cho con bạn hay không KHÔNG LÀM THAY ĐỔI được tính chất của bệnh nền, và tờ sớ sốt sẽ không có nhiều giá trị cho quyết định chuẩn đoán, điều trị cũng như tiên lượng bệnh về sau.

VẬY CHÚNG TA CÓ NÊN HẠ SỐT HAY KHÔNG? MỤC TIÊU CHÚNG TA HẠ SỐT LÀ ĐỂ LÀM GÌ?

Hạ sốt có thể có ích trong việc giảm nguy cơ mất nước ở trẻ, điều này thường có ý nghĩa chỉ ở những trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi), có trọng lượng cơ thể thấp và bề mặt da tiếp xúc cao, và không có nhiều ý nghĩa cho trẻ lớn. Tuy nhiên, nguy cơ của giảm sốt là có thể kéo dài thời gian tìm ra bệnh nền (có thể do an tâm của ba mẹ khi chỉ tập trung vào sốt), vì vậy gây chậm trễ trong điều trị bệnh (ở những bệnh có thể điều trị), và mang theo nguy cơ tiềm năng ngộ độc thuốc hạ sốt nếu quá liều (sẽ bàn ở phần sau).

Việc hạ sốt có gây giảm khó chịu cho trẻ hay không, còn có nhiều bàn cãi, vì những triệu chứng đau đầu, khó chịu, nhức mỏi cơ khớp vẫn có thể do bệnh nền gây ra. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, thuốc hạ sốt có hai chức năng: một là hạ sốt, hai là giảm đau, vì vậy trẻ sẽ có được hai lợi ích này.

Một lo lắng rất lớn ở nhiều gia đình là sốt cao gây co giật, và hạ sốt để tránh sốt cao co giật. Nhưng nghiên cứu lại chứng minh không có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả của việc giảm sốt trong việc giảm nguy cơ và tần suất sốt cao co giật. Điều này quan trọng cần ghi nhớ.

Khuyến cáo chung hiện nay là chúng ta tiếp cận “bệnh gây sốt” không phải với mục tiêu hạ sốt là chính nữa (vì sốt chỉ là triệu chứng của bệnh, không phải là bệnh đâu mà trị), mà với mục tiêu chính là giúp cho trẻ thoải mái hơn, giảm đau, giảm khó chịu nếu trẻ có triệu chứng này (bằng thuốc “hạ sốt”), và tránh mất nước (bằng cách cho trẻ uống nước thường xuyên, hoặc đối với trẻ nhũ nhi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức (nếu đang sử dụng) một cách thường xuyên). Đa số các bác sĩ lâm sàng đồng ý bắt đầu khuyến cáo dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trẻ ≥ 38,5 độ C và trẻ có triệu chứng đau, quấy, mệt mỏi.

Đồng thời khuyến cáo hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển sự tập trung vào sốt qua những triệu chứng “nguy hiểm” khác, có giá trị hơn và giúp ích được cho việc thăm khám và điều trị hơn: trẻ có lừ đừ hay tỉnh táo, ói nhiều hay không, thở nhanh hay không, .v.v…

PHƯƠNG PHÁP HẠ SỐT NÀO LÀ TỐT NHẤT?

Cần làm gì khi con sốt?

Với sự thay đổi tập trung vào sự thoải mái của trẻ, và những dấu hiệu nặng của bệnh như trên, câu hỏi này không còn quan trọng mấy. Tuy nhiên cũng nên được nói đến một chút để chúng ta hiểu thêm.

Khi so sánh Acetaminophen (paracetamol) và Ibuprofen, người ta thấy hai thuốc này có hiệu quả như nhau trong việc hạ sốt và giảm đau, giảm khó chịu cho trẻ. Vì vậy khuyến cáo ở hai thuốc này là như nhau, mỗi thuốc đều có những tác dụng phụ riêng cần lưu ý – xin không dài dòng về phần này. Điều chính yếu là tránh cho thuốc không đúng chỉ định hoặc quá liều gây tác dụng phụ hoặc ngộ độc không mong muốn. Liều khuyến cáo an toàn là: Acetaminophen 10 -15mg/kg/lần – mỗi 4-6 tiếng một lần (thường khuyến cáo không quá 5 lần/ ngày), và Ibuprofen 10mg/kg/lần – tối đa 4 lần/ ngày.

Kết hợp Acetaminophen và Ibuprofen xen kẽ cho thấy có thể có tác dụng giảm sốt tốt hơn một ít so với việc dùng hai thuốc này riêng lẻ, nhưng lại có nguy cơ dùng thuốc quá liều nhiều hơn, nên không được khuyến khích.

Việc lau mát hạ sốt hiện nay không còn được khuyến cáo sử dụng. Vì lau mát hạ sốt chỉ có tác dụng đơn thuần là hạ sốt, chứ không có tác dụng làm trẻ thoải mái hơn như hai thuốc trên, mà còn có thể làm cho trẻ và người nhà mệt mỏi, căng thẳng hơn.

VẬY TRẺ SỐT CÓ NÊN ĐI KHÁM BÁC SĨ HAY KHÔNG?

Câu trả lời là rất nên. Trẻ nhỏ dưới 3 tháng bị sốt nên được đặc biệt quan tâm và đi khám khi bị sốt, vì dân số này có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn, và diễn tiến bệnh có thể nhanh hơn và nhiều biến chứng hơn.

Trẻ lớn hơn, bị sốt hơn 38 độ C, cũng nên được thăm khám để đánh giá khả năng nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng để xác định theo dõi, và điều trị hợp lý, kịp thời, đồng thời cũng nên được theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian bệnh, để được thăm khám và can thiệp đúng lúc.

(Trích từ cuốn “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng” - NXB Trẻ tái bản lần thứ 16, quý II năm 2019).

TÓM LẠI

Sốt là một phản ứng tốt của cơ thể để bảo vệ trẻ, chống lại nhiễm trùng.

Sốt giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh.

Sốt không gây tổn thương não, không tăng nguy cơ sốt cao co giật.

Tính chất của sốt không giúp tiên lượng mức độ nặng nhẹ cũng như diễn tiến của bệnh.

Không nên tập trung vào hạ sốt, mà nên làm cho trẻ dễ chịu, và theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh.

Hạ sốt không làm giảm nguy cơ hay tần suất sốt cao co giật ở trẻ.

Sử dụng hạ sốt khi trẻ có nhiệt độ từ 38,5 độ C và có triệu chứng đau, mệt mỏi, khó chịu.

Paracetamol hay Ibuprofen đều có tác dụng tương đương trong hiệu quả giảm sốt và giảm đau.

Lau mát hạ sốt không còn được khuyến cáo sử dụng do không có hiệu quả mong muốn. 

BS. Trần Thị Huyên Thảo.

'Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!'

"Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!"

Người ta nói “làm mẹ là bản năng”, nhưng chẳng ai lần đầu làm mẹ đã biết cho con bú đúng cách, biết xử lý khi con sặc sữa, nôn trớ...