Cao điểm dịch corona: Cẩn thận với thói quen hôn hít trẻ

Rất nhiều người Việt có thói quen cưng nựng trẻ nhỏ khi mới gặp mặt bằng cách hôn hít trẻ. Thế nhưng đây lại là nguy cơ lây nhiều bệnh đường hô hấp.

Trẻ được sinh ra với hệ thống miễn dịch yếu, hệ thống này sẽ mạnh dần khi trẻ lớn lên và khi được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Trong những giai đoạn đầu đời, các bé không thể tự mình đề kháng với các loại virus, vi khuẩn. Việc hạn chế hôn trẻ nên được thực hiện đặc biệt là đối với người lớn, vì chúng ta sẽ không biết miệng của chúng ta có chứa những vi khuẩn, virus gì.

Thói quen hôn trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh cho trẻ nhỏ. Ảnh: baomoi.com
Thói quen hôn trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh cho trẻ nhỏ. Ảnh: baomoi.com

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, xét về mặt lý thuyết, tất cả những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp như vi khuẩn lao, não mô cầu, ... hoặc virus như cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp (RSV), quai bị..., thường lây truyền qua những giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp và cũng có thể lây qua nụ hôn.

Nguy cơ lây nhiễm cúm và các bệnh đường hô hấp

Bệnh cúm là bệnh lây truyền do virus, trong đó có nhiều chủng virus gây bệnh cúm như: cúm A/H5N1, cúm B,C,…

Virus cúm lây lan từ người sang người thông qua dịch tiết đường hô hấp khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, hôn nhau. Virus cúm lây lan với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường đông người. Triệu chứng thường gặp là đau cơ, nhức đầu, đau họng, sốt cao, chảy nước mũi,... Những biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm là: viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai - mũi - họng... có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Từ tháng 12/2019 cho tới nay, tình hình dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới bùng phát và lân nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, khiến hàng nghìn người tử vong. Đây là dịch bệnh được xác định là lây truyền từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với những giọt nhỏ mang virus khi người bệnh ho, hắt hơi… Đây là căn bệnh mới chưa có thuộc điều trị đặc hiệu, chưa có văc xin phòng ngừa, và việc phục hồi phụ thuộc hoàn toàn vào hệ miễn dịch của người bệnh. 
Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên có những hành động thân mật như ôm hôn, bắt tay, tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh ở khoảnh cách dưới 1m. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus corona, các bậc cha mẹ nên thận trọng hơn trong khi chăm sóc trẻ để tránh nhiễm bệnh. Ảnh: tinmoi.vn
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus corona, các bậc cha mẹ nên thận trọng hơn trong khi chăm sóc trẻ để tránh nhiễm bệnh. Ảnh: tinmoi.vn

Tính đến ngày 11/2, tại Việt Nam đã ghi nhận 15 trường hợp dương tính với virus corona. Trong đó trường hợp mới nhất và trường hơp nhỏ tuổi nhất nhiễm bệnh là cháu bé N. G. L 3 tháng tuổi (Vĩnh Phúc) nghi nhiễm virus từ bà ngoại bé. Hiện em bé và mẹ bé đang được cách ly và được các bác sỹ hỗ trợ điều trị.

Đó là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ cần lưu ý hơn khi chăm sóc trẻ trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nguy cơ nhiễm nấm má khi thơm má trẻ

Nấm má là một trong những căn bệnh phổ biến dễ lây qua nụ hôn. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những nốt sùi trên vùng má, mặt. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc da - da, chạm vào phần cơ thể (môi, má) đang có tổn thương do nấm. Tuy bệnh không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đôi khi khiến trẻ khó chịu.

Nguy cơ mắc bệnh quai bị

Quai bị là bệnh do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu lây lan qua đường hô hấp dẫn đến sự truyền nhiễm bệnh cho người khác và dễ trở thành dịch. Virus gây bệnh có thể lây trực tiếp bằng đường hô hấp như hắt hơi, ăn chung chén, đũa và hôn nhau.

Nếu không chữa trị kịp thời quai bị có thể gây ra một số biến chứng như viêm tinh hoàn... Ảnh: hongngochospital.vn
Nếu không chữa trị kịp thời quai bị có thể gây ra một số biến chứng như viêm tinh hoàn... Ảnh: hongngochospital.vn

Dấu hiệu đầu tiên của quai bị là sưng tuyến nước bọt quanh tai do bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực này. Bên cạnh đó, bệnh nhân quai bị có thể sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi và chán ăn.

Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng nếu bệnh quai bị không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng như: tổn thương hệ thần kinh, viêm buồng trứng ở bé gái, viêm tinh hoàn ở trẻ em nam, gây ra nguy cơ vô sinh hiếm muộn sau này...

Viêm màng não do virus

"Việc hôn trẻ không chỉ là nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, tay chân miệng... mà có thể lây viêm màng não. Bệnh viêm não, viêm màng não do virus Herpes gây ra. Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ lên não, gây viêm não” - PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã nhiều lần cảnh báo về thói quen hôn hít trẻ của người Việt.

Trẻ bị nhiễm virus Herpes gây ra những mụn nước quanh miệng. Ảnh: afamily.vn
Trẻ bị nhiễm virus Herpes gây ra những mụn nước quanh miệng. Ảnh: afamily.vn

Ngoài ra, còn có một số loại virut khác gây viêm màng não như: enterovirus, coxsakieviruses và echoviruses…, Triệu chứng của viêm màng não do virut có thể xuất hiện nhanh chóng hoặc cũng có thể sau vài ngày, thường là sau khi bị cảm lạnh hoặc là chảy mũi, tiêu chảy, nôn ói hoặc những dấu hiệu khác của lây nhiễm biểu hiện ra. Triệu chứng thường gặp là: sốt cao, đau đầu nhiều, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi, buồn nôn, không muốn ăn uống... Nếu thấy một trong số những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay bởi vì bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Khiến trẻ mất phản ứng tự vệ, dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Ngoài ra, theo các chuyên gia tâm lý chuyên về tâm lý học trẻ em cho rằng: “Những hành động: ôm, hôn, vuốt má, sờ soạng… lâu dần có thể khiến trẻ mất đi phản ứng tự vệ với người lạ vì cho rằng đó cũng là hành động yêu thương và dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Hầu hết,thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em hiện nay chính là người quen và bắt nguồn từ những cái ôm, cái hôn, vuốt má”.

Dẫu biết rằng việc hôn trẻ hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương, nhưng chúng ta sẽ không mong vì cách thể hiện đó mà gây nguy hại cho con trẻ. Chính vì vậy, thay vì hôn chúng ta có thể nắm tay, tất nhiên sau khi đã rửa tay thật sạch trước khi chạm vào các bé hoặc những cách khác an toàn hơn. 

Minh Khang (t/h)

Khu vui chơi trẻ em đìu hiu vì sợ dịch corona

Khu vui chơi trẻ em đìu hiu vì sợ dịch corona

Ghi nhận tại khu vui chơi mua sắm, những ngày dịch corona bùng phát vắng vẻ người.