Cảm cúm
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh cảm cúm cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý:
Giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ cho trẻ, thực hiện uống nước ấm và không cho ăn đồ lạnh
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là những người bị cúm
Bổ sung những thực phẩm giàu protein, vitamin C từ hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước;
Không quên tiêm phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi vào mỗi năm.
Bệnh đường hô hấp
Đây là bệnh lý phổ biến không chỉ ở trẻ mà thường gặp ở tất cả các lứa tuổi. Một số bệnh lý về đường hô hấp thường gặp như: viêm mũi, viêm VA, viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản...
Những triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong hoặc có mủ, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp viêm phế quản nặng nặng trẻ có thể tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở...
Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi...); có yếu tố nguy cơ trên nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.
Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay).
Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA cần được điều trị kịp thời, nếu thấy tiến triển nặng cần đưa đi bác sỹ.
Trẻ bị cước tay hoặc chân
Mùa đông là thời điểm mà trẻ em và người lớn cũng dễ mắc chứng cước tay chân. Nó gây ra những bất tiện và những khó chịu cho mọi người.
Để phòng tránh được bệnh, cha mẹ cần giữ ấm tay chân cho trẻ, rửa ráy hoặc ngâm chân cho trẻ bằng nước ấm để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Khô da, gây nứt nẻ
Vào mùa đông, do thói quen tắm bằng nước ấm cũng như lượng nước được nạp vào cơ thể ít hơn các mùa còn lại, cho nên da rất dễ bị khô, thiếu độ ẩm. Với làn da nhạy cảm của trẻ, tình trạng này khá phổ biến.
Một trong những việc làm tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này đó là thoa kem dưỡng ẩm cho da, hoặc các loại kem chống nứt nẻ da cho bé, chú ý thoa vào các vùng da như mu bàn tay, chân, hai má...
Nên bôi kem sau khi tắm hoặc trước khi đi ngủ.
Khi tắm bạn nhớ không nên sử dụng nước quá nóng để hạn chế nguy cơ kích ứng và ngứa da, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu.
6 dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu chất dinh dưỡng ở trẻ em
Cáu kỉnh thất thường, thường xuyên mệt mỏi hay tiêu chảy,... được xem là những dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu chất dinh dưỡng ở trẻ em.