Nga ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận hơn 10.000 ca mắc COVID-19
Trên kênh Telegram, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong vòng 24 giờ qua tính đến trưa 5/5, nước này đã ghi nhận thêm 10.102 ca nhiễm COVID-19 tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên thành 155.370 người. Có 49,1% trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận không có biểu hiện lâm sàng.
Trong một ngày qua, cũng có thêm 95 ca tử vong mới, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên thành 1.451 người. Trong khi đó, có 1.770 ca đã khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên thành 19.865 người.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất tính trong 1 ngày với 5.714 người, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại Moskva lên 80.115. Thủ đô nước Nga ghi nhận thêm 52 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 816 ca, và 297 người khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 7.870 trường hợp.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maxim Stepanov cho biết trong 24 giờ qua tại Ukraine đã ghi nhận 366 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh COVID-19 lên thành 12.697 người. Trong số này, có 881 trẻ em và 2.479 nhân viên y tế.
Ông Stepanov cũng cho biết tổng cộng đã có 316 ca tử vong do COVID-19 và 1.875 bệnh nhân đã hồi phục. Như vậy số người nhiễm mới tại Ukraine đã giảm đáng kể so với những ngày trước.
Hơn 4 triệu người Italy trở lại làm việc
Người dân Italy đã được phép trở lại làm việc bắt đầu từ thứ Hai khi nước này thực hiện những bước đầu tiên để dỡ bỏ lệnh phng tỏa, Associated Press đưa tin.
Hoạt động xây dựng và sản xuất được mở lại trong khi các doanh nghiệp bán lẻ vẫn sẽ phải chờ thêm một vài ngày nữa. Các quán bar và nhà hàng đang mở cửa, tuy nhiên chỉ dành cho các dịch vụ mang đi. Đặc biệt, sau gần 9 tuần thực hiện một trong những lệnh phong toả khắc nghiệt nhất châu Âu, người dân Italia có quyền đến thăm gia đình người thân.
Việc Italy nới lỏng các biện pháp phong toả diễn ra trong bối cảnh nước này tiếp tục ghi nhận các diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19.
Không chỉ Ý mà bắt đầu nới lỏng các hạn chế, các quốc gia châu Âu khác cũng đang làm điều tương tự .
Dự báo số ca tử vong tại Mỹ tăng mạnh sau khi nới lỏng cánh ly xã hội
Ngày 4/5, một mô hình dự đoán rất có uy tín tại Mỹ đã điều chỉnh tăng đáng kể dự báo số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này sau khi nhiều vùng bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế.
Cụ thể, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên mức 134.475 ca vào ngày 4/8, gần gấp đôi so với con số dự báo 72.433 ca được đưa ra hôm 29/4 vừa qua.
Dự báo mới của IHME tính tới thực tế rằng một số bang đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, đồng thời kết hợp với các dữ liệu tổng hợp từ các ứng dụng điện thoại di động và các nền tảng khác về tình trạng di chuyển của người dân trong thời gian phong tỏa.
Giám đốc IHME Christopher Murray nhận định biện pháp giãn cách xã hội thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đi lại tại nhiều bang gia tăng thậm chí trước cả khi biện pháp này hết hiệu lực.
Cùng ngày, hai báo New York Times và Washington Post dẫn một tài liệu nội bộ cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ước tính số ca mắc mới có thể tăng lên mức 200.000/ngày vào ngày 1/6 tới trong khi số ca tử vong cũng sẽ tăng lên 3.000 ca/ngày.
Theo phóng viên TTVVN tại Mỹ, đây được cho là tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Hiện CDC chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết tài liệu này không được trình cho lực lượng chuyên trách ứng phó với dịch COVID-19 của Nhà Trắng hay được kiểm tra liên ngành.
Hiện Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất bởi đại dịch COVID-19 với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 69.000 ca tử vong. Sau 2 tuần áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tới nay nhiều hoạt động đã được nối lại tại hầu hết các bang.
Sáng 5/5 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ họp phiên chính thức đầu tiên sau 5 tuần gián đoạn để giải quyết những bất đồng giữa các phe phái về bước đi tiếp theo tại cơ quan lập pháp trong ứng phó đại dịch và xem xét thông qua một loạt ứng cử viên vào các vị trí cấp cao trong chính phủ vốn được Tổng thống Donald Trump đề cử.
Là tâm dịch của cả nước Mỹ, bang New York vẫn đang thận trọng xây dựng kế hoạch đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường khi số ca tử vong ở đây đã xuống mức thấp nhất từ khi dịch bùng phát.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 4/5 đã đưa ra 7 tiêu chí mà các khu vực dân cư của bang này cần đáp ứng nếu muốn mở cửa trở lại. Bảy tiêu chí gồm số người nhập viện giảm liên tục trong 14 ngày hoặc số ca nhập viện ít hơn 15; số ca tử vong giảm liên tục trong 14 ngày hoặc số ca ít hơn 5; tỷ lệ nhập viện mới ít hơn tỷ lệ 2 ca/100.000 người mỗi ngày; tỷ lệ giường bệnh trống ít nhất là 30%; tỷ lệ giường điều trị cấp cứu còn trống ít nhất là 30%; tỷ lệ xét nghiệm virus đạt ít nhất 30 mẫu/1.000 người mỗi tháng; và đạt tỷ lệ cứ 100.000 người dân thì có 30 người phụ trách truy dấu tiếp xúc.
Sau khi lĩnh vực xây dựng và sản xuất được hoạt động trở lại vào tháng 4, Thống đốc Cuomo cho biết trong giai đoạn 2, các ngành bán lẻ, dịch vụ và bất động sản sẽ được hoạt động trở lại, giai đoạn 3 sẽ tới lượt các khách sạn, nhà hàng, và giai đoạn 4 sẽ tới các ngành nghệ thuật, giải trí.
Các khu vực phải đáp ứng 7 tiêu chí trên bao gồm thành phố New York và các vùng phụ cận trong thời gian qua vốn ghi nhận tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn các nơi khác. Cũng trong ngày 4/5, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết chính quyền thành phố sẽ phân phát 7,5 triệu khẩu trang cho cư dân để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Phát biểu họp báo, ông Blasio cho hay chính quyền sẽ phân phát 5 triệu khẩu trang 3 lớp và 2,5 triệu khẩu trang vải khác trên toàn thành phố. Các địa điểm phát khẩu trang là cửa hàng tạp hóa, công viên và các điểm bán thực phẩm.
Ngoài ra, thành phố New York cũng sẽ cung cấp 1,9 triệu khẩu trang y tế cho các viện dưỡng lão thuộc 5 quận của thành phố. Bang New York đã yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ giữa tháng 4 vừa qua.
Italy bắt đầu giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp COVID-19
Trải qua 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, ngày 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giai đoạn "sống chung cùng virus SARS-CoV-2".
Theo sắc lệnh mới, từ ngày 4/5, người dân Italy có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc.
Các công viên được phép mở cửa trở lại. Các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm.
Người dân đeo khẩu trang tại ga đường sắt Cadorna, Milan, Italy ngày 4/5. Ảnh: Reuters |
Yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, công sở và duy trì khoảng cách an toàn. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 tới.
Tính đến 6h ngày 5/5 (theo giờ VN), Italy ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 211.938 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 29.079 trường hợp và số bệnh nhân hồi phục là 82.879 ca.
Thế giới 3,6 triệu ca nhiễm, 250.000 ca tử vong
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 5/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 3.640.167 ca, trong đó có 251.791 người đã thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.192.842 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 49.627 ca trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, lần lượt là 1.210.907 ca (tăng 22.785 ca so với một ngày trước) và 69.564 ca (tăng 966 ca). Đại dịch đã suy yếu đáng kể trên hầu khắp châu Âu, châu Á, trong khi diễn biến chỉ còn đáng lo ngại ở một số "điểm nóng" mới như Nga, một số nước Mỹ Latinh như Brazil, Mexico và Đông Nam Á, như Singapore, Indonesia.
Đức kéo dài lệnh kiểm soát biên giới tới giữa tháng 5/2020
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết Berlin đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sau đó các hạn chế sẽ dẫn được nới lỏng. Các quy định liên quan tới các chuyến bay từ Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được tiếp tục gia hạn.
Bộ trưởng Seehofer cảnh báo việc mở cửa quá vội vàng biên giới giữa Áo và Đức, nhấn mạnh chừng nào dịch COVID-19 còn hoành hành, Đức sẽ vẫn phải hạn chế kế hoạch đi lại. Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Áo và CH Séc muốn nhanh chóng dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới nhằm cứu vãn ngành du lịch đang gặp khó khăn. Người Đức nằm trong nhóm du khách quan trọng nhất của Áo.
Từ giữa tháng 3, Đức đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ biên giới với 5 nước láng giềng châu Âu nêu trên. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, cần tiếp tục duy trì việc đóng cửa biên giới ở châu Âu chừng nào còn cần thiết. Ông cũng cho rằng trong trường hợp mở cửa biên giới, Chính phủ Đức sẽ phải thực hiện kiểm soát và điều phối, không để những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 bị đổ vỡ. Ông cũng cho biết chỉ có thể dỡ bỏ cảnh báo đi lại toàn cầu khi những quy định về nhập cảnh và cách ly được nới lỏng.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 khi lưu thông bằng xe điện ở Berlin, Đức ngày 27/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Việc áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như đóng cửa biên giới khiến nhiều ngành nghề của Đức thiệt hại nặng nề. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch của Đức (DRV) Norbert Fiebig cho biết doanh thu ngành du lịch của nước này tính tới giữa tháng 6 tới có thể thiệt hại ít nhất 10,8 tỷ euro khi mọi hoạt động của các công ty và đơn vị tổ chức du lịch hầu như bị tê liệt do các quy định chống dịch. Trong khi đó, chỉ số kinh doanh của các nhà sản xuất ô tô Đức thậm chí tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi nước Đức tái thống nhất. Theo viện nghiên cứu Ifo, chỉ số này trong tháng 4/2020 đã giảm từ -13,2 xuống -85,4 điểm, mức thấp hơn cả thời điểm khủng hoảng tài chính tháng 4/2009 (ở mức -82,9 điểm). Chỉ số kỳ vọng vào hoạt động của ngành ô tô trong 3 tháng tới cũng giảm từ -34,6 xuống -45,7 điểm.
Về việc phát triển vaccine ở Đức, Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek cảnh báo không nên quá kỳ vọng vào việc sớm có vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Theo bà Karliczek, vaccine chỉ có thể cung cấp sớm nhất vào giữa năm 2021 và thông thường việc phát triển một vaccine như vậy phải mất nhiều năm, bởi phải trải qua nhiều công đoạn trước khi được tung ra thị trường.