* Ấn Độ xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm
Trang mạng Hindustand Times ngày 7/4 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết chính quyền trung ương Ấn Độ đang xem xét gia hạn lệnh giới nghiêm toàn quốc theo đề nghị của nhiều bang và các chuyên gia.
Trước đó hôm 6/4 Thủ hiến bang Telegana K Chandrashekhar Rao đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 21 ngày sau khi kế hoạch hiện tại kết thúc vào ngày 14/4 tới. Thủ hiến Rao cho rằng với cơ sở y tế nghèo nàn của đất nước, rất khó ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Đất nước có thể khôi phục kinh tế nhưng không thể khôi phục mạng sống con người. Trước ông Rao, một quan chức hàng đầu của bang đông dân nhất Ấn Độ là Uttar Pradesh cũng gợi ý lệnh giới nghiêm sẽ không được dỡ bỏ tại bang này vào thời điểm 14/4.
Quan chức cấp cao bang Punjab và một bộ trưởng bang Maharashtra cũng ủng hộ ý tưởng trên và cho rằng lệnh phong tỏa không nên kết thúc vào ngày 14/4. Các chuyên gia tại Ấn Độ thừa nhận phong tỏa là biện pháp phòng ngừa cần thiết giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
* Thủ tướng Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành
Trong nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 7/4, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở “đất nước Mặt trời mọc”.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số người mắc COVID-19 ở nhiều thành phố lớn của Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka, đang tăng nhanh một cách đáng báo động. Đáng chú ý, giới chức y tế nước này đã không thể xác định được con đường lây truyền của nhiều ca nhiễm bệnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm 6/4. Ảnh: AFP. |
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe nói: “Tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bởi vì chúng ta đã bước vào giai đoạn sự lây lan của virus đã nhanh hơn và khắp trên cả nước, và có nguy cơ tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế”.
Theo luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm mà Quốc hội Nhật Bản thông qua hôm 13/3, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền các địa phương chỉ thị hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người như trường học, trường mẫu giáo, các cơ sở phúc lợi xã hội, rạp chiếu phim hay sân vận động.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có thể yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường ngoại trừ một số trường hợp nhất định như mua thực phẩm hay đi khám bệnh. Nếu các bệnh viện bị quá tải, thống đốc các tỉnh, thành có thể sung công đất tư nhân hoặc các tòa nhà trong một số trường hợp nhất định để xây dựng các cơ sở y tế tạm thời mà không cần phải nhận được sự đồng thuận của chủ sở hữu. Họ cũng có thể trưng thu lương thực và vật tư y tế từ những công ty từ chối bán và buộc các công ty phải giúp vận chuyển các hàng hóa khẩn cấp.
Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến ngày 6/5. Trước đó, Thủ tướng Abe đã kêu gọi đóng cửa tạm thời tất cả các trường học, đồng thời kêu gọi ban tổ chức các sự kiện thể thao và giải trí lớn hủy bỏ hoặc tạm hoãn các sự kiện này. Tuy nhiên, những yêu cầu này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Tính đến ngày 5/4, Nhật Bản đã có 104 trường hợp tử vong vì bệnh COVID-19, trong đó có 11 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo ở cảng Yokohama và 93 người trong nội địa Nhật Bản; và 4.563 ca mắc, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess và 3.851 người trong nội địa.
Tokyo hiện là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở nước này. Chỉ riêng trong ngày 5/4, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 143 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở thành phố này.
Với 1.034 ca mắc COVID-19 vào cuối ngày 5/4, tổng số người nhiễm ở Tokyo đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000. Chính vì vậy, trong những ngày gần đây, bà Yuriko Koike (Y-ư-ri-cô Cô-i-ki), Thị trưởng Tokyo, và Hiệp hội Y tế Nhật Bản đã liên tục hối thúc Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
* Chính phủ Mỹ đạt thỏa thuận với công ty 3M cung cấp hàng triệu khẩu trang
Ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính phủ nước này đã đạt thỏa thuận với công ty 3M có trụ sở tại bang Minnesota để cung cấp hàng triệu khẩu trang phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo đó, mỗi tháng công ty 3M sẽ cung cấp thêm 55,5 triệu khẩu trang chất lượng cao. Như vậy trong mấy tháng tới Mỹ sẽ có 166,5 triệu khẩu trang cung cấp cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Tuần trước, ông Trump chỉ trích công ty 3M không chuyển tất cả các kênh phân phối khẩu trang về nước, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Mỹ. Ngày 3/4, ông đã kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng để dừng hoạt động xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ y tế khác.
Giới chức y tế Mỹ cảnh báo dự trữ trang thiết bị bảo hộ đang ở mức rất thấp tại nhiều cơ sở y tế hiện quá tải bệnh nhân và một số nơi có thể hết thiết bị bảo hộ trong vài ngày tới.
Liên quan tình hình dịch bệnh, Lầu Năm Góc cùng ngày 6/4 thông báo một số bệnh nhân đang điều trị thương tích trên tàu bệnh viện của quân đội Mỹ tại New York và Los Angeles đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và có kết quả dương tính với virus này.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman lưu ý rằng tàu bệnh viện Comfort tại New York sẽ tiếp nhận các bệnh nhân gặp chấn thương dù họ mắc COVID-19. Ông Hoffman cũng cho biết thêm quân đội Mỹ chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên động vật.
Bang New York hiện có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất trong các tiểu bang của Mỹ - với 130.000 ca mắc và gần 5.000 người tử vong. Tại cuộc họp báo ngày 6/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo số ca mắc gia tăng gây áp lực đối với hệ thống y tế của bang. Trong hầu hết các cuộc họp báo hằng ngày, ông Cuomo khuyến khích cư dân thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của virus.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố cùng ngày, đa số người dân New York được hỏi đều thực hiện cách ly hoặc giãn cách xã hội.
Cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu Đại học Siena cho thấy 95% số cư dân New York được khảo sát cho biết đang tự cách ly hoặc duy trì giãn cách xã hội, trong khi 4% cho biết sẽ duy trì sinh hoạt bình thường.
Hơn 75% số người được hỏi cho biết họ lo lắng về các vấn đề tài chính nghiêm trọng mà đại dịch sẽ gây ra, trong đó hơn 50% lo lắng về các hóa đơn dịch vụ hằng tháng. Gần 50% số người New York dưới 50 tuổi lo ngại bị sa thải. Khoảng 75% cho biết họ đang "tận hưởng những điều nhỏ nhặt" và dành thêm thời gian cho người thân.
* Hơn 70.000 ca tử vong, gần 1,3 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu
Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 0h30 ngày 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.290.896 người nhiễm COVID-19, trong đó có 70.653 ca tử vong, và 272.155 bệnh nhân đã bình phục.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 208 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 338.899 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 135.032 ca, Italy - 128.948 ca, Đức ghi nhận 100.338 và Pháp là 92.839 ca, Trung Quốc hiện ghi nhận 81.708 ca.
Huấn luyện viên khiêu vũ Morgan Jenkins làm một video trước một bức tranh tường trong sự bùng phát toàn cầu của bệnh coronavirus ở Los Angeles, California. Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, Italy ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới - 15.887 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 13.169 ca; Mỹ ghi nhận 9.689 ca. Đặc biệt tại Mỹ, số ca tử vong tại thành phố New York trong 24 giờ qua lần đầu tiên đã giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, với 594 ca được ghi nhận, ít hơn 36 ca so với ngày hôm trước.
Còn tại Italy cũng ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua (tăng thêm 525 ca) và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ hai liên tiếp. Tương tự, Pháp ghi nhận 357 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày thấp nhất trong tuần qua ở nước này. Còn Iran ghi nhận ngày 6/4 là ngày thứ 6 liên tiếp có số ca mới mắc COVID-19 giảm.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Nga lại tăng cao kỷ lục trong một ngày. Theo thông báo ngày 6/4 của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 954 ca mắc bệnh tại 49 tỉnh thành trên cả nước. Đây là mức tăng kỷ lục ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày tại nước này.
Một số nước trên thế giới đã xác nhận ca tử vong đầu tiên như Haiti và Benin. Còn tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này đã lên tới 414 ca trong khi số ca mắc bệnh lên tới 9.178 ca, trong đó có khoảng 813 ca phục hồi.
Africa CDC, cơ quan chuyên trách của 55 nước thành viên Liên minh châu Phi, trong thông báo cập nhật mới nhất về tình hình cũng cho biết dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn 51 nước châu Phi. Ngày 27/1 vừa qua, Liên minh châu Phi thông qua Africa CDC đã kích hoạt trung tâm hoạt động khẩn cấp và Hệ thống quản lý tai nạn (IMS) để đối phó với dịch COVID-19.
Africa CDC cũng phát triển kế hoạch hành động ứng phó thứ ba liên quan tới giai đoạn từ ngày 16/3 đến 15/4. Trong bối cảnh số ca mắc bệnh có chiều hướng thuyên giảm, nhiều nước ở châu Âu thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế hay xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly vốn được triển khai nhằm làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19.
Áo thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 14/4 tới, song điều này còn phụ thuộc vào việc người dân có tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội hay không. Cụ thể, các cửa hàng nhỏ có diện tích từ 400 m2 trở xuống, các cửa hàng thiết bị và cửa hàng cây cảnh có thể được mở cửa trở lại với những điều kiện an toàn nghiêm ngặt.
Kể từ giữa tháng 5, các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác có thể sẽ hoạt động trở lại theo từng giai đoạn. Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần các biện pháp cách ly và những hạn chế nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng đang nỗ lực tránh làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể gây quá tải hệ thống y tế.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (Pê-đrô Xan-chét) ngày 4/4 đã gia hạn việc đóng cửa đất nước thêm 2 tuần cho đến ngày 26/4 tới, song lệnh cấm vào tháng trước đối với tất cả các hoạt động không quan trọng, bao gồm cả sản xuất và xây dựng, sẽ được dỡ bỏ sau lễ Phục sinh.
Còn Đan Mạch - một trong những nước đầu tiên ngừng hoạt động và đóng cửa biên giới - đã trở thành quốc gia đầu tiên vào tuần trước đưa ra lịch trình dỡ bỏ các hạn chế. Chính phủ Séc đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp phong tỏa nếu trong những ngày tới, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này tính theo ngày ổn định.
Tuy nhiên, do số ca mắc bệnh tiếp tục gia tăng nên một số nước khác trên thế giới tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát. Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với một số tỉnh thành tại nước này từ ngày 7/4.
Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát biên giới, trong đó có dọc tuyến biên giới trên bộ, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài. Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người không phải là cư dân của vùng này.
Romania sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày nữa sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay hết hiệu lực vào tuần tới. Nhằm làm giảm bớt tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã công bố các gói kích thích kinh tế như Malaysia công bố gói kích thích kinh tế 2,3 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này.
Nhật Bản thông báo sẽ tung ra gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD), lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ, trị giá 56.800 tỷ yen mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.