Chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19, xuất khẩu cao su tháng 9 vẫn tăng

Theo Bộ Công thương, trong tháng 9/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 195.000 tấn, trị giá 321 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng 8/2021.

Nếu so với tháng 9/2020,  xuất khẩu cao su giảm 5,1% về lượng, nhưng tăng 21,2% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.646 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 8/2021 và tăng 22,7% so với tháng 9/2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD, tăng 17,1% về lượng và tăng 52,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, một số chủng loại như: SVR3L, SVR20, SVR10, cao su tổng hợp, RSS1, SVR CV60, SVR CV50… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

gia-cao-su.png

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,28 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) trong 8 tháng đầu năm 2021 chiếm 61,9% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 686.320 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 47,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,6% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu, đạt 683,26 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 48,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Về giá xuất khẩu: Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp và cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm. Đáng chú ý, một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Latex tăng 34,7%, RSS1 tăng 45,3%, RSS3 tăng 38%, SVR CV60 tăng 35%, SVR3L tăng 32,8%, SVR CV50 tăng 31,7%...

Diễn biến giá cao su trong nước, trong tháng 9/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động. Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước dao động ở mức 303-310 đồng/ độ TSC. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 323-325 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 308-315 đồng/ độ TSC.

Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới về diện tích cao su, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích toàn cầu. Sản lượng cao su của Việt Nam xếp thứ ba thế giới, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, sau Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Hiện cả nước có 238 doanh nghiệp chế biến mủ cao su, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm.

Riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, với công suất thiết kế 433 nghìn tấn/năm, chiếm 36,1% công suất các cơ sở chế biến mủ cao su cả nước. Tổng công suất của các cơ sở chế biến hiện nay vượt sản lượng cao su hàng năm từ 1520%.

Đ.KHẢI

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương