Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch nước Lương Cường, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, cùng nhiều nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường với đại biểu dự Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”.(Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: “Chiến thắng 30-4-1975 là một dấu mốc trọng đại, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong thắng lợi ấy, ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, mang đậm dấu ấn thời đại và tính dân tộc sâu sắc”.
Ngoại giao, mặt trận chiến lược trong hành trình thống nhất đất nước
Chủ tịch nước nêu rõ, trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt từ sau Nghị quyết năm 1969 của Bộ Chính trị xác định ngoại giao là “một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, công tác đối ngoại của Việt Nam đã không ngừng khẳng định vai trò then chốt. Ngoại giao đã góp phần phân hóa kẻ thù, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, lan tỏa tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Thành công trên bàn đàm phán, như tại Hội nghị Genève 1954 và đặc biệt là Hội nghị Paris (1968–1973), được Chủ tịch nước đánh giá là đỉnh cao của trí tuệ và bản lĩnh ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. “Ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn với mặt trận quân sự và chính trị, tạo nên thế trận ‘vừa đánh, vừa đàm’, đưa sự nghiệp đấu tranh đến toàn thắng,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngoại giao trong thời kỳ tái thiết và hội nhập
Chủ tịch nước khẳng định, sau thống nhất, ngoại giao tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn tái thiết và hội nhập. Trong 40 năm Đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá đã vươn lên thành nền kinh tế nằm trong nhóm 35 quốc gia hàng đầu về quy mô GDP và nằm trong tốp 20 về thương mại quốc tế. Quan hệ ngoại giao được mở rộng với 194 quốc gia, trong đó có 34 đối tác chiến lược và toàn diện, bao gồm toàn bộ các nước G7, các Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ và tất cả các nước ASEAN.
Đó là kết quả của tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định mục tiêu chiến lược vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhưng linh hoạt về sách lược.
Hội thảo, diễn đàn gợi mở tầm nhìn tương lai trao đổi học thuật
Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ kỳ vọng Hội thảo lần này sẽ góp phần làm rõ những bài học quý báu, những đóng góp nổi bật của ngoại giao trong sự nghiệp thống nhất đất nước, từ đó đề xuất hướng đi thiết thực để Việt Nam tiếp tục đóng góp vào gìn giữ hòa bình khu vực và thế giới.
![]() |
Các đại biểu quốc tế dự Hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
“Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để toàn dân tộc và bạn bè quốc tế cùng nhau tôn vinh khát vọng hòa bình, tự do, hạnh phúc. Dù thời gian trôi qua, tính thời đại và giá trị nhân văn sâu sắc của ‘câu chuyện Việt Nam’ vẫn vẹn nguyên, tỏa sáng trong hành trình kiến tạo hòa bình bền vững,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, nhân chứng lịch sử đã chia sẻ nhiều tham luận sâu sắc, đánh giá vai trò của Đảng trong chiến thắng mùa Xuân 1975, phân tích đóng góp của ngoại giao trong kết thúc chiến tranh và những bài học hữu ích cho công tác đối ngoại hiện nay.
Các ý kiến cũng nêu rõ vai trò tiên phong của ngoại giao trong việc tạo lập và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến giúp Việt Nam tiếp tục đóng góp vào hòa bình khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Lương Cường trao Quyết định phong hàm Đại sứ
Sáng 2/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao Quyết định phong hàm Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho cán bộ của Bộ Ngoại giao.