Phí phạt "cắt cổ" vì 5 ngày chậm trả 10 triệu nợ thẻ tín dụng
Cách đây vài giờ, nhạc sĩ trẻ Hứa Kim Tuyền đã chia sẻ trên Facebook cá nhân một trải nghiệm khá "đau đớn" khi dùng thẻ tín dụng. Mở đầu bài đăng của mình, Hứa Kim Tuyền cho biết: "Lưu ý cho cả nhà khi xài thẻ tín dụng. Mình vừa bị 1 cú hơi nặng nên mình muốn cảnh báo tất cả mọi người để nhỡ ai không biết thì sẽ không bị tình trạng giống mình".
Bài đăng của Hứa Kim Tuyền trên Facebook cá nhân |
Tóm tắt "1 cú hơi nặng" của Hứa Kim Tuyền như sau: Trong kỳ sao kê thẻ tín dụng của tháng 2, Hứa Kim Tuyền đã thanh toán 95% khoản dư nợ tín dụng và chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu. Nhạc sĩ trẻ nghĩ rằng phí phạt chậm trả sẽ được tính trên khoản nợ 10 triệu còn lại này, phát sinh không đáng kể. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy.
"Mình bị phạt trả chậm dựa trên TOÀN BỘ SỐ DƯ NỢ CỦA KỲ SAO KÊ TRƯỚC. Tức là họ không phạt trả chậm dựa trên khoản 10 triệu mình đang nợ (và chỉ mới nợ có 5 ngày), mà là họ tính lãi phạt trả chậm trên tổng dư nợ 200 triệu của sao kê kỳ trước.
Mình bị phạt hơn 6 triệu trong khi mình chỉ nợ có 10 triệu trong vòng 5 ngày. Hạn chót trả là 16/2 và mình đã tất toán 95% số tiền. Đến ngày 20/2 có sao kê kỳ mới và chễm chệ tiền lãi phạt trả chậm là 6 triệu" .
Chia sẻ với chúng tôi, Hứa Kim Tuyền cho biết bản thân luôn cài đặt chế độ tự trích nợ tự động với thẻ tín dụng này. Hiểu nôm na: Hàng tháng, Hứa Kim Tuyền không cần phải truy cập vào tài khoản thanh toán để thực hiện việc thanh toán dư nợ tín dụng. Khi đến ngày phải thanh toán dư nợ tín dụng, thẻ tín dụng sẽ tự động trích số dư nợ tương đương từ tài khoản thanh toán.
Những tháng trước, tài khoản thanh toán của Hứa Kim Tuyền luôn có đủ tiền thanh toán toàn bộ dư nợ tín dụng, riêng chỉ có tháng này là thiếu khoảng 10 triệu nên "1 cú hơi nặng" mà chàng nhạc sĩ đề cập mới xảy ra.
Ngân hàng có sai không?
Sau chia sẻ mang tính cảnh báo, phần lớn bạn bè đều dành cho Hứa Kim Tuyền những lời an ủi. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng đây là chính sách chung của tất cả các ngân hàng đối với người chậm trả dư nợ thẻ tín dụng.
Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền |
Liên hệ với K.L - Một Cán bộ Tín dụng Khối Khách hàng cá nhân của 1 trong 4 ngân hàng thuộc nhóm Big4, để hỏi về cách tính phí phạt và quy trình thu phí phạt với người chậm trả dư nợ tín dụng, chúng tôi nhận được câu trả lời như sau.
"Nếu chậm trả dư nợ tín dụng (theo ngày đã được thông báo qua tin nhắn sms), chủ thẻ sẽ phải chịu 2 loại phí phạt:
- Phí phạt quá hạn: 5%/tổng dư nợ thẻ tín dụng của kỳ sao kê gần nhất.
- Tiền lãi quá hạn: Rơi vào khoảng 20 - 40% trên tổng dư nợ cần thanh toán tối thiểu tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
Hai khoản phí phạt này sẽ được tính từ ngày chậm thanh toán đầu tiên và được chia thành 2 giai đoạn chậm thanh toán:
- Giai đoạn 1 (nợ quá hạn dưới 70 ngày): Khoản dư nợ tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20 - 40%. Số dư nợ còn lại vẫn được tính lãi suất trong hạn.
- Giai đoạn 2 (nợ quá hạn hơn 70 ngày): Toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn 20 - 40% và phí phạt trả chậm 5%".
Trong trường hợp của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, K.L cho biết thêm: "Nếu đã thanh toán 95% dư nợ đúng hạn thì không bị liệt vào nhóm nợ xấu. Nợ xấu chỉ áp dụng với những người chậm trả dư nợ tối thiểu, chậm hết ngày thứ 10, sang đến ngày thứ 11 thì sẽ bị liệt vào nợ xấu nhóm 1".
Về cách thu phí phạt với người nợ quá hạn thẻ tín dụng, K.L cho biết việc tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng.
"Theo luật thì những khoản nợ thẻ tín dụng từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện nhưng thường thì các ngân hàng hiếm khi áp dụng hình thức này mà sẽ tạo điều kiện để khách hàng trả nợ theo quy định bằng cách gửi email, sms, hoặc gọi điện thông báo".
Cuối cùng, K.L còn cho biết thêm trong quá trình đào tạo nhân viên tư vấn mở thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân, việc giải thích rõ cho khách hàng về các khoản phí phạt, cách tính lãi quá hạn là một trong những yêu cầu bắt buộc.
"Thậm chí tư vấn viên còn phải nhấn mạnh các điều khoản này tới 2 lần để đảm bảo khách hàng hiểu rõ quy định của ngân hàng trước khi mở thẻ" - K.L khẳng định.
Không dùng thẻ tín dụng liệu có phải là quyết định đúng đắn ở thời điểm bây giờ?
Từ chối sử dụng thẻ tín dụng có thể sẽ khiến bạn “bị thiệt” mà không hề biết đấy.