Chứng khoán Mỹ phục hồi sau báo cáo việc làm tại Mỹ mạnh hơn kỳ vọng

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt đến cuối năm 2023 khi nhà đầu tư dự báo Fed sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.

Theo CNBC, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, chỉ số S&P 500 tiến 0.18% lên 4,697.24 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.09% lên 14,524.07 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 25.77 điểm (tương đương 0.07%) lên 37,466.11 điểm.

Cả ba chỉ số cùng có tuần giảm điểm sau 9 tuần tăng liên tiếp. Trong đó, mức giảm lớn nhất 3,25% thuộc về Nasdaq, và thước đo này ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9. S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 1,52% và 0,59%.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã biến động mạnh trong phiên cuối tuần khi các nhà giao dịch nghiền ngẫm những số liệu kinh tế mới nhất nhằm xác định thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Bản báo cáo được chờ đợi từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế tạo được số lượng việc làm nhiều hơn dự báo trong tháng 12. 

Con số 216.000 công việc mới nhiều hơn dự báo 170.000 mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3,7% thay vì tăng lên như dự báo.

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau báo cáo việc làm tại Mỹ mạnh hơn kỳ vọng- Ảnh 1.

Báo cáo trên đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức cao 4.103%.

Thị trường lao động mạnh mẽ có nghĩa là Fed có thể trì hoãn đợt hạ lãi suất đầu tiên, điều mà nhà đầu tư đang dự báo. Trước khi dư liệu kinh tế ổn định xuất hiện vào ngày 5/1, nhà đầu tư đang hy vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2024 và hạ lãi suất 6 lần vào năm 2024. Những kỳ vọng đó sẽ cần phải được điều chỉnh lại.

Mặc dù chỉ số dịch vụ ISM tháng 12/2023 cho thấy hoạt động kinh doanh nhìn chung vẫn đang tăng trưởng, nhưng con số 50.6% thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo của Dow Jones là 52.5% và mức 52.7% của tháng 11/2023. Chỉ số này trên 50% đánh dấu ngưỡng tăng trưởng kinh tế.

"Thị trường việc làm đang tốt, có lẽ là quá tốt. Lạm phát có lẽ đang nóng lên một chút nếu dựa trên mức độ tăng trưởng tiền lương mà chúng ta đang chứng kiến. Sức mạnh của thị trường việc làm có thể dội một chút nước lạnh vào những hy vọng về cắt giảm lãi suất", Giám đốc nghiên cứu Mike Bailey của công ty FBB Capital Partners nhận định với hãng tin CNBC.

"Trước ngày hôm nay, nhà đầu tư muốn ba thứ: lạm phát giảm, thị trường việc làm ổn định, và lãi suất giảm. Nhưng thực tế báo cáo việc làm cho thấy nhà đầu tư có thể chỉ đạt được một điều ước trong số đó", ông Bailey nói thêm.

"Về số liệu kinh tế vĩ mô, ai cũng có thể tìm thấy một thứ gì đó mà họ mong muốn trong những con số được đưa ra, nhưng không phải là tất cả", chiến lược gia Greg Boutle của ngân hàng BNP Paribas nhận định với hãng tin Reuters. Ông cho rằng mức độ kỳ vọng có giảm xuống, nhưng các báo cáo kinh tế Mỹ tuần này có thể sẽ không làm thay đổi toàn bộ dự báo của nhà đầu tư về việc Fed giảm lãi suất trong năm nay.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt đến cuối năm 2023 khi nhà đầu tư dự báo Fed sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Chuỗi tăng theo tuần của S&P 500 đến cuối năm là chuỗi leo dốc dài nhất trong gần 2 thập kỳ và góp phần nâng tổng mức tăng trong năm của chỉ số này lên 24%.

Một yếu tố khác gây sức ép lên thị trường trong năm mới là sự hạ nhiệt của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple, đã bị hạ bậc tín nhiệm bởi 2 đơn vị nghiên cứu trong tuần này. Cổ phiếu Apple sụt 5.9% từ đầu tuần đến nay.

(Nguồn: CNBC)

LAN ANH