Chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát cao khi giá hàng hóa tăng vọt

Chuyên gia cho rằng chính phủ phải có kịch bản ứng phó với giai đoạn sau đó, nhất là khi kinh tế trong nước phục hồi rõ nét.

Không chỉ hàng thiết yếu, tiêu dùng, hàng loạt nguyên liệu đầu vào để sản xuất, xây dựng cũng tăng. 

Theo báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 4/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, có 6 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất so với tháng trước, với 0,87%, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% so với tháng trước. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cũng tăng 0,11%. Ngoài ra là các nhóm giáo dục (tăng 0,03%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,01%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%...

Chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát cao khi giá hàng hóa tăng vọt

Thép là mặt hàng có mức tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm. Đây là mặt hàng được cho là sẽ có tác động đáng kể đến giá thành xây dựng, đẩy giá sản phẩm bất động sản tăng cao. 

Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam thông tin, giá thép tăng đột biến trong quý I/2021 và tháng 4. Giá thép phi 6 Việt Mỹ chỉ là 13.145 đồng/kg trong quý IV/2020 thì đến nay đã tăng 40%, lên 18.370 đồng/kg. Mức tăng 30-40% kể trên cũng diễn ra với tất cả thương hiệu thép.

Ngoài ra, giá nhiều loại vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh trong tháng 4. Dù thế, tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy nhóm vật liệu xây dựng chỉ tăng 1%. 

Một số chuyên gia kinh tế nhận định nguy cơ lạm phát cao là rất lớn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng được nhiều nước đồng loạt áp dụng và duy trì thời gian dài vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của Covid-19 cũng gây nhiều lo ngại. Cung tiền đưa vào nền kinh tế quá nhiều khiến giá hàng loạt tài sản tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, giá một số nhóm hàng hóa tăng cao như thép chẳng hạn hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Điều cần làm là tiếp cận từng nhóm hàng, bên cạnh thép, để thấy được nguyên nhân. Nếu nguyên nhân hợp lý và mức tăng vừa phải thì chưa có gì đáng lo ngại còn nếu là rủi ro kinh tế thì cần được báo động.

Ông Ánh cho biết theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

"Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là có những mặt hàng tăng giá tới 40% như thép không thấy đề cập rõ, chỉ số nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 4/2021 thậm chí còn giảm 0,43% so với tháng trước", ông Ánh nói. 

Ông Ánh phân tích, dù thế giới chi một khoản lớn khắc phục hậu quả của dịch thì thực tế diễn biến suốt trong năm 2020, những tháng đầu năm 2021 thì không quan sát thấy lạm phát toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, ông Ánh lo ngại vấn đề thiểu phát khi thu nhập của người dân, doanh nghiệp giảm. 

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2021, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển nên nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Ông Thịnh cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tốt, đồng bộ nhiều biện pháp như có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và tầng lớp dân cư, tránh tình trạng "lạm phát do tâm lý". 

Thanh Mai

Dự báo thời tiết ngày mai 2/5: Nhiều nơi trên cả nước có mưa rào và dông

Dự báo thời tiết ngày mai 2/5: Nhiều nơi trên cả nước có mưa rào và dông

Ngày mai 2/5, Các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam, đều có chỉ số UV cực đại tiềm năng ở mức có nguy cơ gây hại rất cao trong 3 ngày tiếp theo.