Chuyên gia kinh tế Martín Rama: Tôi muốn gọi Hà Nội là Nàng!

Là chuyên gia kinh tế, Martín Rama thực sự đã sống trong lòng Hà Nội và có nhiều rung cảm tinh tế về Hà Nội mà ông trìu mến gọi là Nàng

Là một chuyên gia kinh tế, nhưng có lẽ Martín Rama thực sự phải lòng Hà Nội, một thành phố mà với ông, như thể một cuộc chờ đợi cả đời cho cuộc gặp gỡ đầy thân tình này. Sống ở Hà Nội, hoảng hốt vì giao thông, nhưng yêu các món ăn trên vỉa hè còn bởi vì những hương vị của cuộc sống ở đó.

Cảm nhận được sự hỗn độn ồn ào của đường phố, nhưng nhận ra tính chất hài hòa giữa dòng chảy tưởng như hỗn loạn ấy... Martín Rama thực sự đã sống trong lòng Hà Nội và có nhiều rung cảm tinh tế về Hà Nội mà ông trìu mến gọi là Nàng.

Nàng có cá tính mạnh mẽ, điều mà du khách có thể ngay lập tức nhận ra và hầu hết những người dân ở đây đều yêu thích. Nàng có sự đặc sắc trong kiến trúc với sự giao thoa gần như độc đáo giữa các phong cách truyền thống, Pháp và Xô Viết. Những hồ nước và những con đường rợp bóng cây của Nàng thật quyến rũ. Cùng với cách mà cư dân ở đây giao lưu, ăn uống và buôn bán chủ yếu trên vỉa hè đông đúc đã khiến Nàng trở nên sinh động lạ thường. Nàng có thể bừa bộn, ồn ào và nóng nực một cách khó chịu - hẳn nhiên là như thế! Nhưng cũng không nghi ngờ gì: Nàng thật đặc biệt”, tác giả Martín Rama viết.

Tác giả Martín Rama trong buổi ra mắt sách
Tác giả Martín Rama trong buổi ra mắt sách "Vì tình yêu Hà Nội".

TÔI RẤT THÍCH LOA PHƯỜNG

Chà, tôi rất tò mò, trước khi được bổ nhiệm tới Việt Nam làm việc, ông đã “nghe” gì về Việt Nam?

Tôi là một thiếu niên sống ở Mỹ Latinh vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam. Tất cả chúng tôi đều vô cùng bàng hoàng trước những đau khổ mà người dân Việt Nam đang phải chịu đựng, và xúc động trước lòng dũng cảm cũng như sự kiên cường của họ. Tôi thường tham gia vào các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm kêu gọi chấm dứt chiến tranh.

Nhưng điều đó không kéo dài quá lâu, bởi vì khu vực của chúng tôi sau đó cũng chìm trong Chiến tranh Lạnh, và đến năm 1973, đất nước của tôi nằm dưới chế độ độc tài quân sự khắc nghiệt. Biểu tình công khai lúc đó không thể thực hiện được nữa, nhưng chúng tôi không bao giờ quên Việt Nam. Và 25 năm sau, khi lần đầu tiên tới thăm Hà Nội, tôi đã vô cùng xúc động, như thể tôi đã chờ đợi cả đời mình cho cuộc gặp gỡ với người họ hàng phương xa dũng cảm này.

Trưa vắng cầu Long Biên (Ảnh: Martín Rama).
Trưa vắng cầu Long Biên (Ảnh: Martín Rama).

Và sau khi tới Việt Nam, điều gì hoàn toàn trái ngược với những gì ông đã “nghĩ” về Việt Nam?

Có một vài điều bất ngờ đối với tôi. Đầu tiên là chứng kiến người Việt Nam tích cực và hướng tới tương lai như thế nào. Dù phải chịu đựng tất cả những đau khổ của chiến tranh và thời bao cấp, nhưng không hề thấy có sự thù hằn hay oán hận nào.

Người dân Việt Nam không muốn công lý hay trả thù. Họ chỉ muốn một cuộc sống tốt hơn cho bản thân họ, và đặc biệt là cho con cái của họ. Điều ngạc nhiên thứ hai đó là nhận thấy người Việt Nam “Latinh” đến mức nào. Tôi đã thấy một kiểu nồng nhiệt đặc trưng gắn liền với vùng đất mà tôi xuất thân. Và tôi yêu điều đó, tất nhiên!

“Ngợi ca” những rêu phong lộng lẫy nhưng cũng có vẻ choáng váng bởi “hàng nghìn” xe máy, chúng có thể “cán bẹp” cả thế giới này, giờ đây, ông đã “liều” đi xe máy trên phố phường Hà Nội chưa, và đã quen với giao thông trên đường phố chưa thưa ông?

Tôi phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ đi xe máy. Tôi thực sự không biết lái xe! Nhưng tôi nhanh chóng học được cách thích nghi với giao thông Hà Nội, theo tinh thần của một chiếc lá trôi theo dòng nước, thay vì cố gắng đương đầu với nó. Tôi đã lái xe ô tô của tôi ở Hà Nội, khá thường xuyên. Tôi đã thực hiện điều đó với lòng kiên nhẫn và bình tĩnh vĩ đại.

Quang cảnh thành phố cho thấy sự phá vỡ về độ cao, với các tòa nhà cao tầng xen kẽ một cách thô bạo với nhà ở (Tranh Đặng Viết Lộc).
Quang cảnh thành phố cho thấy sự phá vỡ về độ cao, với các tòa nhà cao tầng xen kẽ một cách thô bạo với nhà ở (Tranh Đặng Viết Lộc).

Tôi cũng xin hãnh diện báo cáo với bạn rằng tôi chưa bao giờ gặp tai nạn (mặc dù chiếc xe của tôi, một quý cô BMW lớn tuổi đẹp tuyệt vời, đã phải chịu đựng rất nhiều độ ẩm của thành phố!). Nhưng điều mà tôi thực sự yêu thích nhất là đi xe đạp vào cuối tuần.

Thế là dường như ông đã có sự hòa nhịp nhanh với đời sống ở Việt Nam rồi, mà ông hiểu về sự hỗn độn của Hà Nội như thế nào thưa ông?

Sự hỗn loạn của Hà Nội đang bị hiểu sai. Thoạt nhìn, thành phố hoàn toàn lộn xộn. Sát bên nhau là những tòa nhà với đủ kiểu kiến trúc: truyền thống, Pháp, xã hội chủ nghĩa, “kiểu Pháp”… Giao thông cũng hỗn loạn không kém. Đường phố ồn ào (khi tôi sống ở đây, còn có sự cộng hưởng từ tiếng ồn của loa phường). Còn vỉa hè thì chật cứng: người bán hàng, quán ăn, xe máy đỗ…

Cho dù thế, khi xem xét kỹ hơn, có sự hài hòa trong mớ hỗn độn đó. Sự pha trộn của các phong cách kiến trúc là một trong những thế mạnh của di sản đô thị Hà Nội.

Giao thông hỗn loạn nhưng lại trôi chảy như dòng sông liền mạch chảy qua thành phố. Vỉa hè đông đúc nhưng tràn đầy sức sống: bạn bè cùng nhau ăn uống, việc buôn bán thuận lợi, các cặp đôi hẹn hò….

Về tiếng ồn, tôi rất thích cái loa phường cạnh nhà, vì những buổi sáng cuối tuần nó luôn đánh thức tôi bằng những bài hát ru Việt Nam rất dễ thương.

Một Hà Nội hỗn độn nhưng hài hòa (Ảnh: Martín Rama)
Một Hà Nội hỗn độn nhưng hài hòa (Ảnh: Martín Rama)

Ông yêu loa phường được thì thật quý hóa quá, quả thật nó đã hiện diện khá quen thuộc đối với đời sống người Việt Nam. Còn về ẩm thực thì sao, hình như ông cũng khá đam mê ẩm thực vỉa hè?

Tôi không phải là một chuyên gia ẩm thực, hẳn nhiên là thế. Nhưng khi tôi được nếm thức ăn ngon, tôi có thể nhận thấy hương vị đó. Và thức ăn đường phố Hà Nội là đặc biệt ngon. Ở một số quốc gia giàu có, các nhà hàng có thể tính phí rất cao cho những bữa ăn thịnh soạn và phô trương.

Và ở các nước đang phát triển khác, thức ăn đường phố có thể ngon nhưng người ta thường bị ốm vì nguyên liệu không phải lúc nào cũng tươi và vấn đề vệ sinh chỉ là một phần trong đó. Tôi chưa bao giờ chán ăn uống trên vỉa hè ở Hà Nội. Và ở đó, ngoài thức ăn, bạn còn được tận hưởng cuộc sống không ngừng mở ra trên đường phố, trước mặt bạn.

MUỐN CẢNH BÁO NGUY CƠ MẤT DI SẢN

Những khu tập thể với các đặc tính: Cơi nới, ổ chuột, hom hem, buồn, nhưng lại rất khác biệt như theo ông cảm nhận được, còn những người sống ở đó thì sao, ông thấy họ thế nào?

Điều kiện sống trong các khu tập thể hẳn nhiên rất khắc khổ: không gian chật hẹp, không có thang máy, những bức tường ẩm thấp… Nhưng chúng ta không nên quên rằng vào thời điểm chúng được xây dựng, chúng đã tốt hơn nhiều so với các phương án thay thế khác. Tầng lớp trung lưu (công chức, nhân viên các doanh nghiệp nhà nước) đã từng cảm thấy vinh dự khi có được một căn hộ trong số đó.

Tất nhiên, ngày nay nhiều khu tập thể đã xuống cấp, tiện nghi của chúng không bằng chung cư hiện đại, nhưng kiến trúc của chúng không tệ, và vị trí của chúng trong thành phố đặc biệt tốt. Tôi thực sự là một cư dân của khu tập thể. Tôi có một căn hộ mà tôi đã cải tạo ở một trong số các tòa nhà khu tập thể, trên đường Tôn Thất Thiệp, nơi giáp ranh giữa quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, và tôi vô cùng yêu thích nó!

Đời sống xã hội ở sân chung của một khu tập thể (trẻ em chơi đùa, phơi quần áo, ăn uống…) (Tranh: Đặng Viết Lộc)
Đời sống xã hội ở sân chung của một khu tập thể (trẻ em chơi đùa, phơi quần áo, ăn uống…) (Tranh: Đặng Viết Lộc)

Người Hà Nội háo hức làm giàu, cái giàu, cái nghèo của người Hà Nội có điều gì làm ông thú vị khi tìm ra bản chất?

Không ai có thể chê trách mong muốn thịnh vượng của người dân Việt Nam, đặc biệt là sau nhiều thập kỷ vật lộn với chiến tranh và đói nghèo. Nhưng tôi không tin rằng người Hà Nội chỉ bị thúc đẩy bởi tiến bộ vật chất. Những giá trị tinh thần của họ cũng mạnh mẽ. Và người Hà Nội rõ ràng rất yêu thành phố của họ, vì vậy họ sẽ buồn nếu nó mất đi bản sắc của mình.

Bên cạnh đó, sự giàu nghèo thường lẫn lộn với nhau. Hãy nghĩ về những cư dân của khu phố cổ. Không gian sống của họ đông đúc và thu nhập của họ thường ít ỏi. Thế nhưng, hơn hết, họ sở hữu những khu đất có giá trị nhất trong cả nước, tại một trong những khu phố tuyệt vời nhất trên thế giới. Vậy… ai nghèo và ai giàu nhỉ?

Luôn gọi nhà, gọi Hà Nội là Nàng và dường như ông rất hạnh phúc về điều đó?

Vâng, có một điều gì đó xúc động, cũng như tình yêu của con người, trong sự gắn bó mà tôi dành cho những nơi mà tôi có thể gọi là “nhà”. Những ngôi nhà tôi đã cải tạo và thu xếp, ở Hà Nội và những nơi khác trên thế giới, đều mang lại cho tôi cảm giác thân thuộc.

Phố ông đồ ngày Tết ở Văn Miếu (Ảnh: Martín Rama)
Phố ông đồ ngày Tết ở Văn Miếu (Ảnh: Martín Rama)

Và tôi chăm sóc chúng một cách trìu mến, như người ta sẽ làm với một thành viên trong gia đình cần được bảo vệ, và đáp lại điều đó một cách nồng nhiệt bằng sự ấm áp và tình cảm. Thành phố cũng vậy. Tôi cảm thấy như ở nhà mỗi khi trở lại Hà Nội, giống như cảm giác của một người khi được trở về bên người thân sau một thời gian xa cách.

Là một chuyên gia kinh tế cấp cao, ông yêu và muốn giúp Hà Nội theo cách nào?

Tình yêu rất quan trọng, và nó sẽ thúc đẩy hành động của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ thất bại trong tình yêu của mình nếu chúng ta không thể khiến nó hoạt động. Đây là lúc khía cạnh kinh tế học trong tôi phát huy tác dụng.

Trong lịch sử nhân loại, các thành phố là động lực thực sự của thịnh vượng. Các thành phố là nơi để những ý tưởng mới xuất hiện, các doanh nghiệp gặp được thành công và nghệ thuật được nở rộ. Và tôi tin rằng một thành phố mất đi nét đặc trưng sẽ trở thành một thành phố nghèo hơn. Thật không may, trong nỗ lực để mọi người trở nên giàu có hơn, đặc tính của một thành phố có thể bị mất đi.

Là một nhà kinh tế, tôi muốn thúc đẩy những ý tưởng hợp lý về cách thức để phát triển thịnh vượng thông qua bảo tồn di sản của Hà Nội và cảnh báo về nguy cơ mất đi phần lớn di sản nếu những quyết định sai lầm được đưa ra.

Ẩm thực vỉa hè luôn có sức quyến rũ với Martín Rama
Ẩm thực vỉa hè luôn có sức quyến rũ với Martín Rama

Ông đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về Hanoi cinematheque 22 Hai Bà Trưng, nhà thờ chính tòa Bùi Chu, thậm chí còn có ý định tham gia lo một khoản tiền hàng triệu đô để giữ nhà thờ cổ, thế nhưng kết cục có vẻ không thuận lợi, ông nghĩ sao?

Thực lòng, những trường hợp này, tuy có những thất bại nhưng theo tôi, cũng có nhiều thành công. Sân Art Deco của Hanoi Cinematheque vẫn đứng vững, cũng như Dinh Thượng Thơ tuyệt vời ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều nhà thờ nguy nga bị phá bỏ nhưng bức bích họa cách mạng của Trường Sinh ở chợ Mơ đã được cứu vãn. Vâng, khỏi phải nói, sự mất mát của nhà thờ cổ kính Bùi Chu là một bi kịch. Nhưng theo một cách nào đó, ngay từ đầu tôi đã biết rằng cơ hội thành công rất mong manh. Và bản thân cuộc đấu tranh đã giúp tạo ra nhiều nhận thức về giá trị (và sự mong manh) của di sản Việt Nam.

Điều mong ước hiện tại của ông về Hà Nội?

Trong một bài viết của cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội”, tôi đề cập tới hai điều ước rưỡi chứ không chỉ một. Danh sách này được tôi lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của các thành phố đã trở nên giàu có trong khi vẫn giữ được bản sắc của mình. Và thật thú vị, trong một số trường hợp, họ đã thành công nhờ sự quyết tâm và can đảm của những người phụ nữ có tầm nhìn chứ không phải đàn ông.

Tác giả Martín Rama ký tặng sách cho người đọc (Ảnh Anh Vũ)
Tác giả Martín Rama ký tặng sách cho người đọc (Ảnh Anh Vũ)

Điều ước đầu tiên, “một nửa”, là tạo ra nhận thức về giá trị của di sản Hà Nội. Tôi nói “một nửa điều ước” bởi vì tôi tin rằng đã có rất nhiều tiến bộ ở khía cạnh này trong vài năm qua. Điều ước thứ hai là xây dựng bộ quy định, chính sách phù hợp (về quy hoạch, tầng cao xây dựng, không gian xanh, vỉa hè…) để thành phố phát triển mà vẫn giữ được nét đặc sắc. Và thứ ba là hỗ trợ các mô hình kinh doanh khả thi để bảo tồn di sản, trong đó khu vực tư nhân (không chỉ Chính phủ) sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu giúp bảo tồn di sản đô thị của thành phố.

Tôi biết những điều này nghe có vẻ như chỉ là mơ ước, nhưng tôi vốn là một người lạc quan.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Martín Rama là tác giả người Uruguay. Ông biết đến Hà Nội từ năm 1998, sống thường xuyên ở đây từ năm 2002 – 2010 trong lúc phụ trách chương trình kinh tế của World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách “Những quyết sách khó khăn” (Making Difficult Choices) được viết dựa trên những cuộc trò chuyện với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; “Hà Nội, một chốn rong chơi” (Hanoi Promenade) – từng đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2014.

Ông là người cải tạo một số biệt thự kiểu Pháp ở Hà Nội trong đó có ngôi biệt thự ở số 43 Trần Hưng Đạo, hiện là Đại sứ quán Qatar. Từ 2017 – 2020, ông đảm nhận cương vị giám đốc dự án danh dự tại Trung tâm Phát triển bền vững đô thị, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông hiện là cố vấn cho Chủ tịch của World Bank.

Codet Hanoi

Nhiếp ảnh gia Trần Thái Khương: Tôi nghĩ, Jun nhớ mình!

Nhiếp ảnh gia Trần Thái Khương: Tôi nghĩ, Jun nhớ mình!

Triển lãm ảnh tư liệu “Voi” của nhiếp ảnh gia Trần Thái Khương hồi tháng 5 thu hút nhiều sự quan tâm, đón nhận của công chúng.