“Tôi muốn trước khi chết, phải tìm về cội nguồn, phải đi dọc con sông Mekong, từ Việt Nam tới Tây Tạng”
PHÓNG VIÊN ẢNH CỦA NHỮNG VÙNG CHIẾN SỰ
Điều gì khiến một người theo học hội họa như anh lại trở thành một phóng viên có mặt ở những điểm nóng của thế giới?
Thực tế, tôi không thật sự chọn nhiếp ảnh. Tôi theo học Trường Đại học Mỹ thuật Lyon tại Pháp để trở thành một họa sĩ. Nhưng có lẽ số phận run rủi tôi cầm máy, và tôi trở thành một nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, dù bạn có là nghệ sĩ, họa sĩ, hay nhiếp ảnh, tất cả đều liên quan đến hiện thực và sự sáng tạo. Nhân duyên đưa tôi tới nhiếp ảnh là một câu chuyện khá dài và buồn.
Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền |
Năm 1989, tại đất nước Rumani, nhà cầm quyền Ceausescu bất ngờ bị sụp đổ. Một nhà báo đã đề nghị tôi giúp ông đi chụp hình các trại trẻ mồ côi để minh họa cho bài viết trên báo chí của ông. Tôi rất sẵn sàng giúp ông. Khi được chính mắt nhìn thấy tình trạng trẻ em trong các trại đó, tôi đã sốc. Tôi nhận thấy rằng, có quá nhiều trẻ em bị bỏ rơi, chúng bị đưa tới trại trẻ mồ côi và bị nhốt lại. Nhiều em nhỏ phải sống trong cảnh lạnh lẽo, không có lò sưởi, các em phải ăn uống ngay trên nền đất như loài vật. Tôi chưa từng chứng kiến điều gì khiến mình sốc tới vậy.
Chính vì vậy, tôi đã chụp những bộ ảnh trẻ em trong trại mồ côi bằng cả trái tim mình. Khi nhà báo đăng bài viết kèm ảnh minh họa, những bài báo và hình ảnh này đã được dư luận rất quan tâm. Từ đó, cuộc đời đã gắn tôi với những chiếc máy ảnh trên tay, đi khắp nơi trên thế giới, nhất là nơi nào có chiến sự, có những hoàn cảnh trẻ em khó khăn, hoặc người yếu thế.
Chùm ảnh từ "Mekong, chuyện con người" của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. |
Chùm ảnh từ "Mekong, chuyện con người" của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. |
Chùm ảnh từ "Mekong, chuyện con người" của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. |
Anh đã đặt chân tới rất nhiều nơi có vùng chiến sự, đất nước còn chiến tranh, loạn lạc, anh có thể chia sẻ về sự nguy hiểm khi tới đó?
Tôi đã đồng hành cùng Hiệp hội Nhân đạo Equilibre đi giúp người nghèo tại các nước đang có chiến sự như Iran, Iraq, Rwanda, Bosnia, nơi tôi ở lại làm việc toàn những chỗ mà chiến tranh, bom đạn, khủng bố… vẫn còn hiện hữu hàng ngày. Tôi đã nhiều lần thoát chết khỏi cảnh bom rơi, đạn nổ. Có một buổi sớm, khi tôi ngồi uống café tại một quán trong chợ, gần nhà thờ Hồi giáo thì nghe có tiếng bom nổ sát cạnh.
Thì ra, họ đánh bom khủng bố ngay sát chỗ tôi uống café. Tôi cầm máy chạy lại. Gần 150 người chết. Chân tay, máu vương vất quanh chợ. Tôi lại một lần nữa bị sốc và cảm thấy sợ hãi, không chụp thêm được tấm hình nào. Tuy nhiên, chiến tranh, bom rơi đạn nổ, khủng bố, cái nghèo đói, cũng không có gì ám ảnh bằng số phận trẻ em, từ trẻ em Rumani những năm 80 cho tới trẻ em người Kurd ở Iraq bị bỏ đói trong những năm 90…
Có lẽ đó là những hình ảnh ám ảnh anh suốt hành trình?
Rất nhiều sự ám ảnh khi tôi cầm máy lăn lộn trong các vùng chiến sự. Năm 1991, khi chụp những người Kurd tị nạn, có cảnh những người đàn bà đang giành nhau miếng ăn, người ta đói quá. Một người đàn bà ngừng lại, bà thấy tôi chụp hình, bà khóc. Tôi tưởng bà giận, nên tôi ngưng chụp vì sợ bà không vừa lòng. Nhưng bà bảo: “Chụp nữa, chụp nữa đi”. Tôi hiểu rằng, mình phải chụp để cả thế giới, để thấy người Kurd dưới chế độ Saddam Hussein (Iraq) khổ thế nào.
Nhân vật của tôi là những người dân thường, người nghèo, người lính, trẻ em… Chục năm sau gặp lại, có những thanh niên trẻ đã trở thành những người thành đạt, có chức vị. Họ vẫn nhận ra và rất quý tôi. Công việc của tôi lúc đó là vận chuyển đồ ăn, màn, đồ xây nhà, mời bác sĩ tới giúp đỡ, còn chụp hình là một phần của công việc. Bởi làm việc cho tổ chức nhân đạo nên tôi dùng nhiều loại máy, trong đó ưa dùng nhất có lẽ là Leica.
ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÁNH MẤT
Quay trở lại ký ức, khi còn là cậu bé người Việt nhưng sống ở Lào, anh còn nhớ những gì?
Hồi nhỏ, đa phần tôi được sống với bà, bà chăm chút tôi, nuôi nấng tôi. Bố mẹ ở Lào nghèo khổ quá, nên bà nuôi tôi là chính. Lúc nào tôi cũng đói. Đói cả ăn, lẫn học. Thế nên khi qua Pháp, tôi bù lại những cơn đói ấy. Tôi học, cho đỡ “khát”. Tôi luôn nhớ hồi nhỏ, mỗi lần gần Tết, ông bà tôi thường ngồi ngoài sân gói bánh tét, bánh chưng. Đó là những gì yêu dấu tôi nhớ mãi.
Ngày ra đi, từ Lào sang Thái, trên con thuyền vượt sông Mekong, liệu còn in dấu trong tâm trí anh?
Năm tôi 11 tuổi, bỏ học, cũng là năm 1975. Nhà nghèo quá, khi đó tôi bỏ học và theo học nghề để kiếm sống. Năm 14 tuổi, tôi theo gia đình vượt sông Mekong, tìm đường sang Pháp, phải trải qua hai năm tị nạn ở một trại Thái Lan. Thời mới sang Pháp, trừ lúc đi học, đi làm, còn lúc đi ngủ, tôi thường gặp ác mộng. Tôi nhớ bà, nhớ Việt Nam.
Quá nhiều lần tôi muốn trở về Lào sống với bà. Tôi mơ thấy bà mất, ông mất. Nhiều ký ức buồn dội lại, đôi khi, tôi cũng phải tới bác sĩ để điều trị. Ác mộng thường tới khiến tôi không ngủ được. Năm 25 tuổi, lần đầu tiên tôi trở lại Lào. Chẳng thể dùng từ nào để miêu tả, tôi mong muốn chụp mọi thứ, để khép lại quá khứ. Và để thấy một hình ảnh hiện lên từ dòng sông Mekong…
Anh đã tìm thấy rất nhiều tấm ảnh cũ chụp gia đình mình?
Tôi đã trở lại Lào sau hơn 10 năm sống bên Pháp. Thời điểm đó, Lào vừa mở cửa, Lào là quốc gia đầu tiên mở cửa như vậy. Tôi muốn quay về nơi đó để tìm lại bà của mình. Bà đã nuôi tôi khôn lớn, cả ông bà đã chăm sóc tôi suốt tuổi thơ thiếu thốn.
10 năm tôi gặp nhiều ác mộng, lặp đi lặp lại liên tục. Trở về, tôi mang theo một cuốn sổ ký họa, một chiếc máy ảnh để có thể chụp ảnh kỷ niệm. Rất may mắn, tôi đã tìm thấy những bức ảnh cũ. Chúng nằm ở nhà ông chú tôi. Đó là những tấm hình của ông bà tôi, của mẹ tôi, khi bà còn bé.
Anh đã sử dụng biện pháp tương tác, đem những tấm hình cũ đó tìm tới nơi đã chụp những bức hình này, để làm gì vậy?
Khi tôi không thể gặp lại quãng đời của những người trong ảnh nữa. Tôi tìm tới những nơi chụp tấm hình, chụp bức hình cũ có những người trong ảnh đang đứng đó, như biểu hiện của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Hay nói cách khác, đây là một cách để tìm lại quãng thời gian đã mất ở nơi nào đó.
Quãng thời gian tôi không được biết, quãng thời gian tôi vắng mặt. Khoảng trống bao quanh bức ảnh ở đây. Vậy đấy, việc chụp những bức ảnh tại thời điểm đó là bất khả thi. Vậy nên tôi chỉ chụp những bức ảnh của quá khứ, tôi cũng tìm lại được những bức hình của mình khi còn bé cùng mấy người bạn thân, tìm lại được ngôi nhà nơi tôi từng ở bên bờ sông Mekong.
Điều này thực sự ý nghĩa phải không thưa anh?
Vâng. Tôi có cảm giác tất cả những kỉ niệm của mình ở thời điểm đó bị gói lại, giấu kín. Và khi tôi trở lại Lào lúc đó, tôi nhận ra rằng, mình phải tìm lại những kỷ niệm trước khi chúng biến mất, trước khi tôi lãng quên tất cả.
Đối với tôi, những bức ảnh lưu giữ lại dấu vết của địa điểm, chất vấn hồi ức về địa điểm, và hình ảnh con sông Mekong chính là khuôn mặt bà tôi. Mỗi lần quay về Lào hoặc Việt Nam, việc đầu tiên tôi làm là chụp chân dung bà. Với tôi, tất cả những dấu vết xưa cũ này, chính là hiện thân cho “người mẹ của các con sông”.
Những đứa trẻ giống như tôi, số phận gắn liền với dòng Mekong. |
Vậy hành trình đi dọc sông Mekong, thực ra cũng là tìm chính mình?
Đúng vậy. Lần nào khám phá ngang dọc sông Mekong, tôi đều thấy mình như được bao bọc, hồi sinh. Tôi luôn thầm nhủ, đây chính là nơi chôn rau cắt rốn của mình, là quê hương của mình. Chính vì vậy, mỗi khi thực hiện xong các phóng sự tại các nước có chiến sự, tôi lại quay trở về Lào, Việt Nam để tìm lại cảm giác mình được truyền toàn bộ năng lượng từ con sông này, được con sông xoa dịu, được sống tự do. Dường như tất cả những áp lực bên ngoài đều bị con sông và dòng nước cuốn đi.
ƯỚC VỌNG XA XỨ
Sông Mekong trong ký ức của anh có điểm gì khác biệt với con sông thực tại?
Sông Mekong đã thay đổi nhiều so với khi tôi làm phóng sự về nó cách đây 20 năm. Ngày nay, có nhiều đập chắn ở thượng nguồn tại Lào, Trung Quốc. Với tôi, vấn đề dễ thấy nhất là tại Luang Prabang của Lào. Trước đây, mực nước vào mùa khô hạ xuống thấp, ta có thể thấy nhiều bờ cát. Vào mùa nước lên, các ngôi làng có thể bị ngập lụt. Tuy nhiên, một hai năm sau khi các đập chắn được xây dựng, dòng nước luôn giống hệt nhau, và nếu như nguồn nước tù đọng do sự điều phối của các con đập thì nay nước đã trở nên trong hơn.
Trước đây, nước chứa rất nhiều phù sa, thường xuyên có màu đỏ ngầu, các dòng chảy rất mạnh, Ngày nay, không còn các dòng chảy nữa, nước rất tĩnh. Đó là điểm khác biệt rất lớn của dòng sông xưa và nay. Bằng việc quay lại với quá khứ, tôi có rất nhiều ảnh của một dòng sông Mekong nói chung và một dòng sông Mekong rất riêng tư. Tôi có thực hiện một chủ đề là: “Ước vọng xa xứ” là bởi tôi tuy ở Pháp, nhưng tôi luôn cảm nhận tâm hồn mình trú ngụ trên dòng sông này.
Những bức ảnh từ "Mekong, chuyện con người" của nhiếp ảnh gia. |
Những bức ảnh từ "Mekong, chuyện con người" của nhiếp ảnh gia. |
Tôi đã gặp nhiều người và nghe họ kể câu chuyện của cá nhân mình. Đó là những người sống bên bờ sông Mekong. Tôi lắng nghe họ kể về cuộc sống của mình với dòng sông Mekong thân thiết của chính họ. Qua chuyện của họ và của mình, tôi nhận ra giữa người và sông luôn có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Đây là một mối quan hệ thật diệu kỳ!
Trong hành trình đi dọc sông Mekong, có nơi nào làm anh thấy ấn tượng nhất?
Tôi còn nhớ khi tới làng muối Dương Tình (Village Du Sel Yangjing), mang theo 20kg thiết bị trên lưng, chúng tôi đi bộ hơn một ngày đường mới tới được làng Dương Tình (Trung Quốc). Đây là một ngôi làng làm muối, giống như một ốc đảo, ngôi làng nằm lọt thỏm giữa thung lũng, một mặt kế sát bên dòng sông Mekong.
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi, đó là ô vuông đẹp tuyệt vời có màu nâu phù sa và trắng của muối dọc theo một khúc sông Mekong. Muối của làng Dương Tình nổi tiếng bởi sự quý giá lâu đời, từ thời Minh, chúng được tạo nên từ nguồn nước của sông Mekong.
Làng muối Dương Tình. |
Những người đàn bà làm muối ở đây rất chân chất, vui vẻ và họ như ở một thế giới khác không liên quan gì tới thế giới hàng ngày. Tôi luôn muốn quay lại nơi này, để được cùng họ thu hoạch muối. Đã lâu quá rồi, tôi muốn biết cuộc sống của họ giờ đây ra sao.
Còn ở Việt Nam, với anh, thương nhớ nhất là hình ảnh nào?
Đó là ở Sóc Trăng, khi tôi gặp một cô gái người Khmer. Cô kể chuyện đời cô cho tôi nghe, cô có cái thuyền nhỏ chở tôi quanh chợ nổi ở Cần Thơ, và đặc biệt, cô hát rất hay. Tôi lại khóc, bởi nghe giọng cô hát, tôi nhớ tới tiếng bà ru thuở nào. Tôi nhớ cả các món ăn bà thường làm như món cá kho, thịt luộc chấm mắm tôm… Và quanh tôi đâu đây, là tiếng hát hay tuyệt vời của cô gái chèo thuyền: “mưa trắng đêm buồn hắt hiu bên mình, nhớ xưa chúng mình ngồi chuyện trò âu yếm nhìn gió mưa xuyên lá cành,. Anh nhớ bên này mưa đổ nhiều không anh…
Xin chân thành cảm ơn anh!
Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền có cha người Việt, mẹ người Lào, sinh ra bên bờ sông Mekong, thị trấn Pakse, Nam Lào. Trải theo những năm tháng biến động, anh sang Pháp từ năm 14 tuổi, làm nhiều nghề để sống, sau đó theo học Trường Đại học Mỹ thuật Lyon, Pháp. Một lần đi chụp hình tại các trại trẻ mồ côi Rumani cho một nhà báo, anh trở thành nhiếp ảnh gia làm cho các dự án cộng đồng nhân đạo tại các vùng có chiến sự.
Anh đã lăn lộn các điểm nóng của thế giới như Rumani, Nga, Bosnia, Chechnya, Rwanda, Nam Sudan, Iraq suốt hơn 20 năm. Anh đã đoạt giải nhiếp ảnh quan trọng như Leica Award, Great European Award, giải Ảnh báo chí WPP cho bức ảnh “Người Iraq bị cấm vận”. Anh có một số cuộc triển lãm ảnh, và sách ảnh về sông Mekong có tên “Mékong, histoires d’home” (Mekong, chuyện con người), phim tài liệu “Mekong và nhiếp ảnh gia”. Hiện tại anh đang có dự án “Bình dị và phi thường-Photo camp cùng Lâm Đức Hiền” tại Viện Pháp (Huế) tháng 7/2022.
Nhiếp ảnh gia của Việt Nam chiến thắng ở hạng mục du lịch của giải SWPA năm 2021
Khánh Phan là tác giả Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng thắng giải mở rộng của SWPA, kể từ khi cuộc thi bắt đầu.