Chuyên gia nước ngoài cảnh báo mỗi năm TP.HCM lún xuống 80mm, bất động sản thiệt hại 1,5 tỷ USD nếu xảy ra 'đại hồng thủy'

Trong 30 năm tới, TP.HCM và ĐBSCL có thể bị xóa số khỏi bản đồ địa lý. Đây là một áp lực lớn đối với các nhà chức trách để tìm ra biện pháp ứng phó phù hợp.

Nằm trong khu vực đồng bằng bằng phẳng nhưng có đến 40-45% diện tích TP.HCM cao hơn mực nước biển chưa đầy 1m. Điều đó đã khiến nơi đây ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn, bão và mực nước biển dâng cao.

oasishub(2).jpg
Mực nước lũ tại TP.HCM ngày càng dâng cao. Ảnh: Oasis Hub

Nhiều khu vực của thành phố ven biển đã phải hứng chịu lũ, thủy triều thường xuyên. Tương tự, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đối mặt những đợt ngập mặn sâu. Nhưng biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra các vấn đề lũ lụt hay ngập mặn.

Vậy nên, một bàn cân được được đặt ra cho các nhà chức trách trên con đường tìm phướng án phù hợp bảo vệ sự sống là cố gắng tìm ra những giải pháp "sống với thiên nhiên" hay "kiểm soát thiên nhiên".

Gần 9 triệu dân ở TP.HCM sống chung với lũ

Những năm gần đây, trước biến đổi khó lường của khí hậu, nhiều người dân ở TP.HCM đã quyết định xây nhà lên cao từ 1-2m để tránh ngập lụt vào mùa mưa. Song, họ lại càng ngao ngán hơn khi cuộc sống ngày càng bị đe dọa bởi thủy triều dâng, kể cả những tháng nắng nóng.

Đối mặt với tình trạng thủy triều dâng, anh Hoàng Tuấn, người bán nước ven đường, thở dài cho biết, trên đường có những nơi ngập lút cả bánh xe. Nhiều hôm buôn bán ế ẩm anh thất thần nhìn nước lũ tràn xuống các con đường trong xóm. 

"Tôi ước tính mực nước cao lên chừng nào thì tôi lại nâng sạp hàng lên cao chừng đó. Nước càng lên, sạp càng cao… Khi nó tràn vào, chúng tôi phải sống chung với lũ", anh Hoàng chia sẻ.

insight-ho-chi-minh-city-sinking-2(1).jpg
Anh Hoàng Tuấn. Ảnh: CNA

Anh Hoàng chỉ là một dẫn chứng cho đại bộ phận người dân ở TP.HCM khi đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khi đường xá ngập, người dân lại có mong muốn nâng nền nhà cao hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kinh phí để làm.

Vấn đề được mở rộng và áp lực sẽ đặt ra cho các nhà chức trách khi TP.HCM có gần 9 triệu dân đang đứng ngồi không yên với thủy triều thì cơ sở hạ tầng để giảm thiểu lũ lụt vẫn chưa theo kịp. Điều đáng nói hơn, trong khi các cơ quan chức năng nâng đường thì người dân đua nhau nâng nền lên cao hơn mặt đường.

Chính sự gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng đã khiến thành phố chìm xuống mực nước biển tới 80mm mỗi năm trong suốt 20 năm qua. Nhưng tệ hơn là đi kèm với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

trieu-cuong-4(1).jpg
Nó thường là triều cường vào giờ cao điểm. Ảnh: Meta

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc vào năm 2050, các phần của đô thị lớn nhất Việt Nam có thể bị chìm dưới nước.

Và với một số giải pháp mà chính quyền đưa ra như xây một con đê khổng lồ hay còn gọi là hệ thống "siêu đê" đã làm dấy lên cuộc tranh luận về tính phù hợp và rủi ro.

Kênh rạch tự nhiên và thảm thực vật 'biến mất'

Nhà nghiên cứu về môi trường Vũ Điệp Hải Long đánh giá: "Nguyên nhân gây ra những trận lũ lụt và ngập sâu là do sự biến mất của các kênh rạch tự nhiên và không gian xanh giúp thoát nước của thành phố".

Thành phố đã phát triển không ngừng, có thêm 1,8 triệu cư dân từ năm 2009-2019, không bao gồm người nhập cư. Nhưng mật độ không gian xanh dành cho cây xanh của nó chỉ khoảng 2m2/người.

tphcm-hau-covid-19-nha-bang-tich-cuc-day-von-ho-tro-doanh-nghiep-184505.jpg
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết hầu hết thành phố được sử dụng tối đa mà không có không gian xanh. Ảnh: Nhà đầu tư

Ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch của NgoViet Architects and Planners, cho biết: "TP.HCM trên mực nước biển rất thấp. Ở các thành phố phát triển khác, con số đó có thể cao hơn gấp 10 lần mức thấp này hoặc hơn".

"Thành phố rộng hơn 2.000km2 đang phát triển quá nhanh nên cũng đang chìm dần, đặc biệt là những khu vực xây dựng gần bờ sông Sài Gòn, nơi đất mềm", ông Nguyễn Viết Kỳ, Trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và Dầu mỏ tại Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết.

Tiếp tục bàn về vấn đề cơ sở hạ tầng tại TP.HCM, ông Sơn nói, hiện nay mật độ dân cư phát triển không đồng đều, người dân tập trung chủ yếu ở những khu vực nền móng yếu. Vậy nên, sự sụt lún đất có thể xảy ra khá nhanh khi các nhà cao tầng được xây dựng.

Khai thác nước ngầm và cát 'quá mức'

Khi trời mưa lớn, chúng ta có thể thấy rằng khu vực bị ngập lụt nhiều nhất là khu vực bên cạnh khu vực phát triển. Một nguyên nhân khác gây ra sụt lún là việc khai thác quá mức nước ngầm, điều này sẽ tạo ra các hốc ngầm có thể bị sụp đổ, do đó làm cho lớp đất trên cùng bị lún xuống.

Tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Điều hành enCity, cho biết: "Hàng nghìn giếng nhỏ, lớn với quy mô nhà ở hoặc quy mô công nghiệp đã được xây dựng. Ở mức cao nhất, chúng tôi có thể quan sát hơn 1 triệu m3 tổng lượng nước ngầm khai thác mỗi ngày trong suốt 20 năm qua".

Song, đến nay con số này đã giảm xuống đáng kể còn khoảng 300.000m3. Theo tờ CNA, việc giảm khai thác nước ngầm là vấn đề rất quan trọng, và không chỉ TP.HCM đang chìm trong nước mà có thể là cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) .

Toàn bộ vùng châu thổ đang chìm nhanh hơn mực nước biển dâng. Tại các điểm nóng, chúng ta đang chìm nhanh hơn 10 lần so với mực nước biển dâng. Giống như ở TP.HCM, việc khai thác nước ngầm đã làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún".

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL

Ngoài vấn đề khai thác mực nước ngầm, một số chuyên gia còn cho rằng việc sụt lún ở ĐBSCL còn do khai thác cát. Ông Marc Goichot, Trưởng nhóm của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng cát là nguyên liệu không thể thiếu để xây dựng nhà, đường xá. Do đó, các ở khu vực đồng bằng cát không được đổ đầy vào.

insight-ho-chi-minh-city-sinking-7.jpg
Ông Marc Goichot, Trưởng nhóm của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: CNA

"Ngay cả khi chúng tôi ngừng khai thác nước… thì tình trạng sụt lún sẽ tiếp tục. Nó sẽ chậm hơn, nhưng nó sẽ tiếp tục. Vì vậy, cách duy nhất để giải quyết tình trạng sụt lún là đảm bảo nhiều phù sa hơn để có thể được lắng đọng ở các vùng ngập lụt", ông Goichot cho biết.

Dự báo mức thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng 

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng cũng sẽ khiến TP.HCM phải trả giá đắt. Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey ước tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng mà TP.HCM gánh chịu nếu xảy ra một trận lũ lịch sử là từ 200-300 triệu USD, tương đương khoảng 4.000-7.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, còn có một khoản thiệt hại đi kèm sau đó ước tính có thể thêm 100-400 triệu USD, khoảng 2.000-10.000 tỷ đồng. Riêng bất động sản thiệt hại có thể lên tới 1,5 tỷ USD, khoảng 34.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý là vào năm 2050, tác động kinh tế có thể nâng những con số vừa nêu trên cao hơn từ 5 đến 10 lần.

7-1-.jpg
Nếu thủy triều dâng lên đủ cao, nó có thể làm hư hỏng các phương tiện và tài sản. Ảnh: TTXVN

Không riêng TP.HCM, ĐBSCL cũng nằm trong tình cảnh "nghìn cân treo sợi tóc" khi ngập mặn đàng dần tàn phá vụ mùa và cây cối nơi đây.  Ông Đặng Nhã Công (75 tuổi, Cần Thơ), một người người được sinh ra trong một gia đình có 5 đời gắn bó với truyền thống làm nông, hiện đang lo lắng về tương lai của đất nông nghiệp và các loại trái cây nhiệt đới của mình, ngay cả khi đã xây rào chắn xung quanh.

"Nếu trang trại bị ngập lụt, tất cả cây cối sẽ chết", ông Công chia sẻ.

Đề xuất "siêu đê" có tầm nhìn xa nhưng không giải quyết ngập lụt

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu trong tương lai. Đây được xem là một lời cảnh báo nghiêm trọng đối với chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương ở những khu vực có thể bị ngập lụt do mực nước biển dâng cao.

Hiện tại, mức tăng mực nước biển trung bình được đo tại thành phố cảng Vũng Tàu trong 40 năm qua là 0,45cm mỗi năm, được các chuyên gia đánh giá là "tương đối cao".

Để bảo vệ TP.HCM và khu vực lân cận, chính quyền đã đề xuất xây dựng một bức tường biển dài 23km hoặc dài hơn từ Vũng Tàu đến vùng ven biển Gò Công, với chi phí có thể lên tới 6,8 tỷ USD, tương đương hơn 156.200 tỷ đồng.

insight-ho-chi-minh-city-sinking-10.jpg
Hệ thống sông ở ĐBSCL. Ảnh: CNA

Đề xuất này sẽ giúp ngăn nước biển dâng tràn vào đồng bằng. Một số chuyên gia đánh giá đây là một "đề xuất có tầm nhìn xa" và "có ý nghĩa". Tuy nhiên, số khác lại cho rằng đây chỉ một biện pháp "ngắn hạn" để giảm bớt vấn đề mực nước biển dâng nhưng không giải quyết các vấn đề chính khác.

Nhắc đến vấn đề nước biển dâng, nhiều người không thể không nhắc đến Hà Lan. Song, so với nền kinh tế vững mạnh như nước bạn, Việt Nam lại khó có thể áp dụng những biện pháp đê điều như họ.

Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho biết, tình trạng kinh tế của chúng ta không giống như Hà Lan và nói thật, cái giá phải trả sẽ rất cao. Hơn nữa, hệ sinh thái mỗi quốc gia đều khác nhau, vậy nên Việt Nam không thể sao chép cách xây dựng đê điều của Hà Lan.

7-349.jpg
Với những con đê, động vật hoang dã có thể biến mất. Ảnh: Daniel Trim

Không dừng lại ở chuyện mực nước biển dâng hay sụt lún, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thử thách. Theo lời ông Goichot, nếu các bức tường và đê điều được hình thành, có nghĩa chúng ta đang ngăn chặn sự di chuyển của các chất dinh dưỡng, là thức ăn cho các sinh vật sống.

Khi chúng ta tạo ra những rào cản đối với nơi chúng kiếm ăn hoặc nơi chúng đến đẻ trứng, nó sẽ ảnh hưởng đến vòng đời của chúng.

Ông Goichot giải thích thêm, người Hà Lan có một trong những châu thổ an toàn nhất trên hành tinh vì họ có thể tự bảo vệ mình khỏi lũ lụt. Trái ngược với mặt tích cực này, họ đã đánh mất nghề cá và mất đi sự đa dạng sinh học. Trong khi những yếu tố này tạo ra nguồn thu nhập rất cao. Vì thế, hiện giờ họ đang dỡ bỏ các con đê.

insight-ho-chi-minh-city-sinking-11.jpg
Mô phỏng hệ thống đê tại các cửa ngõ. Ảnh: CNA

Tại Việt Nam, ĐBSCL đã xây dựng hệ thống đê điều cao khắp mọi nơi để bảo vệ đất nông nghiệp. Nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề ngập lụt.

Ông Thiện nói: "Khi thủy triều lên từ biển, đẩy nước sông trở lại… sông không thể tìm thấy đủ không gian vì tất cả các vùng đất khác đều bị chặn bởi các con đê cao. Nước phải tìm chỗ để thoát, và trong những khu vực đô thị, trong các thành phố, nơi chúng vẫn còn khá rộng mở là nơi thích hợp nhất”.

"Sống với thiên thiên" hay "kiểm soát thiên nhiên"

Bất chấp những phản đối đối với kế hoạch "siêu đê" vì nó ảnh hưởng đến môi trường và tốn kém về mặt tài chính, các dự án có vẻ vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, nếu để cải thiện khả năng phòng thủ của TP.HCM, dự án sẽ không chỉ tốn kém mà còn mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Tại Hàn Quốc, dự án cải tạo đất và đê biển Saemangeum dài 33km đã mất 30 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng. Vậy nên, để xây dựng bức tường biển Việt nam cần gần 20 năm để xây dựng.

Trong khi đó, các chuyên gia dự báo rằng TP.HCM chỉ còn gần 30 năm nữa sẽ chìm trong biển nước. Với mực nước biển dâng cao, sụt lún đất và những bất cập về cơ sở hạ tầng, liệu có thể làm gì khác để cứu trái tim kinh tế Việt Nam?

bao-my-nhan-dinh-toan-mien-nam-ngap-vao-2050-chuyen-gia-len-tieng1572613603.jpg
Vùng ngập trong nước biển ở miền nam Việt Nam năm 2050 trong dự báo cũ và dự báo mới. Đồ họa: New York Times.

Trước thực tế này, các nhà nghiên cứu về tài nguyên và môi trường nhận định: Đầu tiên, các cơ quan chức năng phải giải quyết nhanh chóng và hiệu quả việc khai thác nước ngầm; Thứ hai, chúng ta phải phát triển thêm không gian xanh và các hồ chứa nước xung quanh TP.HCM; Cuối cùng, thành phố phải cải thiện hệ thống thoát nước hiện tại, đây là điều rất quan trọng.

Nhìn lại mọi sự cố gắng của các nhà chức trách trước những biến đổi khí hậu, ông Goichot cho rằng, chúng ta hãy làm tất cả để có thể "sống với thiên nhiên" chứ không phải cố gắng để "kiểm soát thiên nhiên". Đó không chỉ là một khái niệm hay, hấp dẫn, mà nó thực sự là những gì chúng ta cần làm.

Song ông cũng khẳng định lại: "Nó không dễ thực hiện, nhưng có lẽ đây là cách hiệu quả nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu".

XUYẾN KIM