Chiều 17/11, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến thuỷ điện Thượng Nhật (tại xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông). Cùng đi với đoàn kiểm tra có đại diện Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông.
Ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật (bên phải). Ảnh: NGUYỄN DO |
Ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) cho biết, từ cơn bão số 5 tới nay, về mặt điều hành, quản lý công ty luôn tuân thủ chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhưng tại một số thời điểm doanh nghiệp này phải đóng cửa van một phần để khắc phục sự cố, khơi thông dòng chảy.
Lý do được ông Khoa đưa ra đó là mưa lớn gây sạt lở, dòng chảy không lưu thông được, cát đá có thể vùi lấp nhà máy, vì vậy để đảm bảo an toàn, công ty đã chủ động đóng một phần cửa van để giảm lưu lượng nước. Về việc ký hợp đồng bán điện cho Tổng công ty điện lực miền Trung, ông Khoa nói rằng công ty được cấp giấy phép hoạt động điện lực, có hợp đồng mua bán điện nhưng chưa bán điện thường xuyên.
Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, ông Khoa cũng cho biết vừa qua chủ đầu tư đã có chậm trễ, sai sót nên xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục.
Trước những báo cáo này, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông nói: "Đơn vị hãy trung thực trong việc báo cáo, khách quan, đừng quanh co".
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định công ty này nhiều lần không thực hiện theo quy định của tỉnh về việc mở hoàn toàn 5 cửa van trong phòng chống bão số 13 buộc Công an huyện phải kiểm tra theo dõi 24/24 giờ. Đến khi đoàn kiểm tra rút lui thì thủy điện này vẫn tiếp tục đóng 4 cửa van. "Vì sao rất nhiều văn bản, sở ngành, của huyện và kể cả trung ương nhưng không thấy công ty thực hiện, có ai chống lưng hay không thì tôi và đồng chí Phụng không biết" - ông Hồ nói.
Cũng theo ông Hồ, có nhiều vị trí sạt lở tại khu vực hồ thủy điện và vẫn còn nhiều hộ dân còn vướng mắc giải quyết bồi thường. Sau khi được lệnh, công ty đã xả ào ạt nước khiến một thôn 78 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì nguy hiểm. Đầu năm 2020 thủy điện này được UBND tỉnh cho tích nước thử nghiệm trong vòng 3 tháng, dù đến nay đã hết hạn nhưng công ty này chưa được cấp phép gia hạn mà vẫn tiến hành tích nước.
Sau khi lắng nghe ý kiến của chủ đầu tư và đại diện huyện Nam Đông, ông Tô Xuân Bảo cho biết, trên thực tế doanh nghiệp đã không tuân thủ theo chỉ đạo. Khi lực lượng chức năng phát hiện ra sự việc thì thủy điện đã tiến hành xả nước khiến dòng nước tăng đột biến làm nhiều hộ tại hạ du phải di dời. Việc thủy điện không mở hoàn toàn 5 cửa van như yêu cầu là không thể chấp nhận. Việc không tuân thủ theo quy định sẽ gây nguy hiểm cho thủy điện và cả phần hạ du.
Ông Tô Xuân Bảo yêu cầu chủ đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế chuẩn bị các văn bản liên quan để ngày 18/11 đoàn tiếp tục có cuộc họp tại Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Bảo khẳng định rằng chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ hoặc chưa tuân thủ các quy trình, quy định, trong đó có các quy định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, quy trình vận hành.
"Theo Nghị định của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì chúng tôi đã có thể xử phạt vi phạm hành chính ngay. Còn về giấy phép hoạt động điện lực, các anh nếu không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương thu hồi"- ông Bảo khẳng định.
Bộ trưởng Công Thương: Các hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ
Các đập thủy điện đều thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa. Trong đó 401 hồ chứa đã được phê duyệt phương án ứng phó thiên tai.