Cũng như nhiều công ty hàng đầu khác, Samsung đã vượt qua giai đoạn thăng trầm để có được vị trí như hiện tại. Năm 1997, không ít công ty đã gục ngã và chấp nhận thua cuộc trong cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng Samsung vẫn trụ vững, và trở thành tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc.
Hiện tại, Samsung có hơn 400.000 nhân viên trên toàn thế giới và kinh doanh đa ngành nghề, như đồ điện tử, hóa chất, thương mại, xây dựng, dệt, chế biến thực phẩm…
Căn bệnh Samsung
Người dân Hàn Quốc không ngừng tự hào về Samsung, vì tập đoàn này hiện chiếm khoảng 15% toàn bộ nền kinh tế đất nước. Samsung cũng đứng đầu thế giới về thị phần của các sản phẩm như điện thoại thông minh, màn hình hiển thị và chip nhớ.
Để có được thành công này, không thể không nói đến khả năng lãnh đạo của cố Chủ tịch tập đoàn Lee Kun Hee. Ông tiếp quản đế chế Samsung vào năm 1987, khi vị Chủ tịch sáng lập qua đời.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Samsung chỉ có “tiếng nói” ở thị trường trong nước. Hầu hết các sản phẩm của Samsung đều không cạnh tranh được khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ… Bởi, tuy có giá thành rẻ nhưng lại không đảm bảo được về mặt chất lượng.
Một "cứ điểm" của Samsung tại thị trường nước ngoài. |
Cố Chủ tịch Samsung khi đó đã vô cùng lo lắng trước thực trạng của công ty. Ông cầu viện và nhận được lời khuyên của cố vấn người Nhật Fukuda, rằng: “Samsung Electronics mắc ‘căn bệnh Samsung’, đó là bệnh lãng phí, làm việc không có kế hoạch, thiếu triệt để.
Căn bệnh khiến Samsung không phân biệt được các chiến lược vi mô và vĩ mô. Nếu căn bệnh này không được chữa khỏi thì Samsung chắc chắn sụp đổ”.
Lời khuyên này cùng với một vài vụ việc phát sinh sau đó đã khiến cố Chủ tịch Lee vô cùng bàng hoàng.
Một sự kiện trong số đó là “dao cạo máy giặt”. Vụ bê bối này liên quan đến quy trình sản xuất máy giặt kém chất lượng của Samsung. Cụ thể, một nhân viên của công ty đã dùng dao cạo để gọt cửa máy giặt cho khớp với phần bản lề. Cú sốc khiến Lee Kun Hee gần như suy sụp.
Tiếp đó, trong cuộc khảo sát thị trường ở một trung tâm thương mại tại Los Angeles (Mỹ), Lee Kun Hee đã nhìn thấy các sản phẩm mang thương hiệu Samsung bị đóng bụi và xếp xó trong quầy hàng. Thay vào đó, sản phẩm của các thương hiệu lớn như GE, Sony, Philips,… được trang hoàng rực rỡ, và nhiều khách hàng chú ý đến.
Từ lần khảo sát đó, Lee Kun Hee đã nhận thấy rõ vị trí của Samsung ở thị trường nước ngoài, và ông quyết tâm khắc phục nó.
“Thay đổi tất cả trừ vợ và con bạn”
Tháng 2/1993, Lee Kun Hee đã triệu tập các giám đốc phụ trách sản xuất hàng điện tử của Samsung đến Frankfurt (Đức). Tại đây, ông đã đưa ra những chính sách mới để thay đổi cách làm việc của Samsung, từ đó mở ra cuộc đại cách mạng trong lịch sử của công ty.
Trong “Tuyên ngôn Frankfurt”, ông đã nói với cấp dưới: “Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con”.
Trong suốt 4 tháng, ông đã đưa gần 2.000 nhân viên và lãnh đạo của Samsung cùng đi khảo sát ở khắp các thị trường nước ngoài, như Los Angeles, Tokyo, London… Chuyến đi mang cả tâm huyết của vị cố chủ tịch, nhằm cải tổ công ty.
Ông nhìn thẳng vào hiện thực, rằng Samsung không thể cứ mãi “ếch ngồi đáy giếng” và tự mãn với thành quả đạt được ở thị trường Hàn Quốc, mà cần phải thức tỉnh để tiến ra quốc tế.
Ông Lee Jae Yong, người được kỳ vọng sẽ thay cha mình đưa Samsung thống lĩnh thị trường toàn cầu. |
Sau bản tuyên ngôn này, Samsung như trở thành một trung tâm giáo dục khổng lồ với những cuộc họp kéo dài gần 10 tiếng. Đồng thời, trong những chuyến công tác nước ngoài, Lee Kun Hee cấm nhân viên của mình di chuyển bằng máy bay. Ông cho rằng, khi sử dụng các phương tiện công cộng như tàu cao tốc, xe buýt sẽ giúp mọi người cảm nhận rõ hơn về văn hóa, cũng như cách sống của người dân nước đó.
Bên cạnh đó, ông cũng là người đi tiên phong trong xu hướng làm việc tại nhà, không nghe điện thoại và tiếp khách. Theo ông, làm việc tại nhà giúp cấp dưới rèn khả năng tự quyết, cũng như chịu trách nhiệm với quyết định này.
Do đó, công chúng ít thấy ông xuất hiện trong các sự kiện thường niên. Vị cố chủ tịch thường giao các công việc hàng ngày cho cấp dưới. Thay vào đó, ông dành thời gian để suy nghĩ và ra các quyết định “sống còn” cho tập đoàn.
Ông có sở thích đọc sách báo và thường hay chia sẻ những điều mà mình cảm thấy ấn tượng cho mọi người. Ngoài ra, ông cũng yêu thích các môn thể thao vận động như chơi golf, cưỡi ngựa, trượt tuyết…
Nikkei Asian đã bình luận về vị cố chủ tịch Samsung là “trầm lặng nhưng có sức lôi cuốn cao. Ông Lee dường như nhìn thấu tâm can của mọi vấn đề”.