Cô giáo Nguyễn Ngọc Dậu: Cuộc gặp gỡ trong mơ và trong tranh

Câu chuyện “vì sao tôi vẽ” của cô Dậu như cuốn tiểu thuyết có tình yêu, có khói bom chiến tranh, và dường như ranh giới âm dương chưa hề cách biệt.

Chưa học mỹ thuật một ngày nào, nhưng cô giáo dạy Văn người Thái Nguyên Nguyễn Thị Ngọc Dậu lại làm cho không ít họa sĩ có tiếng trong giới hội họa ở Hà Nội phải lên tiếng giới thiệu, công nhận và ngợi ca cô - người họa sĩ tuổi 76. Câu chuyện “vì sao tôi vẽ” của cô Dậu giống như một cuốn tiểu thuyết có tình yêu mãnh liệt, có khói bom của chiến tranh, và dường như ranh giới giữa âm dương chưa hề cách biệt.

MỐI TÌNH TRONG SÁNG

Vì sao đến tuổi 76, cô mới cầm bút vẽ?

Tôi thực chất là một giáo viên dạy Văn ở Thái Nguyên. Gia đình tôi có lẽ cũng có gen từ ông tôi, hai người anh và em tôi cũng theo ngành mỹ thuật. Người em tôi trước khi bị tai nạn để lại bức phác thảo dang dở, tôi đã cầm bút vẽ tiếp. Và từ đó, tiếp nối khoảng 100 bức vẽ khác. Tôi nguyện sẽ làm triển lãm, thay cho người anh, và người em bị tai nạn nằm một chỗ mà tôi đã chăm sóc nhiều năm nay. Cả ba làm nghệ thuật nhưng chưa từng triển lãm bao giờ. Tôi nguyện sẽ làm điều đó, và tôi đã làm được thật. Sau khi lo cho anh cả mất trước triển lãm 2 tuần, tôi lụi cụi tới nhà triển lãm 16 Ngô Quyền để khai mạc. Thật sự mọi thứ như là định mệnh sắp đặt.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Dậu.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Dậu.

Khi cầm bút vẽ, có gì cản trở cô không, chẳng hạn sự tự ti?

Thực sự là không có gì có thể cản trở được tôi. Kể cả ai có chê bai dè bỉu, ai có nói vào mặt tôi là tuổi gì mà triển lãm được, mà vẽ thế ai cho triển lãm, tôi cũng cứ vẽ. Khi cầm bút, tôi đã tự tin mình có thể vẽ và để triển lãm một phòng tranh thay cho anh và em mình. Trời phú cho tôi, không học mỹ thuật ngày nào nhưng tôi tự biết cách pha màu, về tạo hình lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ, kể cả việc sử dụng chất liệu. Song trong quá trình vẽ, tôi tự rút kinh nghiệm cho mình, cứ như mình đang tự học. Mà càng vẽ, càng ham. Có đêm không ngủ được, tôi lại dậy ngồi vẽ, cho đến lúc mệt thì đi nằm.

Tác phẩm
Tác phẩm "Phiên chợ vùng cao".

Tôi cũng không sợ ai chê mình cả. Nếu có ai góp ý cho mình thì tốt quá, nhưng lại chẳng có ai góp ý cho mình. Mà kỳ lạ thay, không được học một ngày nào về mỹ thuật, nhưng tôi cũng am hiểu được cả thuật ngữ về mỹ thuật. Chính vì thế, tôi tin mình sẽ có một cuộc triển lãm tranh và đến nay, ước mơ đã thành sự thực. Nhưng trước khi triển lãm, tôi cũng tự hỏi: Không biết phòng tranh triển lãm của mình có xứng đáng là một phòng tranh không? Và triển lãm lúc đại dịch thì chắc gì đã có ai tới xem tranh, chứ đừng nói gì tới có ai đó mua tranh của mình. Tôi rất lo lắng, nhưng được sự động viên của Giám đốc Nhà triển lãm tranh 16 Ngô Quyền, tôi vững lòng và vượt qua tất cả. Một mình lầm lũi làm mọi việc, một mình lo kinh phí, lo thuê xe, mi tranh, chuyển tranh ra triển lãm. Triển lãm thành công ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi vô cùng xúc động.

Phải chăng cái sự một mình ấy, luôn theo cô trong suốt cuộc đời? Có cảm giác cô luôn là một người hy sinh vì người khác?

Khi là cô giáo dạy Văn, mẹ tôi ốm, ở với gia đình người con trưởng, nhưng hàng ngày, tôi luôn tranh thủ sang chăm mẹ, giặt giũ, hầu hạ mẹ. Nhiều lúc rét căm căm, lôi cái chăn của mẹ ra suối giặt, nước xiết mạnh, giống như muốn lôi cả người lẫn chăn đi, tôi sợ lắm. Nhưng cũng chiến thắng nỗi sợ, chiến thắng sự vất vả khi đạp xe 6km ngày mấy lượt để chăm mẹ. Nhiều khi về buổi trưa không có gì ăn, chăm mẹ xong, lại tất tả đi dạy học, chiều về lại chăm mẹ xong, lại đã đến tối mịt đi về nhà, soạn giáo án xong cũng hết đêm.

Tác phẩm
Tác phẩm "Đường về bản".

Cả đời tôi chỉ biết hy sinh cho mọi người. Cả người nhà và cả người ngoài. Tôi hy sinh như vậy, nhưng mấy ai biết ơn tôi đâu, nhưng đối với tôi, làm, là làm với cái tâm của mình, còn ai hiểu đúng hay hiểu sai, tôi cũng mặc. Bởi tôi không lập gia đình, nên nhiều cái cũng thiệt thòi lắm. Tôi có buồn, nhưng không bao giờ khóc, tôi giấu trong tâm của mình. Và thay vào đó, tôi cười. Nhưng bù lại, trong cuộc sống tôi được nhiều học sinh, bạn bè hiểu, yêu mến, thương và quý trọng. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với tôi.

Những vất vả ấy có khiến cho cô không trở thành cam chịu, và mạnh mẽ hơn cả đàn ông?

Thực chất, tôi cũng cảm thấy mình mạnh mẽ giống như nam giới. Thời kháng chiến chống Mỹ, tôi đi học cách trường 10km đêm về vắng vẻ, tôi cũng không sợ. Tôi yêu nước vô cùng, nên tôi tự rèn luyện mình phải có lòng dũng cảm. Có đêm, một người bộ đội không tìm thấy sân ga, một mình tôi dám sẵn sàng đưa anh ấy ra ga, tay cầm một chiếc gậy tre, quần xắn cao, khi về, đường rất vắng vẻ, toàn đồi sim, guột, mà làm gì có đường lớn, chỉ có đường mòn và đường men những bờ ruộng bé nhỏ.

Tác phẩm
Tác phẩm "Hoa cỏ xứ Lạng".

Tôi đã từng viết đơn tình nguyện đi bộ đội để được trực tiếp vào Nam đánh Mỹ, năm 1967, tôi đã trích máu trên 10 đầu ngón tay viết đơn tình nguyện, thế mà cũng không được đi vì gia đình đã có anh và em trai đi chiến đấu rồi. Hồi đó, mỗi khi máy bay đánh phá khu gang thép Thái Nguyên, tôi nhất định không xuống hầm, mẹ tôi kéo chân xuống, nhưng tôi lại bò lên, chui dưới hàng cây sắn để theo dõi máy bay địch và tên lửa của ta. Nhìn máy bay bỏ bom lò cao gang thép lửa cháy rực, lòng tôi đau quặn. Chính vì vậy, tôi hay buồn, chứ không vô tư như các bạn cùng trang lứa. Mọi riêng tư, tôi không màng tới. Những năm tháng đó, có rất nhiều chàng trai đặt vấn đề yêu đương với tôi, là vô nghĩa. Có khi còn bị tôi “lên lớp” là không mạnh mẽ lúc đất nước còn đang khói lửa, cuộc chiến đấu còn đang tiếp diễn. Tôi thích những chàng trai mạnh mẽ, ghét kẻ cơ hội, yếu đuối. Có kẻ yêu tôi, bảo tôi là: “Sao em là con gái mà ước mơ và làm gì cũng giống con trai vậy”.

Cho đến ngày gặp chàng trai của đời mình, cô có thể chia sẻ ngày đầu tiên và mối tình duy nhất của đời mình?

Năm ấy tôi 21 tuổi, tóc dài tới kheo chân, tết bím hai bên. Một lần tới nhà bạn ăn cơm thì tình cờ gặp anh, anh là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn Sông Lô, hai bên chào nhau chỉ có vậy. Hôm sau tôi lại vô tình gặp anh ở chợ, sau đó anh mời đi uống nước ở gốc cây đa. Chỉ có cốc siro và chiếc bánh quy mà sao tôi nhớ mãi. Anh bỏ lá thư vào bao gạo từ lúc nào mà tôi không biết. Chia tay, mỗi người một ngả. Sau tôi phải nhờ bạn tôi phân tích lá thư có nội dung ngụ ý xa xôi, bạn tôi bảo, anh ấy yêu em rồi đấy. Một lần anh tới, và đưa lá thư hẹn gặp nhau ở đồi thông lúc 12 giờ trưa mai.

Tác phẩm
Tác phẩm "Trở về".

Buổi gặp nhau ấy tôi đã vẽ lại thành một bức tranh, hai đứa gặp nhau có nói gì được nhiều đâu, tôi tặng anh chiếc khăn tay móc viền, thêu cành hoa hồng, thêu hai chữ kỷ niệm. Đến cái nắm, cái cầm tay cũng chưa kịp có, lời yêu cũng chưa, hẹn hò cũng chưa. Sau đó anh phải đi B, đến Quảng Bình. Anh có viết thư về, nhưng người anh trai tôi lại là người nhận được lá thư, anh cắt bớt một số đoạn, và chỉ đưa cho tôi một khúc thư có vài dòng thông báo về tình hình chiến trường, đạn bom ác liệt. May mắn thay, người anh trai của tôi còn đưa cho tôi bức hình chụp anh đang cầm ống nhòm, bức ảnh bé nhưng thực sự đó là nguồn an ủi duy nhất của tôi cho tới tận sau này, tôi đã vẽ lại anh để thành ảnh thờ.

BÔNG HOA RỪNG CỦA ANH

Từ đó, cô không nhận được lá thư nào, tin tức nào của chú nữa?

Rất lâu không có tin tức của anh, vô tình một lần, năm 1969, mẹ cho tôi về Giao Thủy tránh bom. Trời hơi mưa, tôi lấy túi che đầu, bỗng có tiếng gọi “Em Dậu ơi”. Thì ra là anh.  Anh từ chiến trường ra ngoài Bắc an dưỡng, nay hết hạn, phải vào tuyến trong. Anh đi cùng một cô bộ đội và giới thiệu đây là cùng trung đoàn. Khi cô gái đó hỏi, người yêu của anh đấy à, anh lại bảo: “Không, người em ở nơi tôi từng đóng quân”. Tôi dỗi, bỏ đi trước lên tàu. Lên tàu, ngồi một lúc, thì anh lên và ngồi cạnh. Lạ là bao người đi qua, họ lại bỏ không ngồi cạnh, có lẽ định mệnh sắp đặt để anh được ngồi cạnh tôi. Anh nói: “Có lẽ em thích những Tiến sĩ, Phó tiến sĩ, hay kỹ sư, chứ em không cần anh lính xanh cỏ đỏ ngực này nữa phải không?”. “Anh nhầm rồi. Em còn muốn ra chiến trường cầm súng chiến đấu cơ mà”.

Tác phẩm
Tác phẩm "Khi mùa xuân về"

Anh bảo tôi cho địa chỉ, nhưng lúc đó, tới nhà người họ hàng thì tôi cũng chưa tới bao giờ để biết được địa chỉ chính xác, mà anh thì cũng di chuyển nơi đóng quân liên tục, thành ra hai chúng tôi lại bị mất dấu anh.  Sự im lặng lại diễn ra. Chỉ còn tiếng xình xịch trên tàu. Không khí nặng nề bao trùm. Chuyến tàu sắp dừng tại ga xép, nó ngắn, và nhanh quá. Tới Nam Định, anh nói: “Bắt tay anh đi em”.  Tôi đưa tay nắm tay anh. Sự đụng chạm đầu tiên trong cuộc đời hai đứa. Chia tay nhau. Ánh đèn sân ga vàng vọt làm tôi buồn vô cùng.

Cứ như vậy, cho tới khi tôi nghe tin đại đội của anh đang tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và anh đã hy sinh tại đó.  Được tin anh mất, tôi có tìm tới nhà anh nhưng không còn tin tức gì, bố mẹ anh thì đã mất từ trước. Vậy thôi chứ cũng không có giấy tờ tin tức chính xác nào, bởi tôi đã là gì với anh đâu.

Cô có đi tìm mộ của chú không?

Suốt cả quãng đời, tôi ở vậy, bởi cảm thấy không thể yêu ai, tới với ai được. Anh thực ra đã có lần báo mộng cho tôi, mà tôi không hề hay biết. Một lần tôi nằm mơ, cháu gái hiện về báo cho tôi là anh đã mất ở một cánh rừng Kon Tum, trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975. Tỉnh giấc, tôi đau đớn, nhớ da diết, tôi quyết định “gọi” anh về xem sao. Không ngờ, anh về thật.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Dậu tại triển lãm của mình.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Dậu tại triển lãm của mình.

Anh nói anh đã bị bom nên thân thể không còn gì nữa, nhưng anh cũng có nguyện vọng được làm một ngôi mộ cho dù là giả ở nghĩa trang liệt sỹ nào đó. Anh nói tôi phải là người làm việc đó, mà tới giờ, tôi vẫn chưa biết làm cách nào để thực hiện nguyện vọng đó cho anh. Nếu ai biết thì mách cho tôi với. Anh báo cho tôi tất cả sự hy sinh của anh ở chiến trường, anh nói niềm thương, nỗi nhớ, tiếng yêu, và thủy chung với tôi trọn vẹn. Tôi khóc và càng yêu anh tới chừng nào.

Vì sao cô nói, hiện cô có hai vong theo, và chú thường hay hiện về, làm thơ với cô? Chú vẫn sống với cô, một người âm, và một người dương, bất chấp cách biệt?

Vâng, tôi có hai vong theo. Một là cháu bé là con của người cháu tôi, tôi chăm cháu từ bé, và cháu mất khi được 2 tuổi. Cháu theo để bảo vệ tôi, cháu cũng thường hay hiện về, và đọc thơ cho tôi chép. Sau đó cháu bảo dắt ông về, là anh đấy. Ngày 1/4 Ất Mùi 2014, có lẽ là ngày cưới của hai chúng tôi, người âm, kẻ dương, kể từ đó, anh về liên tục và cũng đọc thơ cho tôi viết ra giấy. Bắt đầu là tập “Linh hồn người lính trẻ”. Giờ đã được 10 tập thơ. Đó là những lời dồn nén từ linh hồn anh. Hình hài của anh không còn, nhưng tình cảm của anh đối với tôi, quê hương, đất nước, cũng như nguyện vọng của anh, của đồng đội anh, vẫn cứ trở về với tôi, với người đang sống. Tới giờ, anh vẫn là một người chiến sĩ vô danh, cô đơn lạnh lẽo nơi rừng già. Các anh không còn gì nữa, các anh không đòi hỏi gì, thời gian đã bôi xóa tất cả, kể cả sự hy sinh trong âm thầm, không tên, không lưu danh gì của các anh.

Cô thích nhất bài thơ nào của chú?

Đó là bài “Em là bông hoa giữa rừng”. Anh nói làm bài này khi giữa rừng nhớ tôi. “Em yêu là một bông hoa/ Bông hoa dại mọc, giữa rừng hoang sơ/Rừng hoang không một bóng người qua/ Không ai biết đến bông hoa giữa rừng/”… Anh ví tôi như một bông hoa nhỏ giữa khu rừng hoang sơ, và anh luôn giữ chiếc khăn tôi tặng, anh chiến đấu thay cho tôi, thay cho ý chí ước mơ của tôi và anh luôn mang hình ảnh của tôi trong tim…

Tác phẩm
Tác phẩm "Mùa hoa lê".

Từ bấy tới giờ, cô luôn có chú hiện hữu?  

Đúng thế, trước còn lờ mờ, sau rõ rệt. Sáng nào tôi cũng thắp hương, pha cà phê cho anh. Lúc nào anh đọc thơ thì tôi chép. Sau đó thì tôi vẽ. Tôi vẽ anh, vẽ buổi gặp gỡ trên đồi thông, vẽ chuyện hai đứa với nhau, những gì trong ký ức, tôi thể hiện lên tranh. Anh khuyến khích, động viên tôi vẽ, và bảo triển lãm nhất định thành công, sẽ có cả người mua tranh của em. Và trời ơi, tới giờ, tôi mới tin tất cả những điều anh dự đoán đã thành sự thực.

Thế có bao giờ chú bảo cô phải đi lấy chồng, sống với một người đàn ông nào đó, thậm chí tìm người đàn ông nào đó cho cô không?

Cũng có. Nhưng anh bảo: Chả có đứa nào hiểu em như anh, xứng với em, thậm chí anh còn nói, “chúng nó ngu lắm”, sao lấy em được. Nhưng gần đây, anh lại có ý định tìm người cho tôi. (Cười)

Vậy cô có muốn từ xa bóng hình chú, để tới với ai đó không? Nguyện ước bây giờ của cô là gì?

Chuyện tình cảm, có lẽ để vậy thôi, anh muốn thế nào tôi làm theo thế. Thực sự mỗi lần nghe những bài ca năm tháng, những phim tư liệu, là tôi lại thương nhớ anh vô cùng, tôi trào nước mắt. Tôi thương anh, người chiến sĩ vô danh nên bổn phận tôi càng phải chăm sóc, cúng lễ cho anh thật chu đáo. Ước mơ cuối đời cháy bỏng nhất của tôi là làm sao cho anh có một ngôi mộ, dù là mộ giả ở nghĩa trang liệt sĩ. Tôi vẫn thờ phụng anh đây, nhưng tôi vẫn muốn có gì đó gọi là Tổ quốc ghi công, cho anh đỡ thiệt thòi.

Xin chân thành cảm ơn cô. Chúc cô luôn khỏe, sáng tác nhiều và yêu nồng nàn.

Codet Hanoi

Khu vườn tinh khôi của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

Khu vườn tinh khôi của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

Tranh của Nhi đẫm những suy tư triết học về bản thể của mình với những mối quan hệ xã hội và sâu sắc hơn, là sự đối diện với chính mình.