Ở nông thôn, xưa cứ hết 3 ngày Tết là người nông dân lại “xuống đồng” cấy lúa. Những cây mạ non được cắm xuống dưới bùn, gặp thời tiết ấm áp của mùa xuân nhanh chóng sinh trưởng, đợi tháng Ba “sấm dậy phất cờ mà lên”. Cây mạ non như những mầm xanh hy vọng của những người nông dân vào một mùa màng tốt tươi, một cuộc sống đủ đầy khi bắt đầu một năm mới.
Tôi nhớ hồi bé nhà có cây mít ở phía đầu hồi nhà bếp. Mỗi năm, mẹ tôi vạch một vết dao lên cây đánh dấu chiều cao khi tôi thêm một tuổi. Nghe mẹ kể lại, cây mít mẹ trồng khi bà mới hoài thai tôi. Cái hạt mít nhỏ xinh mẹ tôi trồng xuống đất giống như gửi gắm một niềm hy vọng. Mẹ hy vọng cái hạt đó sẽ nảy mầm, sẽ lên thành cái cây và sẽ sinh trưởng thật tốt giống như sinh linh bé bỏng trong bà sẽ lớn lên từng ngày, ra đời và lớn lên khỏe mạnh. Bà gửi gắm vào cái cây đó tất cả tình yêu thương, sự chăm bẵm, cũng giống như dành tất cả tình yêu thương chăm bẵm cho mầm sống đang lớn lên trong bà mỗi ngày.
Ảnh minh họa: Tào Linh. |
Cây mít lớn lên mỗi ngày, bằng đúng tuổi tôi, nhưng tôi càng lớn thì thân cây càng to, đến một ngày vòng tay tôi ôm không hết thân cây nữa cũng là lúc tôi rời xa ngôi nhà ấu thơ để bước vào vòng quay cơm áo gạo tiền nơi phố phường nhộn nhịp. Cái cây ấy, giống như cuốn nhật ký, ghi lại cả thời thơ ấu và thanh xuân của tôi dưới mái nhà có vòng tay chở che của cha mẹ. Cuốn nhật ký màu xanh chứa đầy kỷ niệm, ký thác cả một miền ký ức trên từng sắc lá, thớ vỏ và ẩn sâu trong thân gỗ.
Ngày học cấp 1, trong phần tập đọc có bài thơ “Bài hát trồng cây” của tác giả Bế Kiến Quốc: “Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc/ Mong chờ cây/ Mau lớn theo từng ngày…”. Gieo một cái hạt xuống đất cũng giống như gieo xuống đó một niềm hy vọng. Mầm cây bé xinh nảy ra từ cái hạt đặt trong lòng đất cũng giống như một sự sống được hoài thai. Người gieo trồng cũng phải chăm sóc, tưới tắm, phải yêu thương, nuôi dưỡng cái mầm xanh ấy như đứa trẻ của mình. Người trồng cũng chờ mong cây lớn lên mạnh khỏe, cũng lo lắng khi cái cây bị bệnh. Cái cây ấy lớn lên từng ngày, bên cạnh làm bầu bạn, đem lại hạnh phúc cho người trồng.
Mỗi mùa xuân đến, ngôi trường làng nơi chúng tôi học thường tổ chức trồng cây, có thi đua giữa các lớp để xem lớp nào trồng được nhiều cây và cây phát triển tốt nhất. Nhờ thế, xuân này qua xuân khác, sân trường nơi chúng tôi học rợp mát bóng bàng, me, phượng… và rực rỡ sắc màu muôn loài hoa.
Có trồng cây mới thấy mỗi loài có một tính cách khác nhau. Như cây bàng, mặc dù vạm vỡ, mạnh mẽ như chàng thanh niên tuổi mới lớn nhưng không chịu được giá rét, đông đến là trút lá để sang xuân nhưng mầm xanh lại bật ra mơn mởn, tràn đầy sức sống. Cây thường xuân, loài dây leo mềm mại, nhẹ nhàng như vẻ yếu đuối, mong manh của người thiếu nữ nhưng lại có sức sống bền bỉ, bất chấp thời tiết vẫn xanh tươi giữa những ngày đông băng giá. Hay cây hoa giấy, thật kiên cường khi càng nắng, càng khô hạn hoa càng rực rỡ khoe sắc với đời…
Marcus Tullius Cicero - triết gia, nhà hùng biện, nhà chính trị người La Mã có nói rằng: “Nếu bạn có một thư viện và một khu vườn, bạn đã có mọi thứ bạn cần”. Khi ở quê nhà, tôi cũng từng có cho mình một khu vườn với dăm thứ cây ăn trái, vài loài hoa yêu thích mà tôi có thể dành cả ngày nghỉ chỉ loanh quanh để tỉa cành, cắt lá, nhổ cỏ, bắt sâu… Từ ngày ra thành phố, với cái nhà trên mảnh đất chưa đầy ba mươi mét vuông thì “thư viện” còn có thể, chứ “khu vườn” là điều không tưởng. Thế nhưng, trong giấc mơ tôi vẫn gặp những khu vườn xanh mướt mát, những cái hạt đang nảy mầm bé xinh trồi lên khỏi mặt đất, những sắc hoa rực rỡ dắt tôi đi miên man dọc con đường ký ức.
“Nếu bạn có một thư viện và một khu vườn, bạn đã có mọi thứ bạn cần”. |
Vậy là, quyết định cần phải có cho mình một “khu vườn”, dù thật nhỏ bé, chỉ với dăm bảy cái cây xinh xinh cũng được. Hì hục vác từng bao đất leo qua 4 tầng lên sân thượng. Dạo ấy cũng vào mùa xuân. Và những cái hạt bé xinh được gieo xuống thùng xốp chứa đất. Thắc thỏm, hồi hộp, cảm giác như mình gửi vào đấy cả niềm tin và hy vọng. Từng ngày tưới nước rồi chờ đợi, vui mừng đến mức muốn hét lên với cả thế giới khi thấy từng mầm xanh khe khẽ nhú lên khỏi lớp đất nâu. Nhìn những mầm xanh tí hon, cảm giác bao muộn phiền ngày cũ tan biến, trước mặt là những ngày tháng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.
Những mầm xanh ấy lớn dần lên, đến một ngày được thu hoạch cả rổ rau, vài chùm hoa khoe sắc trong nắng sớm bỗng thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất hành tinh và lập tức chụp ảnh khoe với cả thế giới. Gần mười mùa xuân trôi qua, góc sân thượng ấy đã thực sự thành một “khu vườn” cỏn con quanh năm hoa nở. Mỗi sáng thức dậy lên tưới cây, ngắm hoa thấy mình có cả một gia tài.
Chắc ai đó sẽ nói, nuôi thú cưng nó mới có tình cảm gắn bó, chứ trồng một cái cây nó đâu có gì mà hạnh phúc thế, nó đâu có hiểu mình? Chuyên gia người Mỹ về phát hiện nói dối Cleve Backster đã tình cờ phát hiện ra rằng, thực vật cũng có những hoạt động cảm xúc ở cấp cao và khá tương đồng với con người. Ông cùng các cộng sự đã làm nhiều nghiên cứu để khẳng định phát hiện này là chân xác.
Theo các nghiên cứu của Cleve Backster, mỗi cái cây không chỉ là thực vật vô tri mà nó hoàn toàn có cảm xúc, biết vui mừng khi được chăm sóc, tưới tắm, chuyện trò; biết sợ hãi khi bị đe dọa đến sự sống của mình và đặc biệt, nó còn có thể nhận ra được “chủ nhân” của mình. Vậy còn chần chờ gì nữa, Tết này, hãy tự tay mình trồng một cái cây. Khi ấy, bạn sẽ thấy được cảm giác mình đang gieo xuống đất một niềm hy vọng. Hãy dành thời gian trò chuyện với cây mỗi ngày, để thấy cái cây ấy cũng mang lại cho mình niềm hạnh phúc, cũng giúp mình biết quan tâm, biết lắng hồn mình để quan sát xung quanh.
Và chắc chắn, khi nhìn mầm xanh lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của mình, mọi ưu phiền năm cũ sẽ qua đi, nhường chỗ cho một năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và hy vọng.
(*) Lời trong ca khúc “Một đời người một rừng cây” của Trần Long Ẩn.
Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường
Tất cả mọi thứ trên thế gian này liệu có gì khiêm nhường hơn đất. Vậy sao ta không học Đất để làm Người ?