Chân thành… trong bếp

Chân thành trong bếp thì sẽ chân thành ở bất cứ đâu. Cứ vụng dại mà chân thành, trước khi thức ăn cuốn ta đi trong một xã hội công nghiệp.

Không ai đứng trong bếp mà không nghĩ mình có quyền sáng tạo, và với một chút quyền năng nho nhỏ thôi, cũng có thể tạo ra một cái gì đó, với mình, giống như một tác phẩm (dù với người khác đơn giản chỉ là một món ăn, có tên hoặc không tên).

Một tác phẩm mà để thưởng thức nó cần huy động nhiều giác quan hơn các tác phẩm nghệ thuật. Nghĩa là nó có thể thơm thảo và quyến rũ (hoặc ngược lại), có thể biến một bữa ăn thành một niềm vui hay sự chịu đựng mà không cần những bày đặt phức tạp. Nhưng muốn thế, cần một chút hiểu biết về nấu nướng, và quan trọng nhất, là sự chân thành.

Nấu bếp rất cần chân thành!

Chân thành trong bếp là một khái niệm rất dễ, nhưng có khi rất khó trình bày để người khác hiểu. Nó cũng khó khăn như chân thành ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào mà điều kiện để chân thành không hoàn toàn đầy đủ. Đầu tiên, sự chân thành nằm trong việc lựa chọn thực phẩm. Không kể những gia đình quá nghèo, phải lo toan nhiều chuyện, phải toan tính từng bữa để cơm có thịt, nên cứ thịt rẻ rau rẻ là mua, biết không ngon vẫn đành…Trong những gia đình ấy, cặm cụi thôi là đã đủ.

Chân thành… trong bếp

Nhưng có trường hợp, không hề hiếm, nhiều chị em đã mặc đã dùng là nhất thiết hàng hiệu, sẵn sàng giãy lên như đỉa phải vôi nếu phát hiện ra bạn mình có cái túi nhìn đẹp ngang ngửa của mình nhưng lại là hàng fake. Nhưng lại kệ cho người giúp việc đi chợ mua gì về nấu cho gia đình cũng được. Ăn uống phiên phiến, nói một cách rất “thiền”, nhưng thực ra là kệ. Con thích ăn gì cho ăn đó, 5 nghìn xâu thịt nướng ở cổng trường con có đòi là mua ngay, hoặc cho tiền bừa phứa để con ăn gì thì tùy. Như thế là thiếu sự chân thành. Thực phẩm bẩn tràn lan, bệnh theo thức ăn vào miệng nhiều vô kể, nên coi việc cẩu thả khi chọn thực phẩm, trước khi vào bếp, đã là một sự thiếu chân thành.

Chân thành nữa là việc vào bếp. Nấu nướng thực ra có những quy tắc khá phiền phức, ngay cả với những bữa ăn đơn giản nhất. Có hàng loạt những dạy dỗ truyền đời, dân gian kiểu như “con gà phải có lá chanh, thịt lợn thì phải có hành mới ngon...” hoặc bác học dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành... Không biết, hoặc biết mà không làm theo, đều dễ khiến người ăn tức anh ách.

Đại khái là khi nấu một món ăn cần những gia vị thế này, ví dụ món chân giò giả cầy, phải có riềng mẻ mắm tôm, thì không được đánh tráo một trong ba thứ ấy bằng những gia vị khác để hy vọng đánh lừa cảm giác, chẳng hạn mẻ (nhất là mẻ) không được thay bằng cà chua, thậm chí có người thay bằng sữa chua. Mắm tôm không thể thiếu và chớ thay bằng bất kể loại mắm nào khác, mắm cáy mắm tép vào nồi giả cầy là sẽ phải đổ đi tất cả vì sẽ không ai có thể chịu đựng nổi sự hỗn tạp mùi vị rất tệ hại như vậy. Riềng cũng vậy, sả hay gừng trong trường hợp này là không được.

Tóm lại, không có đủ gia vị quan trọng thì đừng làm ra vẻ biết nấu, đấy chính là sự chân thành với món ăn. Một khi có sự chân thành trong lựa chọn thực phẩm, sự chân thành trong nấu nướng, thế là đã có sự chân thành trong bếp-sự chân thành đủ để an lòng người nấu ăn, người ăn - dù món ăn có là gì đi nữa, giá 200 hay 20 nghìn, thậm chí ít hơn thế, bày trên mâm.

Tất nhiên, bếp núc mà bàn đến chân thành thì nghe to tát quá. Nhưng khi người ta chân thành trong bếp, thì người ta sẽ chân thành ở bất cứ đâu. Cứ vụng dại mà chân thành, trước khi những cơn lũ thức ăn làm sẵn cuốn chúng ta đi trong một xã hội công nghiệp, những thực phẩm chức năng thay cho một bữa ăn bình dân thân thuộc, trước khi chúng ta gồng mình để nói dối nhau về đạo đức, hãy cứ vào bếp, tìm một đồng cảm nào đó với lũ nồi niêu, và nghĩ mình vẫn còn sức để chân thành.

Hà Phạm

Tự do trong bếp

Tự do trong bếp

Bếp, nơi tôi tự do và bị trói buộc, nơi tôi làm chủ và làm công. Hơn mọi nơi khác trên đời, nơi ấy tôi là đàn bà trong gia đình.