Cổ phiếu cần quan tâm 10/1: MSN, PHC, GAS, HDC, PET

Theo các công ty chứng khoán, MSN, PHC, GAS, HDC, PET là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 10/1.

Khuyến nghị MSN: Định giá ở mức 200.000 đồng/CP

CTCK HSBC (HSBC): HSBC Research vừa công bố báo cáo lần đầu về Masan Group với định giá MSN ở mức 200.000 đồng/CP, cao hơn 24% so giá đóng cửa hôm 5/1 của cổ phiếu này trên HOSE.

Báo cáo đã định giá từng mảng kinh doanh của Masan dựa trên các dự báo về kết quả kinh doanh các năm tới và so sánh với các công ty cùng ngành trong khu vực. Cụ thể, WinCommerce được định giá hơn 73.000 tỷ đồng, Masan Consumer hơn 163.000 tỷ.

Các mảng đang niêm yết như Masan MEATLife, Masan High-tech Materials và Techcombank được định giá dựa trên giá trị thị trường của cổ phiếu. Trong khi đó các mảng mới đầu tư như Reddi và Phúc Long được định giá theo doanh số kỳ vọng trong tương lai.

4 luận điểm đầu tư vào MSN được chuyên viên phân tích của HSBC Research đưa ra gồm: tăng tỷ trọng doanh thu bán hàng trực tuyến, tăng trưởng người dùng mạng di động Reddi, mở rộng hợp tác các lĩnh vực mới như thanh toán, giải trí và thoái vốn khỏi các lĩnh vực không trọng yếu.

Việc Alibaba Group và các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới như TPG, ADIA, Seatown đầu tư vào The CrownX cho thấy sức hút mạnh mẽ của nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ này. WinCommerce hợp tác với trang thương mại điện tử Lazada từng bước nâng tỷ trọng bán hàng trực tuyến của WinMart/WinMart+ đồng thời cải thiện tỷ lệ lợi nhuận. Tỷ lệ EBITDA của WinCommerce mới đạt 3% so với các công ty bán lẻ cùng ngành trong khu vực là 10%.

Với việc mua lại mạng di động Reddi, các phân tích của HSBC tin rằng, Masan sẽ tạo nên một nền tảng cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ cho người tiêu dùng. Khi đến các cửa hàng WinMart+ theo mô hình mini-mall được Masan triển khai gần đây, khách hàng có thể đồng thời mua nhu yếu phẩm (thực phẩm, đồ uống) từ WinMart+, mua trà, café từ kiosk Phúc Long, dược phẩm, thực phẩm chức năng từ Phano (dược phẩm).

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể thực hiện các dịch vụ tài chính linh hoạt của Techcombank như nộp rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm hay sử dụng dịch vụ viễn thông từ nhà mạng Reddi.

Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng khách hàng thân thiết để mang đến giá trị vượt trội hơn nữa. Đây là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số, chiếm khoảng 80% chi tiêu của người Việt Nam.

Người tiêu dùng được phục vụ nhiều sản phẩm và dịch vụ tại duy nhất một điểm đến, qua đó góp phần tăng doanh thu/m2 bằng cách bán chéo, bán thêm sản phẩm thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết.

Masan tin rằng yếu tố thay đổi cuộc chơi trong thời gian tới sẽ là cung cấp các giải pháp fin-tech bằng cách tận dụng cơ sở khách hàng thân thiết, trong đó mạng di động Reddi là nền tảng cốt lõi. Hiện nay, các giải pháp fin-tech như “mua trước trả sau” vẫn chưa đáp ứng đúng mức và đầy đủ cho đông đảo người tiêu dùng.

Với quy định mới cho phép triển khai mobile money tại Việt Nam, Reddi có cơ hội mở rộng khách hàng đến nhóm người tiêu dùng chưa có tài khoản ngân hàng, hiện chiếm tỷ lệ lớn trong hơn 100 triệu dân số Việt Nam. Điều này giúp hiện thực hóa mục tiêu các sản phẩm của Masan ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong chi tiêu của người dân.

Dù có tiềm năng để cung cấp dịch vụ thanh toán, Reddi của Masan sẽ phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Viettel Pay, Mobifone hay các ví điện tử đang có lượng người dùng lớn như VNPay và MoMo, vốn đang được đứng sau bởi các tập đoàn tài chính lớn như SoftBank, GIC và Warburg.

Dù Phúc Long và Reddi hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong định giá của Masan, nhưng HSBC dự báo sẽ tăng lên trong tương lai. Trong khi mảng WinCommerce và Masan Consumer sẽ tiếp tục là phần lớn giá trị của Masan.

Đối với các mảng kinh doanh khác như dịch vụ ngân hàng, thịt mát và khoáng sản, Masan được được hưởng lợi nhờ tính chu kỳ của sản phẩm. Đơn cử, sau giai đoạn dịch tả heo Châu Phi, thị trường chăn nuôi đang phục hồi tích cực. Gần đây Masan đã chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi để tập trung vào mảng thịt chế biến, giảm bớt sự phục thuộc vào tính chu kỳ của hoạt động chăn nuôi.

Mảng ngân hàng cũng đang hưởng lợi nhờ tăng trưởng nhu cầu tín dụng trong nhiều năm qua. Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân dẫn đầu về lợi nhuận hàng năm nhờ vào chiến lược số hóa dịch vụ ngân hàng từ sớm. Tương tự, giá vonfram và đồng có diễn biến tích cực giúp cho Masan High-tech Materials cải thiện lợi nhuận trong thời gian gần đây.

Dù định giá tích cực về Masan nhưng HSBC cũng đưa ra các rủi ro ảnh hưởng đến dự phóng kết quả các mảng kinh doanh của tập đoàn. Tỷ lệ lợi nhuận của Wincommerce có thể giảm so chi phí cao hơn trong quá trình mở rộng điểm bán hoặc chí phí phát triển sản phẩm mới của Masan Consumer.

Khuyến nghị PHC: Chốt lãi tại ngưỡng 21.300 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu PHC của Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings đang tích luỹ xung quanh vùng 18-18.3, tương đương với Fibonaci 38.2%. Thanh khoản của cổ phiếu tích cực, vượt lên trên trung bình 20 ngày.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã nằm trên MA20 và MA50, thêm nữa MA20 chuẩn bị cắt lên đường MA50, ủng hộ xu hướng tăng mới của PHC.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mở vị thế tại ngưỡng 18.3, chốt lãi tại ngưỡng 21.3 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 17.7.

Khuyến nghị GAS: Giá trị hợp lý ở mức 123.500 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS): Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) là nhà cung cấp khí khô duy nhất tại Việt Nam, chiếm phần lớn doanh số bán LPG và Condensate tại thị trường này. Là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), GAS có toàn quyền thu gom và phân phối khí cũng như các sản phẩm từ khí từ các mỏ thuộc sở hữu hoặc liên kết với PVN.

Ngoài ra, công ty cũng đang giữ vị thế độc quyền tại thị trường Việt Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng khí hoàn chỉnh, bao gồm hệ thống thu gom khí tại nguồn, đường ống phân phối, vận chuyển, hệ thống kho chứa và các nhà máy xử lý khí.

Ngày nay, GAS ngày càng lớn mạnh qua việc liên tục đầu tư vào các dự án mới nhằm nâng cao công suất cũng như mở rộng các dòng sản phẩm mới nhằm nắm bắt nhu cầu phát triển nhanh chóng của thị trường Việt Nam.

Công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2012.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của công ty sẽ tăng trưởng vào năm 2022 khi đại dịch đã trong tầm kiểm soát với tỷ lệ tiêm chủng đang tăng với tốc độ cao. Với giả định giá dầu ổn định ở mức 70 USD/thùng, doanh thu có thể đạt 89 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 14 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 14%).

Kể từ năm 2021, biên lợi nhuận đã được cải thiện đáng kể khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái bình thường, dẫn đến giá dầu và giá khí đốt cũng như các sản phẩm khí khác tăng vọt.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Giá dầu duy trì ở mức cao sẽ củng cố vững chắc lợi nhuận của GAS và thúc đẩy mở rộng các hoạt động thăm dò và khai thác của ngành dầu khí. (2) Công ty đang đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và phân phối Khí hóa lỏng (LNG), LNG Thị Vải, 2022-2023 và LNG Sơn Mỹ từ năm 2025, nhằm phục vụ nhu cầu khí đốt tăng cao trong nước khi (3) Chính phủ đã nhấn mạnh sự chuyển dịch năng lượng xanh để đáp ứng yêu cầu giảm thải carbon đã cam kết giữa các quốc gia và do đó, sẽ ưu tiên nguồn năng lượng từ khí trong tầm nhìn đến năm 2030.

Sự chuyển dịch này cùng với nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng công nghiệp và hộ gia đình được kỳ vọng sẽ thắp sáng triển vọng của công ty trong tương lai sắp tới.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 123,500 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 18%.

Định giá của chúng tôi không bao gồm các dự án Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 2 do sự không chắc chắn, điều kiện không thuận lợi và thiếu thông tin cần thiết trong giai đoạn được định giá.

Khuyến nghị HDC: Xem xét mua ở mức giá hiện tại

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu – sàn HOSE) ở mức 92 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của HDC đóng cửa phiên 06/01 tăng 1% với KLGD tăng trên 56% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá giao dịch gần mức kháng cự ngắn hạn 107.8 và đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên đồ thị giá có thể sẽ chưa vượt được mức kháng cự này và các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của HDC cũng được nâng lên mức TĂNG.

Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Khuyến nghị PET: Tiếp tục nắm giữ 

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của PET (Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí – sàn HOSE) ở mức 83 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của PET đóng cửa phiên 06/01 tăng 7% và đóng cửa ở mức cao nhất 52 tuần. Đồng thời, đồ thị giá bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn. Điểm tích cực dòng tiền ngắn hạn đã gia tăng trở lại, đặc biệt rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã xuất hiện tín hiệu mua vào ngày 15/12/2021 với lợi nhuận tạm tính là 20,73% cho nên các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương